Tôi đi viết về nghề lặn…
>> Nghề ăn cơm dương gian làm việc… đáy biển
Công tác trong tờ báo viết nhiều về dầu khí như Năng lượng Mới, tôi được biết trong lĩnh vực này có nhiều chuyên ngành rất đặc thù. Như nghề thăm dò và khai thác mỏ dầu dưới độ sâu hàng trăm, hàng nghìn mét dưới đáy biển chẳng hạn, người ta hay gọi đây là nghề “làm việc dưới âm phủ”. Tuy nhiên, nghề thăm dò này chủ yếu dựa vào máy móc do con người điều khiển là chính!
Theo tôi, nghề đặc biệt nhất trong lĩnh vực dầu khí đó phải là nghề lặn, một công việc mà gần như hoàn toàn dựa vào con người, không có bất kỳ một máy móc nào có thể thay thế được. Các anh thợ lặn trong ngành Dầu khí thì không như những anh thợ lặn thông thường khác bởi các anh phải lặn sâu đến hàng chục mét dưới biển trong thời gian dài. Đặc biệt, các anh thợ lặn này phải thực hiện những công việc như hàn, cắt, lắp ráp trong điều kiện dưới… đáy biển!
Với những thông tin ban đầu đầy lôi cuốn và hấp dẫn như thế, tôi đã quyết tâm “mục sở thị” về nghề này để tìm hiểu rõ bằng được từng chi tiết.
Phóng viên Lê Trúc
1. Tôi đến Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn (VTB&CTL) của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tọa lạc trên đường 30-4 TP Vũng Tàu vào trung tuần tháng 8/2012. Và đó là những ngày thời tiết trên biển tương đối đẹp nên hầu hết các anh thợ lặn đều đang làm việc ngoài biển khơi, chỉ một vài anh nghỉ phép nên có mặt ở đất liền. Nghề lặn là vậy, một nghề có môi trường làm việc ngoài biển và trực tiếp dưới nước nên phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các điều kiện thời tiết của vùng biển nơi phải thực hiện các cuộc lặn.
Đón tiếp tôi tại phòng của Ban Thợ lặn khi ấy là anh Nguyễn Viết Sử, năm nay 43 tuổi, anh là Trạm trưởng Trạm Lặn thuộc Ban Lặn của Xí nghiệp VTB&CTL. Anh Sử là 1 trong 3 Trạm trưởng Trạm Lặn của xí nghiệp, anh có dáng người cao to, có nước da ngăm đen. Còn nhớ trong lúc trò chuyện với anh, tôi có hỏi vui anh rằng: “Có phải màu da đó là do nhiễm cái lạnh lẽo của đại dương?”. Anh cười và gật đầu bảo: “Chắc vậy đó!”.
Anh Sử trở thành nhân vật trung tâm trong bài phóng sự “Nghề ăn cơm dương gian làm việc dưới… đáy biển” của tôi sau đó; đặc biệt tôi chọn viết về cuộc trò chuyện của tôi với anh trong đoạn kết của bài nhằm khắc họa chân dung của người thợ lặn trong ngành Dầu khí. Họ, những con người hiền hòa, chất phác, giàu lòng yêu nghề, lấy những hy sinh thầm lặng làm niềm hạnh phúc trong cuộc sống!
Thú thật, bản thân anh Sử không phải là người có nhiều câu chuyện đặc biệt để kể trong thời gian dài tham gia nghề lặn. Song, anh là người chứng kiến gần như toàn bộ những thăng trầm của lịch sử phát triển nghề lặn ở Xí nghiệp VTB&CTL. Bởi anh là 1 trong 3 người thợ lặn hiện còn làm việc trong số 14 thợ lặn vào nghề từ năm 1991, do chính xí nghiệp Vietsov đã đào tạo. Đây cũng chính là khóa đầu tiên và duy nhất, còn các thợ lặn khác đều do Trường Đào tạo Nhân lực Dầu khí đào tạo. Anh Sử kể khóa đó có 16 anh em nhưng khi học xong thì bị rớt mất hai vì lý do sức khỏe không đảm bảo.
2. Tôi rất thích bơi lội, thích lặn vì bản thân đã gắn bó với sông nước từ thuở bé (tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây). Nên khi đi viết bài về nghề lặn này, tôi tự nhủ rằng chắc chắn sẽ phải xin thực hiện một cuộc lặn cùng các anh để nắm rõ thực tế thế nào. Tôi có đề nghị với với anh Sử mong muốn đó, song, anh cười bảo: “Có thể, nếu chú em ở lại đây 1 năm để học lặn!”…
Một số đồng nghiệp của tôi cũng hỏi rằng: Cậu có đi lặn cùng các anh thợ lặn không? Nó thú vị thế nào?... sau khi đọc bài báo của tôi. Nhưng… thế đấy, đây là một nghề mang tính đặc thù và đặc biệt nguy hiểm vì phải làm việc trong môi trường áp suất rất cao dưới đáy biển. Muốn đến với nghề lặn này, ngoài tiêu chuẩn sức khỏe cao phải đảm bảo thì người thợ lặn phải trải qua 1 năm được đào tạo hết sức bài bản. Vì thế tất cả những gì tôi có thể thực hiện thực tế là đi theo tàu lặn cùng các anh ra biển… là hết!
Thợ lặn đang thực hiện công tác cạo gỉ chân đế giàn khoan
Trong bài viết “Nghề ăn cơm dương gian làm việc dưới… đáy biển”, tôi đã nêu khá rõ những mối nguy hiểm rình rập người thợ lặn khi thực hiện nhiệm vụ dưới biển. Nhưng có một chi tiết thực tế cụ thể mà tôi không muốn đưa vào bài viết ấy vì sợ bài viết sẽ có phần nặng nề. Đó là việc khi tôi vừa đến Xí nghiệp thực hiện bài viết này thì được hay tin, vừa trước đó, anh thơ lặn Nguyễn Văn Được trong lúc làm nhiệm vụ bị sự cố bệnh nghề nghiệp, đang phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Trần Ngọc Lý, Giám đốc Xí nghiệp VTB&CTL cho biết là thời gian điều trị của anh Được sẽ kéo dài, nhưng do anh mới làm việc được 1 năm, hoàn cảnh còn khó khăn nên ông kêu gọi sự tinh thần tương thân tương ái của CBCNV Xí nghiệp cùng chung tay giúp đỡ anh Được.
Trước anh Được thì tình trạng thợ lặn bị bệnh giảm áp cũng không phải là hiếm. Đây cũng chính là bệnh phổ biến nhất đối với thợ lặn mà trong quá trình lặn bất cứ ai cũng gặp phải với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nặng thì bị liệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhẹ thì cũng đủ để làm đau buốt trong xương tủy suốt nhiều ngày.
Nêu lại chi tiết trên để nói rằng, một trong những ấn tượng lớn nhất của tôi về nghề thợ lặn trong quá trình đi viết bài về nghề này đó chính là sự nguy hiểm. Đây lại càng không phải là nghề có thu nhập cao so với các lĩnh vực khác trong ngành Dầu khí; vì thế tôi vẫn tin chắc rằng, những anh thợ lặn trong công trình Dầu khí là những người đặc biệt yêu nghề, xem nghề là cuộc sống của mình và cũng giàu tính hy sinh với nghề, dẫu các anh không nhận lấy sự hy sinh cao quý ấy về mình!
Tôi còn nhớ khi bài báo được đăng, chị Ngọc Lan, người làm công tác truyền thông của Xí nghiệp VTB&CTL có gửi lời cảm ơn vì bài viết đã phần nào vẽ lên bức tranh chân thực về nghề lặn và những người thợ lặn. Họ là những con người hiếm khi có mặt trong những cuộc vui, tiệc tùng, họ lặng thầm và miệt mài làm việc dưới đại dương để đảm bảo cho những công trình Dầu khí ngoài biển vận hành an toàn, đảm bảo cho những dòng dầu luôn tuôn chảy.
Và hiện tại, tác phẩm “Nghề ăn cơm dương gian làm việc dưới… đáy biển” đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia. Đây sẽ là một kỷ niệm đặc biệt với nghề cầm bút của tôi. Và, tôi muốn chia sẻ niềm vui này đến các anh thợ lặn trong Ban Lặn của Xí nghiệp VTB&CTL. Bởi chính nghề cao quý và chân dung đặc biệt của các anh đã tạo ra niềm cảm hứng làm nên một tác phẩm; không chỉ viết về các anh, về nghề của các anh mà đó còn là niềm cảm hứng để những người làm báo trẻ như tôi sẽ đi sâu, đi xa, tìm hiểu kỹ hơn về những ngành nghề, những người lao động khác đang miệt mài góp phần xây quê hương.
Trúc Vân