Tin tức kinh tế ngày 20/7: Cục thuế TP HCM không xử phạt trường hợp chậm kê khai thuế do Covid-19
Cục thuế TP HCM: Không bị xử phạt trường hợp chậm kê khai thuế do Covid-19
Ngày 20/7, Cục Thuế TP HCM vừa có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian TP HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống Covid-19.
![]() |
Cán bộ Cục thuế TP HCM hướng dẫn người dân các thủ tục kê khai |
Theo đó, doanh nghiệp có trụ sở, cá nhân thường trú lẫn tạm trú trong vùng cách ly hoặc cá nhân là đối tượng bị cách ly do Covid-19 có phát sinh nghĩa vụ về thuế trong thời gian bị cách ly (bao gồm cả thời gian cách ly toàn xã hội theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ) nhưng không thể nộp hồ sơ kê khai thuế theo đúng quy định, dẫn đến việc chậm nộp sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính, bởi đây là trường hợp bất khả kháng.
Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, từ cuối tháng 5, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát và các hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP HCM phải tạm ngưng nghỉ để phòng chống Covid-19, cơ quan thuế đã phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban quản lý các trung tâm thương mại, các chợ và Hội đồng tư vấn thuế địa phương giải quyết miễn, giảm thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kết quả đã giải quyết miễn giảm cho 86.197 hộ với số thuế miễn giảm 123 tỉ đồng.
VN-Index tăng gần 30 điểm lên vùng 1.273 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/7, VN-Index tăng 29,78 điểm lên mốc 1.273,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 568,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 17.880 tỷ đồng. Toàn sàn có 281 mã tăng giá, 94 mã giảm giá và 40 mã đứng ở mốc tham chiếu.
HNX-Index tăng 9,04 điểm lên mốc 301,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 106,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.482 tỷ đồng. Toàn sàn có 137 mã tăng giá, 56 mã giảm giá và 175 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 1,1 điểm lên mức 83,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 49 triệu đơn vị, tương ứng hơn 817,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 81 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
Giá vàng trong nước không nhiều biến động
Mở cửa phiên sáng nay (20/7), các doanh nghiệp vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá mua và bán, tỷ giá trung tâm cũng tăng nhẹ.
![]() |
Giá vàng trong nước không nhiều biến động so với thế giới |
Tại Công ty Phú Quý niêm yết từ 56,95-57,55 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 20.000 đồng. Trong khi đó, tại Công ty vàng Doji giá vàng SJC lại không có biến động, hiện doanh nghiệp này đang niêm yết từ 56,85-57,55 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đang giao dịch quanh mức 56,90-57,55 triệu đồng/lượng, cũng không có biến động.
Cùng thời điểm trên, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết từ 51,51-52,21 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), không có biến động so với chốt phiên trước. Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.817 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Mức giá này tương đương 50,61 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD niêm yết tại ngân hàng Vietcombank (thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 6,94 triệu đồng/lượng.)
Ô tô nhập khẩu Trung Quốc tăng mạnh
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 vừa qua, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc các loại đạt 15.316 chiếc, giảm nhẹ 1,8% so với tháng trước, tức giảm gần 300 chiếc.
![]() |
Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng tăng trong thời gian qua |
Trong số này, nhập khẩu ô tô chủ yếu đến từ 3 thị trường chính là Thái Lan với 7.264 chiếc, Indonesia 4.729 chiếc và Trung Quốc 2.077 chiếc, chiếm đến 92% tổng lượng xe nhập khẩu Việt Nam trong tháng 6 vừa qua. Về chủng loại, ô tô từ 9 chỗ trở xuống được nhập chủ yếu từ thị trường Thái Lan với 5.263 chiếc (tăng 5,3% so với tháng trước) và từ Indonesia 3.954 chiếc (giảm 8,3%).
Riêng xe tải, nhập khẩu từ Thái Lan giảm 19,4% so với tháng trước, với 1.885 chiếc. Trong khi đó, xe tải nhập khẩu từ Indonesia tăng tới 394%, đạt 775 chiếc và từ thị trường Trung Quốc với 1.014 chiếc, tăng 18,6%. Cũng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 81.107 ô tô các loại, tăng 100,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ trở xuống có 54.041 chiếc (tăng 77%), ô tô tải 19.127 chiếc (tăng 148%).
Hàn Quốc tăng nhập khẩu chuối Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) đạt 155,3 nghìn tấn, trị giá 131,5 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá trái chuối (mã HS 0803) nhập khẩu bình quân đạt 846,3 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chuối là loại trái cây ưa chuộng tại Hàn Quốc, tuy nhiên chuối là sản phẩm Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi. Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối chủ yếu từ thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 117,7 nghìn tấn, trị giá 100,3 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Philippines chiếm 75,8% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 791,6 USD/tấn. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Tuy nhiên, trái chuối của Việt Nam phải cạnh tranh với thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Hàn Quốc là Philippines.
M.C
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng