Tin tức kinh tế ngày 21/6: Ngăn chặn hàng nước ngoài "gắn mác hàng Việt"

19:02 | 21/06/2019

1,505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam ngăn chặn hàng nước ngoài "gắn mác hàng Việt"; Xuất khẩu gỗ Việt Nam vào Mỹ tăng 1,4 lần; Đánh thuế bán phá giá với tôn mạ màu Trung Quốc, Hàn Quốc; Hà Nội mở rộng hệ thống phân phối nông sản an toàn... là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/6. 
tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang vietGiá xăng dầu hôm nay 21/6 tăng mạnh, gần 3 USD/thùng
tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang vietGiá vàng hôm nay 21/6: Đồng USD rớt đáy, giá vàng hạ nhiệt

Việt Nam ngăn chặn hàng nước ngoài "gắn mác hàng Việt"

tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang viet
Hàng xuất khẩu của Trung Quốc ở cảng Yangshan. Ảnh: Reuters.

Vừa qua, Việt Nam đã phát hiện hàng chục giấy chứng nhận xuất xứ giả và giao dịch phi pháp của các công ty Trung Quốc né thuế Mỹ. Các sản phẩm là từ hàng nông sản, dệt may đến thép.

Ngày 21/6, trả lời cho câu hỏi về biện pháp của Việt Nam sau khi phát hiện một số hàng Trung Quốc gắn má hàng Việt để xuất khẩu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có các bước đi cụ thể để ngăn chặn các hành vi này và bảo vệ nền sản xuất trong nước.

"Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất sang thị trường khác" - bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Về việc Apple chuyển một bộ phận dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam, người phát ngôn nói "chưa có thông tin này". Bà Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh đầu tư kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Được biết Apple đã đề nghị các nhà cung cấp lớn đánh giá chi phí của việc chuyển 15 - 30% sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Các quốc gia được cân nhắc gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn hàng đầu.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam vào Mỹ tăng 1,4 lần

tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang viet
Nhiều cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của nhóm tác giả nghiên cứu từ tổ chức Forest Trends, Hiệp Hội Gỗ Lâm Sản Việt Nam, Hiệp Hội Gỗ & Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP HCM và Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Việt Nam đang trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong năm tháng đầu 2019, quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ trong cả năm 2018. Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ.

Bên cạnh đó, kim ngạch XK các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối 2018: Từ 3,1 tỉ USD năm 2017 lên 3,6 tỉ USD 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK vào Mỹ đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 1,4 lần so cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, theo Forest Trends, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng XK. Các dự án đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua được cho là chiến lược của các công ty Trung Quốc trong việc “né” thuế XK vào thị trường Mỹ.

Đánh thuế bán phá giá với tôn mạ màu Trung Quốc, Hàn Quốc

tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang viet
Tôn mạ nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong 4 tháng trước khi có quyết định cuối cùng vào cuối năm nay. (Ảnh minh họa/VNE)

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng được phủ màu (tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong 4 tháng. Theo đó, các mặt hàng trên có xuất từ 20 doanh nghiệp Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ bị áp thuế 3,45-34,27%. Mức thuế tạm thời áp dụng với 3 doanh nghiệp của Hàn Quốc 4,48-19,25%.

Quyết định này đưa ra theo đề xuất của Cục Phòng vệ Thương mại sau quá trình đơn vị này điều tra từ tháng 10/2018 trên cơ sở thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước. Theo kết quả này, biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, 3,45-34,27%, ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng trong 120 ngày, và theo quy định cuối tháng 10, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế bán phá giá hay không với các mặt hàng kể trên. Để đưa ra kết luận cuối cùng, cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Nhà chức trách cũng sẽ đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng.

Hà Nội mở rộng hệ thống phân phối nông sản an toàn

tin tuc kinh te ngay 216 ngan chan hang nuoc ngoai gan mac hang viet
Mua bán tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 21/6, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết việc mở rộng hệ thống phân phối nông sản an toàn trên địa bàn thành phố đang được thành phố gấp rút thực hiện. Từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội tập trung xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối, với diện tích từ 20-30 ha/chợ.

Hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có tem nhãn, bao bì... chiếm trên 90%. Chợ đầu mối không chỉ tập trung ở khu vực cận đô mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận.

Hiện nay, Hà Nội có 80% lượng nông sản phân phối, tiêu thụ qua các chợ đầu mối (kiểu cũ), chợ dân sinh... khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm gặp khó khăn. Số còn lại được phân phối qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết cùng với mở rộng kênh phân phối nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh nông sản thực phẩm, việc củng cố chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh đáp ứng yêu cầu về giao thương, vệ sinh an toàn thực phẩm là đòi hỏi bức thiết.

"Ngành hàng không bắt đầu có cạnh tranh không lành mạnh"

Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Thủ tướng đánh giá, ngành hàng không đã khởi sắc với việc ra đời các hãng bay mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn có một số bất cập nảy sinh gây nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đồng thời, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giao thông vận tải chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng, năng lực giám sát của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo đầy đủ về thực trạng khan hiếm nhân sự kỹ thuật cao trong ngành hàng không. Chỉ đạo này được đưa ra trước phản ánh tình trạng thiếu nhân lực cản trở phát triển hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên tàu bay... khi thị trường liên tục tăng trưởng 2 con số những năm gần đây.

Lâm Anh (t/h)