Tin tức kinh tế ngày 13/8: Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ
![]() |
![]() |
![]() |
Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ năm 2018
![]() |
Năm 2018 có 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. (Ảnh minh họa) |
Năm 2018 cả nước có 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện, trong đó có 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí… là những con số được đưa ra tại báo cáo tổng hợp công tác giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo, năm 2018, tổng số vốn được bố trí theo kế hoạch Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công là 631.695 tỷ đồng, đạt 79,78% so với kế hoạch năm, tuy nhiên chỉ giải ngân được 463.717 tỷ đồng (đạt 73,41% so với kế hoạch).
Đáng chú ý, trong 1.778 dự án chậm tiến độ, trong đó dự án nhóm A là 32 dự án, nhóm B là 382 dự án và nhóm C là 1.364 dự án. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời; do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và các nguyên nhân khác.
Đánh giá về những hạn chế, tồn tại về các dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành ở một số cơ quan còn thấp.
Nợ thuế không có khả năng thu hồi lên tới 39.000 tỷ đồng
![]() |
Tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng, giảm 5,7% (tương đương gần 5.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018; giảm 0,3% so với thời điểm 30/6/2019.
Các khoản nợ thuế, phí là 16.539 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% tổng số tiền thuế nợ, giảm 38,8% (tương đương gần 10.500 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018. Các khoản nợ liên quan đến đất là 10.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số tiền nợ thuế. Các khoản nợ do phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp là 16.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng số tiền nợ thuế.
Cùng với đó, số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 39.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng 0,3% so với thời điểm 30/6/2019.
Trước tình hình nợ thuế không có khả năng thu hồi có chiều hướng tăng, Tổng cục Thuế đã cử đoàn công tác làm việc với các cục thuế để rà soát, yêu cầu các cục thuế có giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đến nay tổng cục đã rà soát tại 54 cục thuế, chỉ còn 9 cục thuế có số thu thấp chưa rà soát. Sau khi rà soát và kiểm tra công tác thu hồi nợ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 phải giảm số nợ thuế ở mức thấp nhất có thể.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang hồi phục
![]() |
Tính đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm gần 5%. (Ảnh minh họa) |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa dự báo, xuất khẩu thủy sang Trung Quốc sẽ hồi phục vào nửa cuối năm nay do nhu cầu thủy sản của thị trường này đang tăng.
Việc Trung Quốc siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng khiến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này trong những tháng đầu năm 2019 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ tháng 6/2019 đã tăng trở lại do thị trường Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn khi nhu cầu tăng. Dự báo, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh lên trong nửa cuối năm và đạt mức 1,2 tỷ USD.
Xu hướng sụt giảm từ năm 2018 vẫn tiếp tục khiến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2019 giảm đến 5%; song, sang quý II chiều hướng khả quan hơn và chỉ giảm nhẹ 0,3%, đạt 333 triệu USD.
Tính đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 2,3% đạt 572 triệu USD; trong đó, xuất khẩu tôm giảm gần 5%, cá tra tăng gần 2%, cá ngừ tăng mạnh 183%. Cá tra đã vượt tôm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu sang thị trường này với 44%, trong khi tôm chiếm 40%.
Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo thu hút FDI lớn nhất
![]() |
Ngành công nghiệp, chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. (Ảnh minh họa) |
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý II/2019, cả nước có 38.514 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 484,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8%. Số DN tạm dừng hoạt động giảm mạnh, với con số 14.096 DN, thấp hơn 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm chỉ có 44.996 DN tạm ngừng hoạt động và chủ yếu là các DN bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe (chiếm tới 39,1% số DN).
Báo cáo cũng chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7%; cao hơn mức 8,5% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6 có 1.723 dự án cấp phép mới, tăng 26,1% vốn đăng ký, đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Xét theo đối tác, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc đạt 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản đạt 972 triệu USD.
HOSE công bố bộ nguyên tắc quản trị công ty tiêu chuẩn OECD
![]() |
HOSE công bố bộ nguyên tắc quản trị công ty tiêu chuẩn OECD. (Ảnh: SGGP) |
Chiều 13/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) lần đầu tiên công bố “Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất” dành cho các công ty đại chúng được xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Bộ nguyên tắc này đưa ra một loạt khuyến nghị về thông lệ quản trị công ty tốt nhất theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với trọng tâm dành cho các công ty đại chúng Việt Nam. Đặc biệt, bộ nguyên tắc bao gồm các tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bộ nguyên tắc là nỗ lực mới nhất của các bên để hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng và niêm yết áp dụng các tiêu chuẩn quản trị công ty quốc tế. Điều này giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán. Mục tiêu cao nhất là nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, tăng trưởng thị trường vốn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Lâm Anh (t/h)
-
Thái Lan gia nhập nhóm các nước muốn tăng nhập khẩu LNG của Mỹ để tránh thuế quan
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/4: Ai Cập và Azerbaijan xem xét hợp tác dầu khí
-
Các tổ chức quốc tế đồng loạt đưa ra dự báo về giá dầu Brent
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Giá dầu hôm nay (16/4): Dầu thô quay đầu giảm