Tình trạng học sinh gây mất an toàn giao thông

13:51 | 02/08/2017

12,843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nghiên cứu về an toàn giao thông tại Hà Nội được tiến hành từ năm 2016, do PGS.TS Chu Công Minh - Giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM làm trưởng nhóm cho thấy, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em.

Nhiều lỗi vi phạm

Số liệu trên được công bố tại lễ ký kết hợp tác lần thứ 3 về an toàn giao thông (ATGT) năm 2017 giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Tại buổi lễ, PGS.TS Chu Công Minh cho biết, trong năm 2016 tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT) của ta cao gấp 1,25 lần Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản; 1,84 lần Hàn Quốc. Trong đó, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong của nhóm này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện.

tinh trang hoc sinh gay mat an toan giao thong
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông

Là người thường xuyên trực tiếp điều khiển giao thông tại Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh - Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội) cho biết: “Qua công tác thống kê và tổng hợp về tình trạng vi phạm giao thông của học sinh cho thấy, những trường hợp học sinh vi phạm gồm: không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển; ngồi trên môtô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông; chở quá số người quy định; đi dàn hàng ngang; không có giấy phép lái xe theo quy định; không chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy, người điều khiển giao thông; đi ngược chiều đường của đường một chiều; không chấp hành biển báo, vạch sơn kẻ đường”.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện. Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông ngoài việc tuân thủ các quy định về quy chuẩn của xe còn phải đội mũ bảo hiểm và cũng sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định về ATGT.

“Thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tập trung vào một số biện pháp giáo dục, tuyên truyền như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các biện pháp đảm bảo ATGT, tập trung vào nhóm học sinh, sinh viên; phối hợp với ngành giáo dục để đưa nội dung ATGT vào trong các tiết học hoặc các giờ sinh hoạt ngoại khóa; tiếp tục nâng cao, đa dạng hóa các biện pháp nội dung tuyên truyền về ATGT đối với học sinh; ngoài ra đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm đối với các nhóm vi phạm, liên hệ với trường học để có biện pháp quản lý giáo dục phù hợp” - Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Lựa chọn phương tiện phù hợp

Là một chuyên gia nghiên cứu về giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, tỷ lệ TNGT ở học sinh THPT có xu hướng gia tăng là đáng quan ngại. Bởi lẽ, số học sinh THCS đi học bằng xe máy hoặc xe đạp điện cũng nhiều không kém học sinh THPT.

tinh trang hoc sinh gay mat an toan giao thong
Học sinh THPT lưu thông bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Nói về nguyên nhân dẫn đến TNGT ở nhóm này, TS Thủy nhận định, TNGT chủ yếu là do nhiều học sinh chưa có bằng lái mà vẫn đi xe máy, không tuân theo Luật Giao thông, từ đó dẫn đến nhiều sơ suất và tai nạn giao thông xảy ra. Trong khi, luật quy định cho phương tiện giao thông như xe máy điện, xe đạp điện còn chưa chặt chẽ, cần xem xét, bổ sung luật với loại phương tiện này giống với quy định dành cho xe máy. Thêm vào đó, lực lượng chức năng vẫn còn mỏng, không kiểm soát được hết và có phần xử lý nương tay với những trường hợp vi phạm, từ đó các em học sinh thường có tâm lý đi tự do mà chưa lường hết được nguy cơ xảy ra TNGT.

Tại huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khi hai nữ sinh đi xe đạp điện với tốc độ cao, lại không đội mũ bảo hiểm va chạm với một xe ôtô. Hậu quả là một nữ sinh tử vong tại chỗ, nữ sinh còn lại cấp cứu trong tình trạng không tỉnh táo.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên lựa chọn những phương tiện phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho con em, vừa chấp hành tốt luật lệ giao thông theo quy định. Bởi nhiều học sinh còn chưa có ý thức thực hiện quy định giao thông, vừa đi vừa nói chuyện, đùa nghịch, dàn hàng ngang, không chú ý, thận trọng khi tham gia giao thông nên tai nạn xảy ra nhiều hơn.

Nói về đặc điểm của loại xe đạp điện, xe máy điện đang được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích, xe đạp điện, xe máy điện có tính đặc thù là vận hành với tốc độ cao, 20-25km/giờ, nhưng ít gây tiếng ồn, làm cho các phương tiện khác khó nhận biết khi cùng lưu thông, vậy nên rất dễ xảy ra TNGT.

Bên cạnh đó, xe máy điện và xe đạp điện là những phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải có hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo an toàn cho các em. Quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền giáo dục ý thức cho các em học sinh về cách di chuyển bằng xe máy điện, xe đạp điện, nhằm giảm tình trạng TNGT ở lứa tuổi này.

Ông Yano Takeshi - Chủ tịch VAMM cho biết: “Học sinh THPT được phép tham gia giao thông độc lập, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống thực tế. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng, cam kết đưa ra một lộ trình thực hiện nhanh chóng nhằm góp phần phát triển môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho các em học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung”.

Xuân Hinh - Hạnh Ngân