Tiếp tục hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới

11:34 | 04/05/2018

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 1 tháng thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận: “Chương trình còn nặng so với trình độ của học sinh, nội dung nhiều bài thực nghiệm còn tương đối khó…”!

Sau khi đưa vào thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, ngày 3/5, Ban phát triển chương trình đã có buổi gặp mặt báo giới thông tin kết quả.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào thực nghiệm tại một số trường học của 6 tỉnh, thành phố, đại diện cho 6 vùng kinh tế- xã hội của cả nước gồm: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

Mỗi tỉnh đã chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông để thực nghiệm.

tiep tuc hoan thien chuong trinh giao duc pho thong moi
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhận xét: Ban phát triển chương trình đã thống kê kết quả sau 1 tháng thực nghiệm cho thấy một số tiết học thành công, một số tiết thất bại.

“Ban đầu khi chưa đưa vào thực nghiệm thì nhiều người nghĩ rằng ở khu vực thành thị sẽ thực hiện tốt hơn. Song thực tế lại ngược lại, một số giờ lên lớp chưa đạt yêu cầu lại ở các trường nội thành Hà Nội”- Giáo sư Thuyết nói.

Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhận định: Những tiết học thành công do 3 yếu tố. Đó là thầy cô có phương pháp dạy học mới, nắm vững được nội dung vấn đề và bài soạn vừa đủ thời lượng nên các tiết học không bị quá tải.

Nhìn chung qua các tiết học thực nghiệm cho thấy, thầy và trò các trường đều tích cực hưởng ứng. Phần lớn bài học thực nghiệm xác định đúng phẩm chất và năng lực của học sinh, đi sâu chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác với học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế. Đó là một số yêu cầu trong chương trình còn cao so với trình độ của học sinh, nội dung nhiều bài thực nghiệm còn tương đối khó. Có bài vẫn nặng về trang bị kiến thức, dung lượng một số bài giảng còn chưa phù hợp thời lượng dạy học.

Sau nhận định của Giáo sư Thuyết, đại diện các trường tham gia thực nghiệm cũng bày tỏ băn khoăn. Theo bà Bùi Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỗ Lao (Lào Cai), tham gia vào chương trình thực nghiệm, trường Mỗ Lao đã thực nghiệm 2 lần, lần 1 tháng 4/2017, lần 2 tháng 4/2018 cả học sinh, giáo viên đều rất phấn khởi tham gia. Chương trình được các giáo viên đánh giá cao, đa phần các tiết học tạo được hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, có một số tiết học, kiến thức hơi nặng.

Bà Ngô Thị Hồng Liên - Phó hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho hay: Trường có 24 giáo viên dạy thực nghiệm ở 12 bộ môn, gần 3.400 học sinh tham gia vào chương trình. Chúng tôi nhận thấy, chương trình đã giảm tải kiến thức hàn lâm, tăng kiến thức thực tế. Những môn học trải nghiệm sáng tạo được đánh giá cao. Tuy nhiên, một số môn học như Hóa học, Sinh học thì nhiều thầy cô nhận xét còn khó so với mặt bằng kiến thức chung của học sinh.

Ngoài ra còn một số ý kiến cho rằng, để chương trình được hoàn thiện hơn thì thời gian tới các trường cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mới, tốt hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới đến hoạt động dạy và học của giáo viên cũng như học sinh. Kết quả của quá trình thực nghiệm sẽ giúp Ban soạn thảo nhìn nhận để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chương trình.

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.