Tình người cao cả

07:15 | 04/05/2019

256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Sau này mình chết, xác cũng chôn bỏ vô ích, rồi cũng phân hủy. Chết rồi cũng nằm dưới 3 tấc đất mà thôi. Nhưng khi cái chết của mình đem lại sự sống cho nhiều người khác thì chết có ý nghĩa!”.    

Đó là những lời chia sẻ chân tình của bà Lê Thị Phụ (66 tuổi), hiện ngụ tại ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bà là một người quê chính hiệu, cả đời gắn bó với miền quê, ruộng đồng. Nhưng rõ ràng tư tưởng về cái chết và hiến xác, hiến tạng của bà là vô cùng tiến bộ và đáng quý biết bao.

Chuyện hiến tạng, hiến xác cho y học không phải là mới, song với những người ở thôn quê xưa nay luôn quan niệm “chết phải được chôn nguyên vẹn”, việc động đến thi thể người đã mất được xem là điều cấm kỵ với đa số gia đình. Chính vì vậy, ngay cả với những trường hợp người bị chết đột ngột, bất thường thì việc đề nghị khám nghiệm tử thi cũng bị nhiều gia đình từ chối. Họ cho rằng, hãy để người thân của họ được nguyên vẹn sau khi mất!

tinh nguoi cao ca
Bà Lê Thị Phụ cùng cháu

Cũng chính vì lẽ đó, việc một số người ở thôn quê tình nguyện sẵn sàng hiến xác, hiến tạng và được cả nhà đồng ý là sự thay đổi trong tư tưởng vô cùng trân quý. Bà Phụ là một trường hợp như vậy.

Bà Lê Thị Phụ hiện đang khỏe mạnh, bình thường. Chồng bà đã mất nhiều năm, bà có 4 người con, cùng các cháu nội, cháu ngoại. Gia đình bà đầm ấm, hạnh phúc ở tuổi xế chiều. Hằng ngày, công việc chính của bà là ở nhà giữ các cháu và trông giữ mấy căn phòng trọ cho công nhân thuê, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà.

Nhà trọ của bà Phụ là nơi ở của các lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều nơi, đa số là ở miền Tây Nam Bộ về đây làm việc trong các khu công nghiệp. Quanh khu vực này không có nhà trọ nào có giá rẻ như nhà trọ bà Phụ. Bà “phá giá”, chỉ lấy 400 nghìn đồng/tháng/phòng trọ thay vì 1 triệu đồng trở lên như nhiều nhà trọ khác. Thậm chí, có gia đình bà còn cho ở miễn phí mấy năm nay.

Hỏi lý do, bà Phụ nở nụ cười hiền từ nói: “Nhờ quy hoạch mà gia đình tôi có được số vốn cất nhà. Rồi còn dư chút đỉnh, tôi cất mấy căn nhà trọ cho những người dính quy hoạch nhưng không đủ tiền cất nhà và những công nhân lao động xa quê lên Bến Lức ở trọ để đi làm. Thấy hoàn cảnh nhiều người khổ quá nên tôi lấy giá tiền trọ thấp, giúp họ bớt gánh nặng kinh tế”.

Là người cũng đã từng đi qua quãng đường gian khó của cuộc đời, hơn ai hết bà thấu cảm với những người đồng cảnh ngộ. Bà nói, thấy ai khó khăn thì cố giúp hết sức trong khả năng của mình. Mong muốn của bà là góp chút ít tấm lòng để nhiều người vượt qua gian khó, có điều kiện tốt hơn để vươn lên trong cuộc sống. Bà nói: “Sống trong nghèo khổ hoài, khổ lắm!”.

Bà Phụ dẫn chúng tôi tới một căn phòng trọ và kể về hoàn cảnh của một gia đình khó khăn mà bà đang giúp đỡ. Đó là gia đình gồm một mẹ già cùng với hai vợ chồng và các con, họ đều đi làm thuê. Do thấy họ quá khó khăn, đi làm thuê mà không đủ tiền lo cho gia đình, nên bà Phụ đã cho ở trọ miễn phí suốt mấy năm nay.

Lại nói về việc hiến xác, hiến tạng của bà Phụ, anh Nguyễn Lê Duy - cán bộ truyền thanh xã Thạnh Đức - cho biết: Bà Phụ là người đã chủ động trực tiếp đến gặp anh để đề nghị về việc đó chứ không phải do anh vận động. Bà nói rằng, khi đã lo cho các con cháu ổn định cuộc sống, ở tuổi xế chiều, bà mong muốn thực hiện suy nghĩ của mình từng ấp ủ lâu nay, đó là hiến xác, hiến tạng để giúp người, giúp đời. Bà được biết anh Duy từng đi vận động một số người hiến tạng nên đã chủ động đến để đăng ký.

Chúng tôi hỏi bà vì sao lại có suy nghĩ hiến xác, hiến tạng? Bà Phụ chia sẻ: “Sau này tôi chết, xác cũng chôn bỏ vô ích, rồi cũng phân hủy. Chết rồi cũng nằm dưới 3 tấc đất mà thôi”. Có lần, bà nghe nói về việc hiến tạng cứu người, hiến xác cho y học nghiên cứu trên tivi nên trăn trở. Bà nghĩ, nếu chết rồi mà vẫn có thể làm việc gì đó có ích giúp nhiều người, giúp ích cho xã hội thì còn gì bằng.

tinh nguoi cao ca
Chị Lê Thị Thắm (phải) mưu sinh hằng ngày với tờ vé số

Bà nói thêm rằng, bản thân bà cũng hiểu thực tế là hiện nay, nhiều người sống ở miền quê vẫn chưa có quan niệm về việc hiến xác, hiến tạng, khi chết còn tập tục chôn xác nguyên vẹn. Trong khi đó, ở các bệnh viện còn rất nhiều người đang bệnh nặng, cần được thay thế các bộ phận trên cơ thể, nhưng không có ai hiến tặng nội tạng. Rồi các em sinh viên y khoa cũng cần xác người thật để mổ xẻ, nghiên cứu. Như vậy, nếu tất cả chết rồi chỉ đem chôn hoặc thiêu thì đâu thể cứu được người, đâu thể giúp ích cho đời, giúp ích cho xã hội được.

“Mọi người cần có suy nghĩ thoáng hơn về hiến tặng xác, hoặc nội tạng cứu giúp người khi một mai gặp rủi ro không mong muốn trước khi qua đời”, bà Phụ nói.

Thế là, không cần phải suy nghĩ thêm nhiều, bà đi đến quyết định hiến xác, hiến tạng ngay sau đó. “Cái chết của mình còn đem lại sự sống cho nhiều người khác, vậy là chết có ý nghĩa”, bà nói.

Thế nhưng, không phải ý nguyện của bà dễ dàng nhận được sự ủng hộ của người thân. Ban đầu, khi nghe bà trao đổi về việc này, các con, các cháu bà rất sốc và không đồng ý. Thật ra, đây cũng là điều dễ hiểu và cảm thông. Con bà nói, tất cả cũng chỉ vì nghĩ và thương cho bà. Song, sau khi nghe bà chia sẻ và thuyết phục, dần dần con cháu bà cũng ủng hộ và còn hỗ trợ bà thực hiện tâm nguyện. Được biết, hiện tại anh Nguyễn Lê Duy đã liên hệ với bệnh viện thực hiện hoàn tất các thủ tục hiến xác, hiến tạng cho bà Phụ.

Bây giờ, đến ấp 6, Thạnh Đức hỏi bà Phụ hiến xác ai cũng biết. Nhiều người tỏ ra rất khâm phục và quý mến bà. Người phụ nữ miền Tây chân chất, hiền lành, cả lúc sống hay chết đi vẫn mong muốn thực hiện giúp người, giúp đời. Đó là tấm lòng cao cả trong cuộc sống hôm nay.

Và, thật hạnh phúc khi biết rằng, ở Thạnh Đức không chỉ có bà Phụ mà còn có vài trường hợp khác cũng tình nguyện hiến xác, hiến tạng. Trong số đó có thể kể đến người phụ nữ nghèo bán vé số, chị Lê Thị Thắm (SN 1974), hiện ngụ tại ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Không được như bà Phụ, cuộc sống của chị Thắm vất vả hơn. Hằng ngày, chị phải rong ruổi bán từng tờ vé số để nuôi gia đình gồm 2 người con đang tuổi ăn học. Nhưng dẫu cuộc sống khó khăn thế nào, trái tim của người phụ nữ nghèo này vẫn ấm áp vô cùng. Cũng với mong muốn giúp đời, giúp người, sống và chết sao cho đều có nghĩa, chị Thắm đã làm đơn đăng ký hiến xác, hiến tạng.

Có một điều khiến chúng tôi xúc động hơn, đó là bà Phụ, chị Thắm đều không ai cho rằng hành động của mình là phi thường hay cao cả gì cả. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng, đó là việc cần phải làm mà họ có thể làm được. Họ chẳng màng “tiếng thơm” hay lợi ích gì.

Thế mới thấy, có những con người bình dị, thậm chí nghèo khó nhưng tình yêu của họ với cuộc sống và đồng loại lại cao cả biết bao!

Anh Nguyễn Lê Duy đã vận động cũng như giúp 4 người đăng ký hiến xác cho y học ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, trong đó có 2 người đã được cấp thẻ. Anh chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền việc hiến xác, hiến tạng bằng nhiều cách, với hy vọng tình người sẽ lan tỏa mạnh hơn”.

Lê Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps