Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7-13/11)

08:25 | 14/11/2022

963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Equinor đình chỉ dự án dầu mỏ ở Bắc cực; TotalEnergies chọn ở lại Nga vì sự "thịnh vượng" của châu Âu; TotalEnergies đầu tư phát triển 120 MW năng lượng mặt trời tại Uganda; ExxonMobil phát hiện mỏ dầu mới ngoài khơi Angola; Eni và BP hợp tác phát triển dự án khí đốt ở Địa Trung Hải… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7-13/11)

Vào hôm 11/11, gã khổng lồ dầu khí Equinor (Na Uy) đã đưa thông báo hoãn quyết định đầu tư vào mỏ dầu Wisting ở Biển Barents (thuộc Bắc Băng Dương, Bắc Cực) cho đến cuối năm 2026. Theo đó, Equinor cho biết, do chi phí ước tính của dự án tăng đột biến, tập đoàn nhà nước Na Uy cùng những đối tác “đã đồng ý đẩy lùi quyết định đầu tư trong tháng 12”. Dự án vẫn sẽ có hiệu lực, với quyết định đầu tư mới được đưa ra từ nay cho đến cuối năm 2026. Mỏ dầu Wisting được phát hiện vào năm 2013, nằm cách mũi đất North Cape khoảng 300 km (miền bắc Na Uy).

Cũng trong tuần qua, Equinor Hitachi Energy của Nhật Bản đã công bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong các dự án điện hóa, sản xuất điện tái tạo và các dự án carbon thấp trên khắp thế giới. Theo tuyên bố của hai bên, việc hợp tác toàn diện trên bước đầu sẽ tập trung vào việc phát triển các đường dây dẫn điện kết nối các trang trại điện gió ngoài khơi và các nhà máy phát điện của Equinor với lưới điện. Các điều khoản tài chính trong thỏa thuận này sẽ bao gồm toàn bộ danh mục công nghệ và các giải pháp lưới điện của Hitachi Energy, tuy nhiên nội dung cụ thể lại không được tiết lộ.

Viện kiểm sát Algeria hôm thứ Năm đã đề nghị mức án phạt 18 năm tù đối với tội tham nhũng của cựu Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Sonatrach, ông Abdelmoumen Ould Kaddour. Ông Ould Kaddour đang bị truy tố cùng với cấp phó cũ Ahmed Mazeghi trong một vụ án tham nhũng liên quan đến việc Sonatrach mua lại nhà máy lọc dầu Augusta và các cơ sở hạ tầng khác ở miền nam Italy từ Esso - một chi nhánh tại Ý của tập đoàn ExxonMobil, vào năm 2018.

Giám đốc điều hành TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné, hôm thứ Năm đã điều trần trước Quốc hội Pháp về việc duy trì hợp đồng dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của TotalEnergies với Nga. Vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga, để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, châu Âu buộc phải đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Nga vẫn được xem là nhà cung cấp chính. Giám đốc điều hành của TotalEnergies cho biết: "Nếu chúng tôi chọn ở lại Nga, đó là do chúng tôi có một hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Điều này là vì lợi ích của người dân, vì đảm bảo an ninh nguồn cung ở châu Âu". "Nếu chúng ta bỏ dự án này thì tình hình ở châu Âu - nơi nhập khẩu 70% khí LNG từ Nga, sẽ không cải thiện chút nào trong năm nay". Bên cạnh đó, "Có hai giải pháp để thoát khỏi vấn đề này: hoặc Nga trưng dụng tài sản của chúng tôi, hoặc châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga", ông Pouyanné cho biết. Ông Pouyanné cũng cảm thấy rằng "cách nhìn của các nước phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine không hoàn toàn được ủng hộ bởi phần lớn các nước khác trên thế giới, bởi họ nhận thấy mình sẽ phải cùng chịu trách nhiệm cho quyết định sai lầm của chúng tôi".

Cũng trong tuần qua, Bộ Năng lượng và Phát triển Khoáng sản Uganda thông báo: Total EP Uganda - chi nhánh tại Uganda của gã khổng lồ năng lượng TotalEnergie (Pháp), đã cùng Chính phủ Uganda ký một thỏa thuận đầu tư phát triển dự án năng lượng mặt trời với công suất 120 MW. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, hơn 57% dân số Uganda không tiếp cận được điện. Tại vùng nông thôn, tỷ lệ này đạt mức cao hơn (67%).

Công ty hydrocarbon nhà nước Angola (ANPG) đã công bố phát hiện một mỏ hydrocarbon mới ở ngoài khơi Angola, gần thủ đô Luanda. Hiện công ty dầu khí ExxonMobil (Mỹ) đang khai thác khu vực này. Trong một thông cáo báo chí, ANPG cho biết giếng được phát hiện cách bờ biển tầm 365 km, ở độ sâu 1.100 mét. Vỉa chứa dầu mới này có triển vọng dầu “chất lượng cao”. ExxonMobil dự kiến sẽ sản xuất được 40.000 thùng/ngày từ mỏ này.

Tập đoàn Eni của Ý và BP của Anh đã thỏa thuận với chính quyền Libya về việc phát triển và khai thác tài nguyên khí đốt tại một khu vực trên Biển Địa Trung Hải nằm ở phía tây của đất nước. Thông tin trên được ông Farhat Bengdara - người đứng đầu Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) - công khai bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) diễn ra từ thứ Hai ngày 31 tháng 10 đến thứ Năm ngày 3 tháng 11. Vị trí cụ thể của dự án vẫn chưa được xác định và thời gian cụ thể cho việc thực hiện dự án cũng không được tiết lộ. Nhưng nó sẽ bao quát một mỏ "lớn hơn cả mỏ khí đốt khổng lồ Zohr của Ai Cập" ước tính khoảng 77 nghìn tỷ feet khối (Tcf). Với 48,4 tỷ thùng trữ lượng dầu thô đã được chứng minh và 50,5 Tcf trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được kiểm chứng theo Đánh giá thống kê về Thị trường Năng lượng Thế giới năm 2021 của BP, tiềm năng hydrocarbon của Libya nhìn chung vẫn chưa được khai thác do bất ổn chính trị và an ninh trong nước.

Sonatrach, Tập đoàn hydrocacbon nhà nước Algeria, đã ký một Bản ghi nhớ với Tập đoàn dầu khí Senegal (Petrosen SA) nhằm tăng cường hợp tác phát triển trong lĩnh vực dầu khí. Cụ thể, thỏa thuận này được Chính phủ Senegal ký khi đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 31, được tổ chức tại Algiers từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 11. Đây được coi là phát súng đầu tiên của Senegal trong việc khai thác tài nguyên dầu khí vào năm 2023.

Công ty năng lượng Hy Lạp, HEREMA, thông báo sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò địa chấn trên biển nhằm tìm kiếm khí đốt tự nhiên, đồng thời đảm bảo rằng toàn bộ dự án năng lượng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ sinh vật biển. HEREMA cho biết: "Các cuộc thăm dò sẽ diễn ra trong mùa đông tới nên có thể giảm thiểu tác động đến môi trường", đồng thời các cuộc khảo sát sẽ diễn ra ở phía bắc biển Ionian cũng như ngoài khơi phía tây và tây nam Crete.

Tập đoàn đa quốc gia Veolia trụ sở tại Pháp thông báo vừa ký một thỏa thuận với chi nhánh lọc dầu của Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) để xử lý chất thải độc hại từ khu liên hợp công nghiệp lớn nhất ở tiểu vương quốc này. Dù số liệu không được tiết lộ, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, hợp đồng có giá trị bằng doanh thu trong vòng 30 năm của công ty này, theo đó, hai nhà máy quản lý rác thải trong khu phức hợp Al Ruways sẽ hoạt động với công suất khoảng 70.000 tấn mỗi năm. Veolia, do Pháp nắm 50,1% cổ phần trong liên danh với Công ty Vision Invest của Ả Rập Xê-út và công ty đầu tư có trụ sở tại Abu Dhabi ADQ (tương ứng 24,95%), đã ký hợp đồng mua lại hai cơ sở xử lý chất thải trên của ADNOC Refining. Từ năm 2023, Veolia sẽ điều hành việc quản lý chất thải nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Trung Đông và lớn thứ tư trên thế giới. Đây sẽ là nơi thu hồi hơn 900.000 thùng dầu thô và nước từ chất thải mỗi ngày.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-15/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-15/10)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng quốc tế trong tuần qua (31/10-6/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng quốc tế trong tuần qua (31/10-6/11)

Nh.Thạch

AFP