Trở lại Hủa Na

08:22 | 29/11/2011

929 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng là đang có một Hủa Na khác, một Hủa Na đang dần thành hình, trở thành một biểu tượng thi gan cùng trời đất giữa vùng rừng núi nguyên sinh lau lách. Tôi đứng trên đỉnh đồi dõi xuống dưới lòng vực, nơi nhà máy đang mỗi ngày một cao lên, bề thế hơn mà trong lòng đan xen bao cảm xúc khó tả.

Sau gần một năm, tôi trở lại Thủy điện Hủa Na. Vẫn là con đường cũ, tôi vào TP Vinh, theo xe khách đi hơn 200km đến trung tâm huyện Quế Phong rồi đợi đến 16 giờ nhờ xe chở xi-măng vào thủy điện. Đất đỏ miền Tây xứ Nghệ gặp lốp xe gấu bị xay nát thành thứ bột mịn tinh. Gặp đúng mùa hanh gió, bụi quẩn lên đặc kịt trên lá cây, bám riết vào quần áo, đầu tóc. Mồ hôi túa ra, thứ bột bụi ấy theo mồ hôi quánh lại, đặc sệt chảy xuống má xuống cổ rất khó chịu. Hai lỗ mũi thì cứ bít đặc lại, hơi thở sực mùi bùn, ngoáy nhẹ vón quyện dẻo quẹo nơi ngón tay.

Nỗi buồn của người thủy điện

Lần trở lại Hủa Na này, tôi có cảm giác như về thăm lại người bạn vong niên lâu ngày không gặp. Là bởi sự hồn hậu, nhiệt tình của anh em cán bộ ở đây. Vẫn là con người cũ, vẫn là cảnh vật cũ nhưng niềm vui từ không khí lao động trong những ngày về đích cũng không xóa nổi nỗi buồn, sự cô đơn của những người vẫn còn quá trẻ trung chốn thâm sơn này.

Tôi gặp lại anh Trần Văn Biên, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Hủa Na khi anh đang mang ủng bảo hộ chuẩn bị ra công trường đầu giờ sáng. Anh ôm chầm lấy tôi, bắt tay thật chặt và hỏi dồn tôi những câu hỏi mà những người thân thiết lắm mới hỏi nhau như vậy. Anh ào ào nói liên tục và kể đủ thứ chuyện. Còn tôi thì hiểu rằng, anh đang thèm được nói, thèm được nghe kể chuyện đó đây bởi đã bốn tháng rồi anh chưa về xuôi.

Như nhận ra cái sự “nói nhiều” ấy của mình, anh Biên đúc kết: “Trong tất cả những công trình xây dựng thì có lẽ xây dựng thủy điện là công việc vất vả và gian nan nhất. Là bởi, vị trí xây dựng thường phải ở trên vùng núi cao, nhiều dốc gấp, heo hút xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống. Vào thủy điện là rơi vào một vùng biệt lập, bốn bề là đất đá và núi rừng, thiếu ánh sáng của văn minh”. Tôi hiểu điều anh Biên nói bởi ngay ở thủy điện này, từ nhà máy phải qua gần 50km đường đất tạm bợ (chỉ dành phục vụ công trình) họ mới ra được khu đông dân cư nhất, có thể mua bán được là thị trấn Quế Phong.

Toàn cảnh khu vực Nhà máy thủy điện Hủa Na

Dãy nhà được xây dựng là trụ sở Công ty CP Thủy điện Hủa Na nằm trên đỉnh một quả đồi cao lừng lững. Nơi này cách chân đập hơn 3km và cách nhà máy gần 9km. Thế nên, phải lắng tai lắm tôi mới nghe thấy tiếng huyên náo vọng lại từ công trường. Nhìn chung im ắng và… buồn. Cánh kỹ sư ngày ngày nhao ra công trường thì còn đỡ chứ mấy cán bộ khối hành chính văn phòng thì họ dường như bị quên lãng.

Anh Sơn – Trưởng phòng Hành chính thú thật: “Nhiều khi thèm tiếng người, thèm cãi chửi nhau với ai đó cũng được. Là người, ai cũng cần chia sẻ khi có niềm vui, nỗi buồn nhưng ở đây lâu quá, cảm xúc nó cứ bàng bạc, chính mình cũng không hiểu nổi. Ngày nào cũng như ngày nào, đếm chuẩn được bước chân mình, ngày nào cũng ngần ấy bước chân đi đi lại lại quanh chỏm đồi này. Sáng ngủ dậy một mình lên văn phòng, vùi đầu trong đống giấy tờ, văn bản. Chiều vẫn thế và tối về vẫn một mình. Có khi một ngày tớ không nói câu gì ngoài đúng một câu mời anh em ăn cơm lúc trưa và chiều”.

Như anh Biên quê ở mãi Nam Trực, Nam Định thì phải đến 5 tháng mới về nhà một lần. Còn những người khác thì phải 3 tháng mới được về với… vợ. Tôi tếu táo trêu cánh kỹ sư trẻ rằng, gái bản đấy, chịu khó tối tối vào thăm các em thì thế nào chẳng có người yêu. Họ đồng loạt ồ lên rằng, trước kia thì có thật nhưng giờ thì dân đã ra khu tái định cư gần hết rồi.

Quả thật ở đây hiếm lắm mới nhìn thấy bóng dáng phụ nữ. Ngoài công trường đương nhiên là không có rồi. Họ là mấy cô nhân viên văn phòng thuộc Công ty CP Thủy điện Hủa Na. Nhìn những người phụ nữ ấy cứ lầm lũi trong chốn thâm sơn này sao mà thương vậy. Họ trẻ và rất trẻ. Như Hồng quê ở Diễn Châu, Nghệ An mới tròn 24 tuổi, cái tuổi có lẽ là đẹp nhất cho chuyện yêu đường và thành lập gia đình. Hồng có nước da trắng bóc như trứng gà, khuôn mặt không đẹp, nhưng duyên. Tôi định dợm miệng hỏi vài câu làm quen, anh Thành đứng bên cạnh bấu vào tay tôi rồi nói thầm vào tai: “Mày đừng hỏi về chuyện yêu đương của nó nhé. Nó khóc đấy”.

Chuyện của Hồng đơn giản chỉ là vào “rú” trong thủy điện này biền biệt mà để người yêu đi lấy người con gái khác. Nếu bình thường ở một nơi nào đó thì nỗi buồn này có lẽ qua nhanh chứ không dai dẳng như Hồng. Khi buồn trong tình yêu mà không có người chia sẻ hoặc không có một tình yêu khác đến thì buồn ấy cứ còn lê thê mãi, ai vô tình trêu ghẹo xa xôi một chút là lại tủi thân.

Những ngày quyết liệt

Nỗi cô đơn trong cuộc sống tình cảm là một gam màu trầm đối lập với không khí khẩn trương, nô nức trên Công trường Thủy điện Hủa Na. Người ta có thể cô đơn ở đâu đó nhưng đã ra đến công trường thì nỗi buồn ấy chợt tan biến bởi tiếng máy, tiếng cười chộn rộn. Hủa Na đang vào những ngày sôi nổi nhất

Một chút thông tin: Công trình Thủy điện Hủa Na nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thủy thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An, được xây dựng trên dòng sông Chu, phía thượng nguồn công trình Cửa Đạt (Thanh Hóa). Quế Phong là huyện tận cùng phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, nằm sát biên giới Việt – Lào. Vì heo hút, xa xôi, đất đai eo hẹp, Quế Phong được liệt vào huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng đó lại là vị trí đắc địa để xây dựng thủy điện với nhiều triền dốc gấp, độ cao lý tưởng.

Các kỹ sư họp giao ban ngay trên công trường

Quá trình xây dựng công trình thủy điện được mô tả tóm tắt như sau: Đầu tiên, người ta sẽ đắp đập chặn dòng sông Chu, sau đó đào một đường hầm lớn để nắn dòng nước đi qua đường hầm này, bảo đảm lưu lượng nước dưới vùng hạ lưu. Tiếp đó, người ta sẽ chọn hai đỉnh đồi đối xứng ven dòng sông để làm hai mố đập giữ nước trong hồ chứa sau này. Ở Thủy điện Hủa Na, con đập bê tông cao đến gần một trăm mét, dài gần bốn trăm mét. Nước được chặn lại trong lòng hồ rộng 21,3 km2 được đưa vào một đường hầm dài gần bốn cây số đến nhà máy để chạy tua-bin phát điện.

Việc thi công được hầm có lẽ là công việc cam go nhất trong các gói thi công. Anh Phan Trọng Phú – Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na cho biết: “Tiến độ thi công đường hầm chậm trễ là do nền địa chất xấu 3,5-4 lần so với đánh giá địa chất ban đầu. Chính vì thế, lịch dự kiến thông hầm vào ngày 31/8/2011 đã không đạt, lịch hoàn thành vào ngày 31/12/2011 cũng sẽ không kịp. Với tình hình hiện nay phải đến tháng 2/2012 mới kịp thông hầm”.

Khó khăn khi gặp địa chất yếu được anh Phú mô tả như sau: Ban đầu, theo tính toán thì đá trong đường hầm rất chắc chắn nhưng đây cũng chỉ là khảo sát ban đầu mà thôi. Trong quá trình đào hầm, chúng tôi phát hiện ra những đoạn nền đá rất yếu, nếu không gia cố cẩn thận có thể lở xuống gây tai nạn và gián đoạn thi công bất cứ lúc nào.

Để đảm bảo an toàn và chất lượng công trình, công nhân thi công phải chống ngàm chữ Y, giăng lưới thép sau đó phun bê-tông để gia cố bề mặt hầm. Đáng lẽ, đội công nhân đào hầm có thể đi được 3-4m một ngày nhưng hiện tại, họ chỉ có thể đi được hơn 1m một ngày mà thôi. Chính vì thế, trong quá trình thi công được hầm, đến thời điểm này không có bất cứ tai nạn nhỏ nào xảy ra tại đây.

Các kỹ sư đang kiểm tra chất lượng đường hầm

Để đảm bảo tiến độ thi công, Công ty CP Thủy điện Hủa Na không chủ trương vội vã đẩy nhanh tiến độ đào hầm vì việc này là bất khả kháng và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Việc chạy đua với thời gian để về đích đúng hẹn được thống nhất sẽ rút ngắn thời gian đổ bê tông các tuyến đập tràn, cụm nhà máy. Đây cũng là nội dung chính trong buổi lễ phát động “Phấn đấu 300 ngày đêm phát điện tổ máy số 1 Thủy điện Hủa Na”.

Buổi lễ này là một lời quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên đang tham gia xây dựng thủy điện, tập trung tối đa nguồn lực để hoàn tất các gói thi công đúng hẹn.

Anh Phú cho biết: “Từ chủ đầu tư, các nhà thầu đều ký giao kết thi đua cho lịch trình công việc của mình. Tăng cường chế độ giám sát thi công, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích lao động tốt”. Với một công trình thủy điện, quá trình thi công được chia ra làm 4 mốc: khởi công, chặn dòng, tích nước và phát điện. Ở Thủy điện Hủa Na, giai đoạn khởi công tính từ ngày 28/3/2008, đến ngày 30/1/2010 thì hoàn thành giai đoạn chặn dòng. Dự tính đến ngày 15/6/2012 sẽ bắt đầu tích nước vào lòng hồ để tháng 10/2012 sẽ chuẩn bị giai đoạn phát điện.

Hủa Na đang trong giai đoạn chuẩn bị tích nước – là giai đoạn quan trọng bậc nhất của một công trình thủy điện. Giai đoạn này sẽ phải hoàn tất những cụm hạng mục quan trọng nhất như đập nước, nhà máy và tháp điều áp. Thế nên, sự tập trung và nỗ lực trong lao động phải đẩy lên mức tối đa. Trên công trường lúc này không lúc nào im tiếng máy. Cường độ lao động được đây lên 3 ca, 3 kíp, hoạt động liên tục 24/24.

Bên cạnh các hạng mục hạng mục thi công công trình chính đang được các nhà thầu tập trung thi công thì các gói thầu thiết bị cũng đã đồng loạt thực hiện. Lắp đặt thiết bị quan trắc tuyến đập được 55/293 thiết bị, tại đập tràn, công tác gia công các thiết bị đạt khoảng 80%, cơ bản đã hoàn thành khối lượng lắp đặt tiếp địa bản đáy. Phần thiết bị cơ khí thủy công do các nhà thầu trong nước của LILAMA gia công chế tạo và lắp đặt cũng đang rất khẩn trương đảm bảo tiến độ. Hệ thống đường dây 220kv Hủa Na – Thanh Hóa được các nhà thầu đứng đầu là Công ty Sông Đà 11 đang tập trung đào hố móng, đổ bê tông đế trụ và đào đắp tiếp địa và lấp đất hố móng.

Có đứng giữa công trường, tôi mới cảm nhận hết không khí hừng hực, nhộn nhịp và khẩn trương của anh em kỹ sư, công nhân ở đây. Trên công trường số lượng kỹ sư công nhân viên đang ở vào thời kỳ đỉnh điểm: hơn 4.000 người. Họ vào ca, ra ca ào ào, ăn uống vội vã và tiếng cười nói lúc nào cũng huyên náo. Anh Bùi Văn Ký – thợ hàn nói: “Em vào thủy điện gần hai năm rồi nhưng chưa khi nào thấy không khí lao động vui như lúc này. Càng về giai đoạn cuối quá trình thi công, khí thế làm việc càng được đẩy lên cao. Tinh thần vui vẻ nên con người cũng bớt mệt mỏi hơn”.

Khi anh Biên dẫn tôi lên tháp điều áp, tôi thực sự bất ngờ và ngỡ ngàng. Lần trước tôi đến đây, tháp điều áp buồn hiu hắt với dăm bảy công nhân trông máy khoan thủy lực. Giờ thì đã khác rồi. Khu vực đặt máy khoan thủy lực ngày trước đã biến thành một giếng bê tông khổng lồ có đường kính 28m và sâu hơn 100m. Đứng trên miệng giếng nhìn xuống tôi thực sự bị choáng ngợp như thể mình bị hút xuống bất cứ lúc nào.

Về cơ bản, việc thi công giếng tháp điều áp cũng giống như thi công hầm dẫn nước. Điều làm anh em kỹ sư ở đây đau đầu cũng là vấn đề gặp phải khi thi công đường hầm, đó là địa chất quá yếu. Để đẩy nhanh việc thi công tháp điều áp, chủ đầu tư và nhà thầu đã phải thay đổi biện pháp thi công, thay khoan doa bằng biện pháp khoan nổ nhỏ từ đáy giếng lên.

Đúng là đang có một Hủa Na khác, một Hủa Na đang dần thành hình, trở thành một biểu tượng thi gan cùng trời đất giữa vùng rừng núi nguyên sinh lau lách. Tôi đứng trên đỉnh đồi dõi xuống dưới lòng vực, nơi nhà máy đang mỗi ngày một cao lên, bề thế hơn mà trong lòng đan xen bao cảm xúc khó tả. Cũng với những con người nhỏ bé kia, trong những nỗi buồn hết sức bình dị và rất đỗi con người ấy thì họ đang làm một công việc vĩ đại: bắt dòng sông Chu bất kham sinh điện đi khắp nước. Có một thứ tình cảm đặc biệt trào dâng trong lòng, sự cảm phục, yêu mến những con người nơi này. Tôi cứ nhắc nhở mình trên đường về xuôi: Sẽ trở lại Hủa Na xem nước về!

Thông tin thêm

Dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng sông Chu, nằm trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư với những cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á… Trong đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam giữ cổ phần chi phối. Với công suất 180MW và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành, Nhà máy Thủy điện Hủa Na sẽ cung cấp lên lưới điện Quốc gia 712,7 triệu kWh/năm.

Tính đến hết tháng 10/2011, tuy gặp phải một số khó khăn ngoài dự kiến về địa chất nhưng tiến độ thị công vẫn nằm trong sự kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu. Trên tuyến áp lực: Đập dâng, đập tràn hoàn thành được 80%; đập phụ đạt 56,6%. Tuyến hầm dẫn nước đạt 84,3%; nhà máy đạt 75,5%. Nhà máy đã hoàn thiện xong côn, khuỷu ở 2 tổ máy để chuẩn bị lắp đặt buồng xoắn.

Dự kiến đến tháng 10/2012 nhà máy có thể phát điện hòa lưới điện Quốc gia.

Vũ Minh Tiến