Tổng Thư ký VNBA: “Tỉ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới"

16:36 | 17/05/2023

21 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo báo cáo của NHNN, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.
Tổng Thư ký VNBA: “Tỉ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới
Tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, gần gấp đôi cuối năm 2021

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416.000 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6.300 tỉ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Cùng với Luật các tổ chức tín dụng, ngày 15/8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Mặc dù việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Theo báo cáo của NHNN, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tại hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" diễn ra sáng 17/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.

Cụ thể, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%.

Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.

Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực.

Vì vậy, mặc dù tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, rồi các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...

Trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến lên 4%. Chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại (NHTM) có sự phân hóa mạnh.

Tổng thư ký VNBA đề xuất Chính phủ cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. tỉ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng đưa ra dự báo.

Về những tồn đọng trong công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc. Một số khó khăn nổi cộm như: Khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng, dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian để xử lý.

Do vậy, theo ông Hùng, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật nên lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các loạt liẻn quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn các Tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản đảm bảo tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự.

Ông Hùng nhận định: “Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ”.

“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu

“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu

Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ được xem như một “phao cứu sinh” đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.

P.V (t/h)