Tin thị trường: Thị trường chờ đợi thời điểm Trung Quốc, Nhật Bản tung dầu dự trữ chiến lược

09:19 | 22/11/2021

460 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính quyền Tổng thống J. Biden chính thức đề nghị một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản xem xét sử dụng nguồn dự trữ chiến lược quốc gia (SPR) cùng can thiệp thị trường.
Tin thị trường: Thị trường chờ đợi thời điểm Trung Quốc, Nhật Bản tung dầu dự trữ chiến lược

Chính quyền Tổng thống J. Biden chính thức đề nghị một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản xem xét sử dụng nguồn dự trữ chiến lược quốc gia (SPR) cùng can thiệp thị trường nhằm phần nào hạ giá dầu thế giới trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ (6,2%), trong đó, năng lượng chiếm tới 1/3. Đến thời điểm này, Ấn Độ đã từ chối hợp tác, Trung Quốc, Nhật Bản đồng ý phối hợp và đang cân nhắc khối lượng, thời điểm can thiệp. Tháng 9 vừa qua, cục dự trữ Trung Quốc đã bán đấu giá công khai 7,4 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá nội địa. Theo các nhà phân tích ước tính, việc tung ra thị trường bổ sung từ 15 đến 48 triệu thùng có thể kéo giá dầu giảm khoảng 2 USD/thùng, giá xăng 5-10 cent/lít trong ngắn hạn, đồng thời cảnh báo, giá dầu có tăng mạnh khi chính phủ buộc phải mua vào - bù đắp SPR, đặc biệt trong bối cảnh dự trữ chiến lược Mỹ đã giảm và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Chờ đợi động thái cụ thể từ phía Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, kết hợp cùng tình trạng dịch bệnh châu Âu tái bùng phát mạnh, Brent có thời điểm mất gần 4% xuống 78,3 USD/thùng.

Giá khí đốt châu Âu đóng cửa tuần giao dịch đã giảm mạnh (-8%) theo giá dầu thế giới, nhưng vẫn ổn định trên 1.000 USD/1000m3 trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Ba Lan – Belarus, nơi đường ống dẫn khí Yamal-Europe (32,9 tỷ m3/năm) đi qua và dự án Nord Stream 2 bị tạm dừng quá trình xem xét hồ sơ cấp phép hoạt động. Giá khí giao ngay tại sàn giao dịch TTF (Netherlands) đóng cửa ở mức 1.005 USD/1000m3 sau khi vượt 1.180 USD/1000m3 ngày 17/11. Na Uy là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ giá khí tăng cao. Nước này cũng tăng khối lượng xuất khẩu khí đốt lên mức kỷ lục – 331 triệu m3/ngày trong tháng 11 và chính thức vượt Gazprom (322 triệu m3/ngày) trở thành nhà cung cấp số 1 tại thị trường EU nhờ tăng sản lượng khai thác, cũng như dừng bơm khí tăng áp vỉa dầu thô. Na Uy đã nâng xuất khẩu khí đốt từ bình quân 295 triệu m3/ngày tháng 9 lên 338 triệu m3/ngày tháng 10, ngược lại, Gazprom giảm từ 406 triệu m3/ngày xuống 340 triệu m3/ngày tương ứng.

Viễn Đông