Trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11

18:54 | 26/02/2021

173 lượt xem
|
(PetroTimes) - Giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 do đất nước Campuchia giữ vai trò tổ chức vào năm 2020. Theo thông lệ, mỗi quốc gia sẽ chọn 2 tác phẩm xuất sắc viết về các nước trong khu vực sông Mekong để trao giải tại một quốc gia đăng cai vào tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, nên Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 đã không diễn ra đúng lịch (tháng 10/2020).
Trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11
Tác giả Trần Ngọc Phú

Nước chủ nhà Campuchia đã hoãn lễ trao giải thưởng với kỳ vọng đại dịch sẽ chấm dứt.

Nhưng thực tế, cho đến hết tháng 1/2021, nghĩa là đã quá thời hạn cần tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 được hai tháng, mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại các nước thành viên tham gia Giải thưởng, cũng như trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia vẫn thi hành lệnh đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Vào ngày 9/2/2021, đại diện Ban tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 - Chủ tịch Hội nhà văn Khmer (Campuchia) - Nhà văn Proeung Pranit đã gửi thông báo tới các nước thành viên về việc sự kiện trao giải sẽ được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử do đại dịch Covid-19, khẳng định rằng Hội nhà văn các nước thành viên của giải thưởng văn học sông Mekong quyết tâm tham gia với thế giới trong cuộc chiến chống lại sự lây nhiễm của Covid-19 để bảo vệ chính chúng ta, cộng đồng, quốc gia và toàn thế giới... Theo đó, lễ trao giải thưởng diễn ra ngày 26/2/2021, được tổ chức trang trọng với sự tham gia của đầy đủ 12 tác giả đoạt giải của 6 nước thành viên (Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam) và một số đại diện nước chủ nhà Campuchia theo hình thức trực tuyến. Sau lễ trao giải, số tiền giải thưởng (1.000 USD/giải) sẽ được chuyển khoản về Hội nhà văn các nước thành viên để sau đó trao lại cho tác giả đoạt giải.

Hai tác giả Việt Nam đoạt Giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 là tác giả Trần Nhuận Minh với tác phẩm sách thơ “Qua sóng Trường Giang” và tác giả Trần Ngọc Phú với tác phẩm “Từ Biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp”.

Trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11
Tác giả Trần Nhuận Minh

Qua sóng Trường Giang là tập thơ của nhà thơ Việt Nam Trần Nhuận Minh, đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, in lần thứ nhất năm 2017 và tái bản năm 2018, gồm 3 ngữ, Việt ngữ, Hoa ngữ và Anh ngữ. Đây là tập thơ nhà thơ Trần Nhuận Minh viết trên đất Trung Quốc từ năm 1999 đến năm 2007, trong các lần ông qua thăm Trung Quốc, với cương vị là nhà thơ Việt Nam, trong đoàn của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong đoàn của tỉnh Quảng Ninh (khi ông là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) và trong lần ông sang thăm, theo lời mời của phía Trung Quốc để xuất bản tuyển tập thơ của ông tại Bắc Kinh năm 2014.

Ông đã đi đến nhiều địa điểm của Trung Quốc, do đó ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, núi sông hùng vĩ, những sự tích lịch sử oai hùng, tập thơ đã khắc họa rất sâu tình cảm vô cùng thắm thiết đậm đà của nhân dân hai nước và mối giao thoa của hai nền văn hóa Trung - Việt. Nhiều bài thơ trong tập đã được ông đọc tại Trung Quốc trong các lần giao lưu, được xuất bản ở Trung Quốc và dịch giả, GSTS Phùng Trọng Bình (Trung Quốc), đã viết một công trình nghiên cứu rất công phu về thơ ông, in cả ở Trung Quốc và Việt Nam, đánh giá ông là một nhà thơ “phi phàm”, có vốn hiểu biết rất phong phú và sâu sắc văn hóa Trung Quốc, lịch sử và con người Trung Quốc, bộc lộ một tài nghệ đỉnh cao qua các bài thơ rất khác nhau, với đủ các cung bậc về chủ đề, thể loại, cấu trúc đến ngôn ngữ, hình ảnh và giọng điệu. Tập thơ với giọng điệu tươi trẻ, nêu lên những thành tựu vượt bậc của Trung Quốc trong cải cách kinh tế, tràn đầy hi vọng và niềm tin vào bước phát triển của tương lai, ở vùng 6 nước sông Mê Kông, do đó tập thơ vừa là một thành tựu thi ca, có ý nghĩa thời sự, vừa là một tiếng nói hòa bình hữu nghị về tình anh em trong khu vực.

Trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11
Bộ 3 cuốn sách "Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp

Tác phẩm “Từ Biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” lấy bối cảnh cuối thập niên 1970, khi chính quyền Khơ-me Đỏ tàn sát nhân dân Cam Pu Chia, xây dựng một xã hội không hợp lòng dân. Chúng giết dân Cam Pu Chia bằng búa, bằng rìu, bằng cả cuốc xẻng và gậy gộc. Hàng triệu người đã bị tàn sát, Dân tộc Khơ-me nguy cơ bị diệt chủng. Rất nhiều người dân đã chạy sang Việt Nam lánh nạn. Sau năm 1975 Khơ-me Đỏ đã cho quân đội đánh chiếm, tàn sát nhân dân Việt Nam tại các đảo Thổ Chu và dọc biên giới gây tình hình căng thẳng. Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 của quân đội nhân dân Việt Nam tháng 9 năm 1977 cùng nhiều đơn vị của quân đội phải bảo vệ biên giới. Trần Ngọc Phú là một người lính trong đơn vị đó. Năm 2007 ông viết về cuộc chiến này bằng 3 tập sách với tên gọi: “Từ Biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp”. Tập 1 và 2 về giai đoạn bảo vệ biên giới dọc từ Tây Ninh đến Hà Tiên, Kiên Giang mà tác giả Trần Ngọc Phú cùng đơn vị trực tiếp tham chiến. Những trận chiến giao tranh khốc liệt liên tiếp diễn ra giữa quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội của tập đoàn Khơ-me Đỏ. Những trận chiến đấu có thắng, có thua, có hy sinh tổn thất cho cả hai phía, đều được viết lại, kể lại theo trình tự thời gian rất trung thực, tỷ mỉ. Tập 3 là vào tháng 1 năm 1979, quân đội Việt Nam đáp lời kêu gọi cứu giúp của mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, đã cùng quân đội và mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia tiến công tiêu diệt tận sào huyệt của tập đoàn diệt chủng Khơ-me Đỏ tại Thủ Đô Phnompenh, cứu Đất nước và Dân tộc Khơ-me thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Tập sách miêu tả những vất vả cùng hy sinh của người lính tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến truy quét tàn quân của Tập đoàn Khơ-me Đỏ, bảo vệ nhân dân, xây dựng chính quyền mới vững mạnh mang lại hòa bình và cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân Campuchia.

Trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11

Trong bài phát biểu tại Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11 tới đây, tác giả Trần Nhuận Minh viết: “Người Việt Nam, chắc không mấy ai không biết đến ca từ trong một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận “Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông”. Tình hữu nghị Việt - Trung vì vậy đã trở thành truyền thống văn hóa, kinh tế, lịch sử, ngoại giao lâu đời của nhân dân hai nước. Dù trải qua bao thăng trầm, nhưng về cơ bản, truyền thống ấy vẫn là tài sản tinh thần quý giá được nhân dân hai nước trân trọng, bảo vệ và gìn giữ cho đến ngày nay. Nhiều nhà thơ lớn của Việt Nam, hơn một nghìn năm qua, đã có những bài thơ, tập thơ xuất sắc viết trên đất Trung Hoa, với tình anh em sâu nặng và bền vững. Tập thơ “Qua sóng Trường Giang” là một tác phẩm mới tiếp nối truyền thống thơ ca lâu đời đó. Tôi thực sự trân trọng Giải thưởng Văn học Quốc tế này, vì nó không chỉ tôn vinh những tác phẩm xuất sắc của các tác giả sống tại khu vực sông Mekong mà còn tôn vinh những giá trị chung, toàn cầu, khát vọng chung sống hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển và hội nhập quốc tế của các nước trong khu vực.”

Còn tác giả Trần Ngọc Phú thì khẳng định trong bài phát biểu tại Lễ trao giải: “Là một người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, trong những năm tháng từ tháng 7/1977 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, tôi đã cùng đồng đội chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do bè lũ diệt chủng Pôn-pốt - Iêng-Sary phát động. Tiếp đó, chúng tôi lại làm nghĩa vụ quốc tế, cùng với nhân dân Campuchia, Mặt trận Dân tộc cứu nước và Quân đội Cách mạng Campuchia đoàn kết cùng đánh đổ bè lũ Pôn-pốt - Iêng-Sary, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng và xây dựng đất nước Campuchia, góp phần kiến tạo hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc nói riêng và trong khu vực nói chung. Chính vì vậy, qua bộ hồi ký mang tính lịch sử này, tôi muốn viết lại những kỷ niệm không quên trong những năm tháng chiến đấu ấy, không phải để nhắc lại sự thù hận mà để nhắc nhớ một thời kỳ lịch sử đau thương trong chiến tranh để chúng ta càng trân trọng và giữ vững hòa bình, cùng hướng tới tương lai tươi sáng cho các dân tộc.

Campuchia là một đất nước có truyền thống lịch sử huy hoàng hàng ngàn năm, với nền văn minh Angkor rực rỡ, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp, con người nhân hậu, hiền hòa, có nhiều điểm tương đồng với nền văn hóa Đông Nam Á và khu vực dòng chảy sông Mekong. Nhân dân Campuchia luôn đoàn kết, hữu nghị, gắn bó với nhân dân Việt Nam và nhân dân ba nước Đông Dương bên nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, trong xây dựng hòa bình, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Giải thưởng Văn học sông Mekong là một giải thưởng Văn học cao quý của 6 nước trên lưu vực dòng chảy Mekong, với mục tiêu cao cả là trân trọng, tôn vinh, quảng bá những giá trị văn học nhân bản, nhân văn, đóng góp vào dòng chảy văn học của thế giới đương đại, góp phần đoàn kết những người viết nói riêng, nhân dân các nước trong khu vực nói chung đoàn kết - hòa bình - hữu nghị, vì CON NGƯỜI, vì một thế giới tốt đẹp hơn.”

Giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 12 năm 2021 sẽ do nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tổ chức. Cũng trong Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 11, đại diện Hội nhà văn Khmer của nước chủ nhà Campuchia sẽ trao quyền tổ chức sự kiện văn học quốc tế lần thứ 12 này cho phía nước Lào.

Kiều Bích Hậu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan