Tìm giải pháp phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam

10:54 | 22/03/2024

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm” là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về vấn đề công tác xã hội với người lao động, chính sách an sinh xã hội, việc làm với người lao động tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 21/3, Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm”.

Tìm giải pháp phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam
PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, việc xác định nhiệm vụ cho tổ chức Công đoàn Việt Nam từng cấp Công đoàn, đảm bảo linh hoạt, thích ứng và đủ năng lực cạnh tranh khi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và chăm lo bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động là hết sức quan trọng.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh vị trí và vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền của người lao động, trên thực tế, rất cần sự phối hợp của Công tác xã hội để đảm bảo an sinh xã hội đối với người lao động, giúp họ giải quyết những khó khăn, phòng ngừa biến cố xảy ra và ngày càng phát triển về chuyên môn, kỹ năng tay nghề, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác xã hội đóng vai trò trực tiếp và tiên phong trong việc đảm bảo quyền an sinh xã hội đối với người lao động.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng mong muốn kết quả của Hội thảo là căn cứ lý luận và thực tiễn khoa học để xây dựng chính sách an sinh xã hội đối với người lao động hiện nay phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là việc đảm bảo chính sách việc làm, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và công bằng đối với họ.

Tìm giải pháp phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam
TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

TS. Dương Thị Thanh Xuân chia sẻ, công tác xã hội chính thức được công nhận là một nghề mang tính chuyên nghiệp. An sinh xã hội là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam, được đảm bảo thực hiện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…”.

Theo TS Dương Thị Thanh Xuân, trong lĩnh vực lao động việc làm, chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến người lao động. Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao thì vẫn còn nhiều lao động phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, biến cố xảy ra trong đời sống như thiếu hoặc mất việc làm, giảm thu nhập, ốm đau, tai nạn lao động.

Trong đó, mất việc làm được coi là rủi ro lớn nhất, bởi người lao động sẽ bị mất và giảm thu nhập, mất đi những nguồn lực kinh tế để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Họ cũng phải chịu nhiều vấn đề khác khi thất nghiệp - đó là khủng hoảng về tinh thần, ảnh hưởng đến gia đình, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến xã hội.

TS Dương Thị Thanh Xuân nhấn mạnh: Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động có vai trò rất lớn trong việc thực hiện công bằng xã hội. Người lao động cần được bảo vệ bởi hệ thống chính sách an sinh xã hội trước những rủi ro, đảm bảo được tiếp cận với các cơ hội bình đẳng.

Trên thực tế, công tác xã hội bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Theo đó, người lao động vẫn còn gặp khó khăn trong lĩnh vực việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe. Mô hình công tác xã hội với người lao động chưa được thực hiện tại các doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chưa có cán bộ công tác xã hội trong lĩnh vực người lao động một cách chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ, can thiệp đối với người lao động kịp thời, nhằm giải quyết những vấn đề cũng như khó khăn, đáp ứng nhu cầu của họ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động, một số gợi ý về vai trò của công tác xã hội; an sinh xã hội cho người lao động ở Việt Nam - xu hướng, khoảng trống và hướng đến tương lai; lao động việc làm, giảm nghèo đa chiều, bảo hiểm xã hội trong tiến trình phát triển xã hội hiện nay; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo vệ người lao động trẻ thông qua tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em; đề xuất hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quan hệ lao động để đảm bảo tiến bộ và công bằng: phân tích đạo luật AI của Châu Âu; vai trò của công tác xã hội trong an sinh xã hội đối với trẻ em là con của lao động nữ đơn thân; thực trạng con của người lao động không đến trường, giải pháp từ phía công tác xã hội.

Tìm giải pháp phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong tiến trình phát triển xã hội, yêu cầu quan trọng đặt ra là cần nhận diện các vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, đối với lao động việc làm, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: thiếu việc làm và mất việc làm, đảm bảo việc làm thỏa đáng và bền vững, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, liên quan đến giảm nghèo đa chiều, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tồn tại khoảng cách đáng kể về mức sống, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa người dân ở các địa phương, vùng, miền khác nhau, giữa các nhóm dân cư dân; chuẩn nghèo cần phản ánh đầy đủ hơn tình trạng nghèo của các hộ gia đình ở các vùng, miền, ở các địa phương; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cần được đánh giá đầy đủ hơn.

Đối với bảo hiểm xã hội, những vấn đề đặt ra đáng quan tâm bao gồm: số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm khoảng một phần ba tổng số lực lượng lao động; việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn; nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Từ tiếp cận công tác xã hội, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu sâu hơn để nhận diện cụ thể nguyên nhân, hệ quả và giải pháp đối với các vấn đề xã hội đáng quan tâm, trong đó có những vấn đề liên quan đến lao động việc làm, giảm nghèo đa chiều, bảo hiểm xã hội trong tiến trình phát triển xã hội hiện nay và thời gian tới. Điểm đáng lưu ý là việc giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, những vấn đề đặt ra cụ thể ở trên nói riêng, cần có tiếp cận phù hợp từ góc độ chính sách, cơ chế, đến nguồn lực và thực tế tổ chức thực hiện chính sách, sử dụng nguồn lực.

Tìm giải pháp phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam
TS. Da Silva Gama Noguiera Carlos Andre - Chuyên gia cao cấp, giám đốc chương trình An sinh xã hội của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Da Silva Gama Noguiera Carlos Andre - Chuyên gia cao cấp, giám đốc chương trình An sinh xã hội của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam khẳng định: An sinh xã hội là một quyền cơ bản của con người, được ghi trong các công cụ nhân quyền cốt lõi của Liên hợp quốc. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội. Đồng thời , ông cũng dành thời gian phân tích sâu hơn về 4 trụ cột chính khi tập trung vào người lao động là: Tăng cường phối hợp và liên kết giữa các nhánh an sinh xã hội khác nhau; tăng cường sự tập trung vào các chương trình bắt buộc; làm cho an sinh xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động trong quá trình làm việc của họ; tăng đầu tư và trợ cấp của Nhà nước để hỗ trợ sự tham gia của người lao động.

Những chia sẻ, trao đổi của các đại biểu trong hội thảo chính là những căn cứ khoa học và thực tiễn, là cơ sở để đề xuất những giải pháp công tác xã hội nhằm đảm bảo việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động; đồng thời là dịp để các nhà khoa học trong, ngoài nước chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng, cấp thiết này đối với người lao động.

N.H

Bộ GD&ĐT đẩy mạnh truyền thông công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đườngBộ GD&ĐT đẩy mạnh truyền thông công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường
Nghề công tác xã hội ở Việt Nam: Số lượng và chất lượngNghề công tác xã hội ở Việt Nam: Số lượng và chất lượng
Nâng cao công tác xã hội đối với người khuyết tậtNâng cao công tác xã hội đối với người khuyết tật

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc