TP HCM: Đầu tư cho xe buýt nhiều - hiệu quả chưa bao nhiêu

17:24 | 11/12/2013

1,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TP HCM đang chi rất nhiều tiền để trợ giá xe buýt, tuy nhiên theo các đại biểu HĐND hiệu quả từ việc trợ giá chưa mang lại kết quả cao so với số tiền thành phố đã bỏ ra.

Nhiều đại biểu tại kỳ họp lần thứ 12 khóa VIII HĐND TP HCM tỏ ra bức xúc và lo ngại về việc trợ giá xe buýt liên tục tăng nhưng hiệu quả mang lại chưa cao trong thời gian qua.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122013/11/17/IMG_1666.jpg

Năm 2014 TP HCM dự kiến chi gần 1.400 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt

Vấn đề càng khiến nhiều đại biểu không hài lòng hơn là kể từ năm 2008 đến nay số tiền thành phố (TP) bỏ ra để trợ giá xe buýt luôn luôn tăng. Tuy nhiên hoạt động của xe buýt trên địa bàn vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, chất lượng xe buýt và cung cách phục vụ trên xe buýt vẫn khiến người dân than phiền.

Cụ thể là năm 2008 TP HCM chi cho trợ giá xe buýt là 639 tỉ đồng, đến năm 2013 tăng lên 1.300 tỉ đồng. Dự toán, năm 2014 TP sẽ tăng trợ giá xe buýt  lên 1.337 tỉ đồng. Tổng mức trợ giá qua hàng năm đều tăng, trong đó năm 2011 tăng cao lên 1.362 tỉ đồng. Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa đặt vấn đề, tại sao trợ giá xe buýt lại tăng lên hàng năm? Sở GTVT có biện pháp nào để giảm trợ giá mà vẫn đạt được mục tiêu vận chuyển hành khách công cộng?

Có cùng mối băn khoăn này, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, phải chăng TP HCM quá sang khi dành gần 1.400 tỉ đồng ngân sách để trợ giá xe buýt? Theo ông Sen, nếu cứ tiếp tục tình hình như hiện nay thì việc trợ giá cho xe buýt sẽ tiếp tục đà tăng nhưng hiệu quả thì chưa nắm được.

 “TP có kế hoạch chiến lược trợ giá ra sao khi sử dụng số tiền này? Đến lúc nào TP chấm dứt trợ giá? Ta phải tính lộ trình chứ không thể đụng đâu làm đó, tính đâu tới đó, không thể như thế vì tốn tiền rất lớn”- ông Sen bày tỏ.

Trả lời chất vấn các đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho biết, trợ giá xe buýt được đặt ra trên cơ sở thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122013/11/17/IMG_1777.jpghttps://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122013/11/17/IMG_1777.jpg

Giám đốc Sở GTVT TP HCM Tất Thành Cang trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND

Nếu giá cao thì người dân không đi. Giá nguyên liệu tăng, giá nhân công lao động tăng nhưng giá vé xe buýt không tăng lên nên TP phải trợ giá. Có lúc giá nguyên liệu tăng 200%, nhưng giá vẫn không đổi nhiều.

Cũng theo ông Tất Thành Cang, hiện nay mới chỉ có khoảng 11% lượng hành khách tham gia phương tiện công cộng. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển phương tiện công cộng của TP thì phấn đấu đến năm 2030 phải đạt từ 30-40%. “Chỉ khi nào vận tải công cộng trên 40% người đi lại thì mới xem chính sách khác thay thế. Để phát triển như vậy TP phải đầu tư 7 tuyến metro, như vậy thì trước mắt phải trợ giá đến năm 2020”- ông Cang cho biết.  

Trả lời về vấn đề liệu có lãng phí hay không khi đầu tư quá nhiều, ông Cang cho rằng, trong 10 năm tái lập và phát triển xe buýt, lượng hành khách đã tăng nhanh. Năm ngoái chỉ có 32 triệu lượt hành khách, năm nay tăng lên gần 400 triệu lượt. “Nếu xét hiệu quả, hàng triệu người đó không đi xe buýt thì có khoảng 500 ngàn xe gắn máy lưu thông mỗi ngày, điều này không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Xét về hiệu quả, nhìn về tương lai lâu dài, chúng ta phải phát triển phương tiện công cộng xe buýt”- giám đốc Sở GTVT TP HCM khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có lãng phí từ nguồn trợ giá xe buýt. Nguyên nhân là do việc tổ chức luồng tuyến chưa hợp lý, một số tuyến còn vắng khách, trùng tuyến còn nhiều nên cùng một lúc trên một đường có nhiều xe buýt chạy qua nhưng hiệu quả thu lại chưa cao. Về vấn đề này, ông Cang cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục rà soát và tổ chức lại các tuyến xe buýt hợp lý và phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, sao cho vừa đáp ứng vận tải hành khách vừa đạt hiệu quả cao.

 

Thùy Trang