Tin tức kinh tế ngày 14/12: Nhiều tập đoàn công nghệ chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Nhiều tập đoàn công nghệ chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam |
Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục giảm
Giá vàng hôm nay (14/12) trên thế giới đóng cửa cuối tuần tại 2.648 USD/ounce, giảm mạnh 44 USD so với mức giá cao nhất trong phiên giao dịch đêm qua là 2.692 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, lúc 6h20 ngày 14/12, giá vàng 9999 hôm nay được DOJI niêm yết ở mức 83,8 triệu đồng/lượng mua vào và 84,9 triệu đồng/lượng bán ra. Giảm 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào - bán ra so với hôm qua.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 84,4-85,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra. So với hôm qua, giá vàng SJC Mi Hồng mua vào giảm 200 nghìn đồng/lượng, giá bán ra giảm 400 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 83,9-86,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5%
Thông tin tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 14/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là giai đoạn đầy biến động với kinh tế toàn cầu, khi lạm phát cao, biến động ngoại hối mạnh, và giá vàng quốc tế từng vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce. Những thách thức này đã đặt áp lực lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở cao.
Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao, NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Điều này tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, với mức giảm trung bình 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5%, phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc đẩy mạnh dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. NHNN đã hai lần nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024, đồng thời thúc đẩy các chương trình tín dụng trọng điểm như gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, cải tạo chung cư và tín dụng cho lĩnh vực lâm, thủy sản.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Theo thống kê đã có tới 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12 gồm: CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất hai lần trong tháng.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm dao động từ 4,7% đến 6,35%/năm đối với các kỳ hạn phổ biến từ 6 đến 12 tháng. Trong nửa cuối năm 2024, mức lãi suất này có thể tăng thêm khoảng 0,5-1% tùy kỳ hạn. Lý do chính là nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế tăng cao khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất dịp cuối năm.
Nhiều tập đoàn công nghệ chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Thông qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy rằng các nhà đầu tư đánh giá rất cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam đứng thứ 6 tại ASEAN về chất lượng quản trị
Số liệu từ McKinsey và World Bank cho thấy các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10 - 20% và có chi phí vốn thấp hơn 10 - 15% khi gọi vốn. Tuy nhiên, chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á.
Kết quả trên đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào quản trị công ty, xem như một mục tiêu chiến lược và phải được ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá theo chuẩn quản trị ACGS. Trong khi quy mô nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến chất lượng quản trị trên thế giới đạt mức 158.000 tỷ USD. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào chất lượng quản trị thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận.
P.V (t/h)
-
Một công ty chứng khoán báo lãi quý IV/2024 sụt giảm, tài sản lớn theo nợ vay
-
Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận trong giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra, basa
-
Make In Vietnam 2024 vinh danh LynkiD, biểu tượng của đổi mới và sáng tạo trong công nghệ số
-
Ông Trump muốn ký 100 sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu nhậm chức
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 20/1: Giá dầu thế giới tăng nhẹ trở lại