Tin nóng thế giới hôm nay - 30/4

21:16 | 30/04/2019

151 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sri Lanka dỡ bỏ lệnh cấm các phương tiện truyền thông xã hội. Tổng thống Mỹ yêu cầu áp dụng tính phí với các đơn xin tị nạn. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận hải quân chung ở Biển Đen.
tin nong the gioi hom nay 304Nga công bố bộ ảnh độc đáo về các tướng lĩnh Liên Xô
tin nong the gioi hom nay 304Vì sao Venezuela ly khai Tổ chức các quốc gia châu Mỹ?
tin nong the gioi hom nay 304Mỹ tiếp tục bàn giao chiến đấu cơ F-35 cho Australia
tin nong the gioi hom nay 304
Một người dân sử dụng điện thoại bên cạnh lực lượng an ninh Sri Lanka đứng gác trên đường phố. (Nguồn: ndtv.com)

1. Sri Lanka dỡ bỏ lệnh cấm các phương tiện truyền thông xã hội

Theo Reuters, Chính phủ Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nền tảng truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn sau loạt vụ đánh bom đẫm máu vào ngày lễ Phục Sinh khiến 350 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Một nguồn tin từ văn phòng của Tổng thống Sri Lanka ngày 30/4 cho biết, lệnh cấm đối với các nền tảng như Facebook, WhatsApp và Viber đã được dỡ bỏ với hiệu lực ngay lập tức. An ninh ở Sri Lanka vẫn được thắt chặt sau vụ đánh bom tự sát ngày 21/4. Các nhà bình luận cho rằng lệnh cấm truyền thông xã hội ở Sri Lanka không hiệu quả trong việc dập tắt bạo lực và thông tin sai lệch.

Vào tháng 3/2018, chính phủ Sri Lanka đã thực hiện một biện pháp tương tự khi bạo lực leo thang giữa cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng Phật giáo.

2. Tổng thống Mỹ yêu cầu áp dụng tính phí với các đơn xin tị nạn

Trong một tuyên bố tối 29/4 theo giờ địa phương, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị chính quyền Mỹ áp dụng tính phí đối với các đơn xin tị nạn và phải giải quyết các trường hợp này trong vòng 180 ngày.

Chỉ thị trên cũng nêu thêm nhiều yêu cầu, trong đó có việc người xin tị nạn phải trình giấy phép làm việc, để không xảy ra tình trạng người nước ngoài vào Mỹ - hoặc có ý định vào Mỹ - bất hợp pháp được nhận làm việc tạm thời trước khi được cơ quan chức năng chấp nhận đơn xin tị nạn. Các quan chức cũng được yêu cầu thu giấy phép làm việc của những người di cư đã bị yêu cầu trục xuất.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều tháng gần đây, hàng nghìn người di cư đã đến Mexico; trong đó phần lớn là đến từ Trung Mỹ, để trốn chạy nghèo đói và bạo lực tại quê nhà, và di chuyển từ Mexico tới biên giới Mỹ theo từng nhóm hơn 100 người.

3. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận hải quân chung ở Biển Đen

Hải quân Mỹ ngày 29/4 cho biết, tàu khu trục U.S.S. Ross của Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung với các tàu và máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen một ngày trước đó.

Trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ lưu ý rằng lực lượng này thường xuyên thực hành tập trận với các đồng minh và đối tác ở Biển Đen, qua đó tăng cường sự ổn định hàng hải trong khu vực, trạng thái sẵn sàng chiến đấu và khả năng tác chiến của Hải quân.

Hồi đầu tháng này, tại Washington, ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí về một loạt biện pháp ứng phó với Nga ở khu vực Biển Đen. Theo đó, 5 tàu chiến của NATO đã tham gia tập trận Hải quân thường niên do Romania dẫn đầu mang tên "Lá chắn trên biển" 2019 ở Biển Đen, bắt đầu từ ngày 5/4 và kết thúc ngày 13/4 vừa qua.

Đáp lại, Hạm đội Biển Đen của Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập song song với cuộc tập trận "Lá chắn trên biển" 2019. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO căng thẳng, ngày 15/4 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố hai bên đã chấm dứt hợp tác cả về dân sự và quân sự. Theo ông Grushko, NATO đã "đi quá xa" trong việc đẩy mạnh đối đầu với Nga.

4. Afghanistan tổ chức hội nghị hòa bình lớn nhất trong lịch sử

Ngày 29/4, Afghanistan đã khai mạc hội nghị hòa bình toàn quốc, hay còn gọi là Đại hội đồng các bộ lạc (Loya Jirga) với sự tham dự của hơn 3.000 quan chức, chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo và thủ lĩnh các bộ lạc trên khắp cả nước, để thảo luận về cuộc chiến hiện nay cũng như các nỗ lực của Mỹ đạt được thỏa thuận hòa bình với phong trào Hồi giáo Taliban.

Sự kiện này được đánh giá là hội nghị hòa bình lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Afghanistan. Phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài 4 ngày ở thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn làm rõ đường lối đàm phán với Taliban. Chúng tôi muốn lời khuyên rõ ràng từ tất cả các vị". Ông Ghani tuyên bố cần phải thiết lập được hòa bình để phát triển kinh tế và giúp đất nước giảm bớt phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài.

Cuộc họp Đại hội đồng các bộ lạc Afghanistan diễn ra trong bối cảnh các đại diện của Mỹ và Taliban đang đàm phán về khả năng rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan để đổi lấy một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và một số cam kết từ Taliban.

5. Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc "hành động" để cải thiện quan hệ

Ngày 30/4, một cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên đã thúc giục Hàn Quốc có "hành động thiết thực" và thể hiện "sự chân thành" của mình để cải thiện quan hệ liên Triều, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về sự chậm chạp trong trao đổi liên Triều do các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc nói lên quan điểm của riêng mình mà không phụ thuộc vào ảnh hưởng từ bên ngoài trong các vấn đề liên Triều, kêu gọi Seoul đừng bận tâm đến Mỹ và phải tích cực hơn trong việc thực hiện các thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đã ký năm 2018.

Meari, trang web tuyên truyền của Triều Tiên, cho rằng: "Sẽ là một tính toán sai lầm khi hy vọng thấy mối quan hệ liên Triều cải thiện nếu chỉ nói về hòa bình và sự cải thiện quan hệ. Các mối quan hệ không thể được cải thiện chỉ với nỗ lực của một bên. Chúng ta có thể mong đợi một kết quả khi hai miền hợp tác cùng nhau".

Những bình luận trên phù hợp với những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu từ Hàn Quốc trong bài phát biểu về chính sách gần đây của ông tại Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên.

Lâm Anh (t/h)