TP HCM: Tăng cường tuần tra lưu động, tổ chức xe buýt đón người lao động trở lại TP

07:21 | 01/10/2021

118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ 1/10, người dân được đi lại trong thành phố, tuy nhiên, TP sẽ kiểm soát bằng hình thức tuần tra lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên. Đối với người lao động ngoại tỉnh, TP đang tổ chức xe buýt liên tỉnh để đưa đón người dân về TP HCM.

Đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đưa ra trên sóng trực tiếp (livestream) chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/9.

TP HCM: Tăng cường tuần tra lưu động, tổ chức xe buýt đón người lao động trở lại TP
Từ 1/10, TP HCM sẽ kiểm soát bằng hình thức tuần tra lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên (ảnh minh họa)

Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố trải qua 4 tháng giãn cách xã hội, người dân và chính quyền dốc toàn lực để chống đại dịch. TP cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương về lực lượng y bác sĩ, máy móc, thiết bị y tế. Cùng với đó, là sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền thành phố, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhất.

Để không xảy ra tình trạng nới lỏng được một thời gian ngắn mà phải đóng cửa trở lại, thành phố cố gắng từng bước mở cửa, đi vững chắc, chặt chẽ.

Về chỉ thị mới, lãnh đạo thành phố cho biết, trong Chỉ thị 18, TP HCM đã mở rất nhiều và cũng muốn mở tất cả lĩnh vực nhưng phải từng bước. TP HCM phải chọn lĩnh vực ưu tiên, ngành ưu tiên và doanh nghiệp ưu tiên để mở cửa.

Chỉ thị 18 được ban hành để thực hiện đồng thời 2 mặt trận là phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Thành phố sẽ vẫn chống dịch linh hoạt nhưng vẫn giải quyết việc phát triển kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm.

Phó chủ tịch TP HCM cho biết cả 2 mặt trận này quan trọng, có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau. Khi thành phố chống dịch có hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tử vong sẽ tạo ra nguồn lực tác động sự phát triển nền kinh tế.

TP xác định, một là thành phố phải sống thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, lao động.

Thứ 2, người dân là chủ thể của phòng chống dịch. Nếu không có sự góp sức của người dân, thành phố khó chống dịch thành công.

Thứ 3, vai trò của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều được đề cao. Doanh nghiệp nếu được sản xuất phải đảm bảo được các điều kiện an toàn. Thành phố có nhiều cách hỗ trợ cho doanh nghiệp; tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp phải cùng cộng đồng có trách nhiệm, bảo vệ thành trì của mình.

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, TP HCM cố gắng mở cửa từng bước, an toàn, nới lỏng đến đâu, an toàn đến đó. Không thể phòng chống dịch đi trước, sản xuất kinh tế đi sau hay ngược lại.

Về việc đi học của học sinh, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết định hướng TP là chỉ tập trung vào học trực tuyến giai đoạn này.

Đối với câu hỏi từ 1/10, người dân ra đường cần mang loại giấy tờ nào để tránh bị phạt, Phó chủ tịch TP HCM cho biết người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh đã đăng ký khai báo di biến động, thông qua app VNEID của Bộ Công An. Ngoài ra, người dân cần xuất trình thêm chứng nhận đã tiêm ngừa vắc xin (1 mũi đủ 14 ngày hoặc đủ 2 mũi).

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, từ 1/10, toàn bộ người dân được đi lại trong thành phố. Tuy nhiên, sẽ có sự kiểm soát khác bằng hình thức tuần tra lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên. Người dân ra đường nhưng không có việc cần thiết, với lý do không chính đáng vẫn bị xử phạt.

Về việc người dân muốn được rời TP HCM, về quê vì không thể tiếp tục cầm cự. Phó chủ tịch TP HCM chỉ ra 3 vấn đề. Thứ nhất, người về có nguy cơ gây ra dịch bệnh tại địa phương và có thể gây quá tải hệ thống y tế địa phương, nếu nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng khó khăn.

Thứ hai, TP khuyến khích người dân ở lại vì cần người lao động. TP đã nới lỏng giãn cách để tổ chức sản xuất kinh doanh, giúp người dân có việc làm, thu nhập. Thứ ba, lãnh đạo TP cho rằng người dân cố gắng ở lại làm việc tới Tết về quê thì sẽ thuận lợi hơn.

Đối với những trường hợp cần phải về, như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em đến TP HCM nghỉ hè cần phải về đi học..., TP và các tỉnh sẽ phối hợp đưa người dân về. Ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ liều vắc xin, TP sẽ kiến nghị để Thủ tướng xem xét chỉ đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê.

Đối với lực lượng lao động TP đã về tỉnh, thành khác thì các doanh nghiệp TP sẽ thông tin để người lao động biết. Doanh nghiệp cùng chính quyền TP sẽ tổ chức xe đưa đón. Phương thức là doanh nghiệp tập hợp lực lượng, xác định địa điểm thì TP sẽ cùng doanh nghiệp đưa xe xuống đón lên. TP đang tổ chức xe buýt liên tỉnh để đưa đón người dân về TP HCM.

Ngoài ra, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 4 địa phương được xác định là khu vực tâm điểm của dịch ở phía nam, vừa được Thủ tướng ra công điện yêu cầu người dân không ra khỏi địa bàn. Đây được xem là một cụm tâm dịch và cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Bộ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP cũng liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh khác.

TP HCM sẽ phối hợp với các địa phương này để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc bình thường nhưng trên cơ sở là đã tiêm vắc xin và đăng ký đi đường (giống trên app VNEID). Chính sách này được áp dụng cho những người lao động đi bằng xe 2 bánh.

TP Hồ Chí Minh nới lỏng theo lộ trình, yêu cầu người dân không tự ý ra khỏi thành phốTP Hồ Chí Minh nới lỏng theo lộ trình, yêu cầu người dân không tự ý ra khỏi thành phố
TP HCM dự kiến nới lỏng lưu thông và mở lại nhiều hoạt động từ 0h ngày 1/10TP HCM dự kiến nới lỏng lưu thông và mở lại nhiều hoạt động từ 0h ngày 1/10
TP HCM: Lên phương án đi lại và đón người lao động trở lại TP làm việc sau ngày 1/10TP HCM: Lên phương án đi lại và đón người lao động trở lại TP làm việc sau ngày 1/10

T.H