Tin Thị trường: Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng mạnh
![]() |
Nguồn: Internet |
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ chiều 31/3/2025 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ đảo chiều tăng mạnh 3,22% lên mức 4.196 USD/mmBTU.
Các dự án LNG quy mô lớn trên Bờ Đông và Vịnh Mỹ đang đối mặt với những thách thức đáng kể do chi phí vốn không ổn định và lợi nhuận không chắc chắn.
Một trong những rủi ro lớn nhất là chi phí vốn khó dự đoán. Thuế nhập khẩu đối với thép và vật liệu đặc biệt có thể lên tới 25-50%, làm tăng đáng kể chi phí xây dựng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao cũng đẩy lương tăng và gây chậm tiến độ.
Các dự án LNG thường mất khoảng 5 năm để hoàn thành sau quyết định đầu tư cuối cùng (FID), khiến các dự án phải dự đoán được lợi nhuận sau năm 2030. Tuy nhiên, cung - cầu LNG toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, Mỹ có thể áp đặt hạn chế xuất khẩu LNG để bảo vệ an ninh năng lượng trong nước, nhất là khi sản lượng khí đồng hành từ giếng dầu có xu hướng suy giảm nhanh.
Mặc dù nhu cầu LNG dự kiến vẫn cao trong ngắn hạn, nhưng bối cảnh sau năm 2030 đặt ra nhiều thách thức cho các dự án ở Bờ Đông và Vịnh Mỹ. Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro tài chính, cạnh tranh toàn cầu và bất ổn chính sách trước khi cam kết vốn dài hạn.
Được biết, Châu Âu cũng đang tìm kiếm giải pháp thay thế LNG, bao gồm tái hoạt động đường ống khí đốt Nga hoặc phát triển nguồn cung từ Trung Đông và Trung Á.
Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 31/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 69,38 USD/thùng - tăng 0,03%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,73 USD/thùng - tăng 0,14%.
Các chuyên gia dự báo giá dầu thô WTI sẽ duy trì trong phạm vi từ 65 đến 75 USD trong bối cảnh thị trường đang đánh giá lại tác động của thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nguồn cung dầu và nền kinh tế toàn cầu, cũng như tình hình nguồn cung từ Mỹ và OPEC+.
Trong khi đó, Ả Rập Xê-út mới đây đã phát đi các tín hiệu về việc có thể hạ giá dầu thô cho các khách hàng Châu Á vào tháng 5 xuống mức thấp nhất trong ba tháng, từ đó gây áp lực đáng kể đến giá dầu thô.
Ngoài ra, OPEC+ sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng vào tháng 4 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 5.
Trong một diễn biến khác, các cuộc đàm phán để khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu của người Kurd thông qua đường ống Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào cuối tháng 2 đã gặp trở ngại vì vẫn chưa rõ ràng về các khoản thanh toán và hợp đồng. Tình trạng bế tắc kéo dài gần hai năm đã ngăn chặn dòng chảy dầu thô của người Kurd đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sản xuất nhiên liệu máy bay sạch chậm hơn mục tiêu
Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG), việc tăng tốc sản xuất Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) diễn ra chậm hơn dự kiến do chi phí cao và tình hình kinh tế không chắc chắn, khiến nguồn cung nhiên liệu máy bay sạch toàn cầu không đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2030.
Báo cáo được Reuters trích dẫn cho thấy, các hãng hàng không và sân bay trên toàn cầu chỉ đầu tư 1-3% doanh thu hoặc chi phí vốn vào SAF.
BCG nhận định, chi phí sản xuất cao vẫn là rào cản chính đối với việc áp dụng SAF nhanh hơn.
Giám đốc điều hành và Đối tác của BCG Pelayo Losada, cho hay: "Mặc dù tiếp tục mở rộng quy mô cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững và chúng tôi thấy xu hướng đó rất rõ ràng, nhưng quá trình phát triển các dự án đang chậm lại và thậm chí còn có khoảng cách lớn hơn đối với một số cam kết mà một số công ty đã đưa ra".
Năm ngoái, Shell đã tạm dừng việc xây dựng tại chỗ tại một nhà máy nhiên liệu sinh học ở Rotterdam do điều kiện thị trường không tốt. Nhà máy được thiết kế để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững và dầu diesel tái tạo từ chất thải.
Vào năm 2023, Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết ngành hàng không sẽ sẵn sàng chấp nhận thực tế là SAF sẽ luôn đắt hơn nhiên liệu máy bay gốc dầu.
IATA cho biết vào cuối năm 2024 rằng tốc độ tăng trưởng về khối lượng SAF là trì trệ một cách đáng thất vọng.
Năm ngoái, sản lượng SAF đạt 1 triệu tấn, gấp đôi so với 500.000 tấn được sản xuất vào năm 2023. Tuy nhiên, SAF chỉ chiếm 0,3% sản lượng nhiên liệu máy bay toàn cầu và 11% nhiên liệu tái tạo toàn cầu, theo ước tính mới nhất của IATA.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phân tích của IATA cho thấy cần có từ 3.000 đến hơn 6.500 nhà máy nhiên liệu tái tạo mới.
Theo IATA, chi phí vốn trung bình hàng năm cần thiết để xây dựng các cơ sở mới trong giai đoạn 30 năm là khoảng 128 tỷ USD mỗi năm, trong kịch bản tốt nhất.
Bình An
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng 0,3-1,9% trong kỳ điều hành ngày 3/4
-
Ông Trump đi nước cờ hiểm: Áp thuế với dầu thô Nga
-
Lý do sản lượng dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng
-
Mỹ tiếp tục thu hồi giấy phép của các tập đoàn dầu khí đa quốc gia tại Venezuela
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/4: Equinor khởi động mỏ dầu Johan Castberg