Tin kinh tế ngày 24/6: Thủ tướng yêu cầu xác minh Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam

05:37 | 25/06/2019

529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến Công ty Asanzo; SCIC chuẩn bị bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn; Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” nhiều công trình ở Nghệ An; Xuất khẩu gạo diễn biến bất lợi... là những thông tin kinh tế nổi bật trong ngày hôm nay.

Yêu cầu xác minh thông tin báo chí phản ánh về Asanzo

Liên quan đến việc một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam (Công ty Asanzo) nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin trên.

tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet nam
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Cùng ngày, Sở Công Thương TP HCM, Cục thuế TP HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hoạt động của công ty cổ phần Điện tử Asanzo, cũng như những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài

Sở Công Thương TP HCM đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương kết quả rà soát hoạt động của Asanzo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương.

Theo Sở Công Thương, trước phản ảnh Asanzo nhập hàng Trung Quốc về ghi xuất xứ Việt Nam, Sở đã chủ động rà soát hoạt động của công ty này. Trong đó, Sở đề nghị Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP HCM báo cáo cụ thể về danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do hội cấp cho công ty Asanzo.

Về hoạt động khuyến mại: tất cả hồ sơ thông báo khuyến mại sản phẩm Asanzo đều thực hiện theo thủ tục thông báo khuyến mại theo quy định, hình thức khuyến mại chủ yếu là "Mua hàng tặng hàng".

Xuất khẩu gạo diễn biến bất lợi

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đã có những diễn biến bất lợi khiến Bộ không ít lần thấy lúng túng. Đặc biệt, các thị trường lớn, thị trường truyền thống của Việt Nam xưa nay như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập gạo từ Việt Nam. Số liệu cho thấy, riêng 3 thị trường này đã giảm đến 83% gạo nhập từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, từ nhập 1,44 triệu tấn vào tháng 5.2018, nay cả 3 thị trường chỉ nhập 239.000 tấn tính hết tháng 5 năm nay.

tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet nam
(Ảnh minh họa)

Riêng thị trường Trung Quốc, theo Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 223.078 tấn gạo, trị giá hơn 111 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% sản lượng, nay còn hơn 8%.

Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ quan tâm hơn đến việc đàm phán với thị trường Trung Quốc. Bởi thực tế, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam một phần do tăng các chỉ tiêu hàng rào kỹ thuật. Song phần lớn các đơn hàng của Trung Quốc đang chuyển dần sang hai thị trường Myanmar và Malaysia.

Bà Bùi Thị Thị Thanh Tâm - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin thêm, thực tế không phải xuất khẩu gạo gặp khó mà xuất khẩu nông sản nói chung đang gặp khó do các thị trường lớn đang dựng hàng rào kỹ thuật nhiều hơn.

“Thời kỳ hoàng kim của gạo qua rồi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đang tự bươn chải rất khó khăn. Làm ăn kiểu liệu cơm gắp mắm, vay vốn, tính toán từng chút một trong khả năng của mình”, bà Tâm chia sẻ.

SCIC chuẩn bị bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2019. Theo đó, 108 doanh nghiệp, trong đó một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty CP Bảo Minh (SCIC đang sở hữu 51% vốn điều lệ), Công ty CP FPT (6% vốn điều lệ), Tập đoàn Bảo Việt (3% vốn điều lệ), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (11% vốn điều lệ), Tổng công ty Licogi (41% vốn điều lệ), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (36% vốn điều lệ), Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (9% vốn điều lệ)...

Riêng trường hợp của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng có tên trong danh sách dự kiến thoái vốn năm nay nhưng SCIC phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bênh cạnh danh sách trên, SCIC cũng công bố cả kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019 với doanh thu 6.499 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.023 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả các doanh nghiệp thuộc thông báo số 281/TB-VPCP thì kế hoạch doanh thu năm nay của SCIC lên tới 21.609 tỉ đồng.

Đến hết ngày 31.5.2019, danh mục doanh nghiệp do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, với tổng số vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.600 tỉ đồng, giá trị thị trường khoảng 116.000 tỉ đồng (hơn 5 tỉ USD).

Riêng giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 5.2019, SCIC đã bán vốn tại 51 doanh nghiệp (bao gồm: Vinamilk và Nhựa Bình Minh), trong đó đã bán hết vốn tại 47 doanh nghiệp, giảm sở hữu tại 4 doanh nghiệp và bán quyền mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp.

Tổng giá trị thu được là 20.111 tỉ đồng, trên giá vốn là 3.077 tỉ đồng, chênh lệch bán vốn là 17.034 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 6,5 lần (cao hơn nhiều lần so với mức bình quân chung của cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).

Năm 2018, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 12.705 tỉ đồng, tăng tới 72% so với năm 2017. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, lợi nhuận gộp năm 2018 của SCIC đạt 9.788 tỉ đồng, tăng 43% so với năm 2017.

Tính đến hết ngày 31.12.2018, tổng tài sản của SCIC ở mức 50.081 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp này cũng gửi ngân hàng tới trên 26.000 tỉ đồng với kỳ hạn quá 1 năm, tăng khoảng 7.000 tỉ đồng so với năm trước đó.

Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” hàng loạt công trình ở Nghệ An

Trong vòng 60 ngày, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ kiểm toán tập trung vào việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước…trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, từ ngày 12/6/2019, KTNN đã tiến hành kiểm tra quy trình thủ tục pháp lý, chế độ đầu tư xây dựng, chấp hành thuế đối với nhà nước và nhiều nội dung liên quan đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của từng địa phương ở Nghệ An đã thực hiện trong năm 2018.

tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet nam
Nhiều công trình, dự án sử dụng ngân sách đã triển khai vào năm 2018 trên địa bàn Nghệ An sẽ được KTNN kiểm toán lần này

Tại Quyết định số 1141 Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2018 của tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng KTNN ký ban hành sẽ thực hiện nội dung kiểm toán hàng loạt các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện trong năm vừa qua.

Mục tiêu KTNN thực hiện đợt này nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trong năm vừa qua.

Bên cạnh đó, KTNN cũng sẽ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Qua đó, KTNN sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan.

Liên quan đến các nội dung KTNN thực hiện kiểm toán đợt này sẽ tiến hành kiểm tra 71 dự án đầu tư xây dựng do 8 Ban quản lý dự án các huyện, thành, thị làm chủ đầu tư.

Hầu hết các dự án đầu tư sử dụng ngân sách đợt này tập trung ở các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như điện – đường – trường trạm, công trình thủy lợi, chia lô đất ở… trên địa bàn.

Địa phương có số dự án công trình nằm trong chương trình kiểm toán lần này nhiều nhất là huyện Diễn Châu (16 dự án), Yên Thành (14 dự án), Tương Dương (10 dự án), Đô Lương (8 dự án), Tân Kỳ (7 dự án), Quỳnh Lưu và Nam Đàn mỗi huyện 5 dự án.

Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Tại dự thảo lần này, các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư đã được sửa đổi. Cụ thể, bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Nguyên nhân UBND TP.HCM đưa ra là do dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê còn chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động biến tướng, bất chấp pháp luật. Các con nợ bị uy hiếp, khủng bố, đánh đập… nhưng không dám khai báo, tố giác tội phạm vì sợ trả thù, do đó các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.

M.L (t/h)

tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet namBà Vũ Kim Hạnh: Asanzo cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa
tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet nam"Ông chủ" Asanzo lên tiếng: 70-80% phần cứng sản phẩm tivi nhập từ nước ngoài
tin kinh te ngay 246 thu tuong yeu cau xac minh asanzo nhap hang nuoc khac gan nhan viet nam“Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau thiếu điện