Kỷ niệm 55 năm thành lập Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021):

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển

09:41 | 09/07/2021

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm nay ngày 9/7/2021, Lữ đoàn 171 Hải quân tròn 55 tuổi. Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng 2, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, nhà giàn, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống “chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng”.

Ra đời trong khói lửa “sấm rền”

Để đánh bại các đợt tấn công, đem quân ồ ạt ra bắn phá miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân, hải quân của Đế Quốc Mỹ, Trung đoàn tàu săn ngầm với phiên hiệu 171 ra đời, tiền thân của Lữ đoàn 171. Sự kiện ấy đã làm thay đổi “cục diện chiến trường”, khiến Đế quốc Mỹ phải “co vòi, chùn bước” bởi sự gan dạ kiên cường của những người đầu tiên trên con tàu săn ngầm 55 năm trước.

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
Phân đội 7 của Trung đoàn 171 là đơn vị đầu tiên của Hải quân Việt Nam được tặng danh hiệu Anh hùng ngày 1/1/1967. (Ảnh tư liệu: Đại tá Hoàng Trà biểu dương cán bộ chiến sĩ phân đội 7 trên mâm pháo)

Trong nhiều cựu chiến binh thế hệ đầu tiên của Lữ đoàn 171 Hải quân 55 năm trước, phải nói đến Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Nông. Ông không chỉ là một trong những người đầu tiên có mặt trong buổi đầu thành lập của Lữ đoàn 171, mà còn được coi là “sói biển” kỳ cựu vượt biển đi dựng nhà giàn DK1 năm 1989. Nhà giàn DK1 từ năm 2009 đổ về trước thuộc Lữ đoàn 171. Khi Vùng 2 thành lập, DK1 được “tách ra” thành đơn vị riêng trực thuộc Vùng 2 Hải quân.

Ở cái tuổi “xư nay hiếm” nhưng ông Hoàng Kim Nông “không sai một chi tiết” khi kể về những ngày đầu tiên Lữ đoàn 171 được thành lập 55 năm trước.

“ Hơn nửa thế kỷ qua, thế hệ những người lính ngày đầu thành lập giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, song đó chính là những tư liệu sống. Việc thành lập Trung đoàn 171 tàu săn ngầm 55 năm trước vừa khẳng định được tầm nhìn chiến lược xây dựng lực lượng hải quân, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo miền Bắc trong thời điểm đó”, ông Nông bắt đầu câu chuyện.

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
Tư lệnh Hải quân, Đại tá Nguyễn Bá Phát (người ôm hoa) thăm bộ đội Trung đoàn 171 năm 1972, ảnh Tư liệu

Giữa năm 1966 của thế kỷ trước, cuộc chiến đấu của nhân dân ta đang ở giai đoạn khốc liệt. Cục diện chiến trường lúc đó trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có bom đạn cày xới của Đế Quốc Mỹ. Sau khi Đế quốc Mỹ thất bại nặng nề trong 2 chiến dịch mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 ở miền Nam, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn nhiều lần ra lệnh đánh phá miền Bắc bằng chiến dịch “Sấm rền” với mục đích, vừa ngăn chặn sức người sức của ở miền Bắc chi viện miền Nam, vừa ngăn cản sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Trước tình hình đó, trung tuần tháng 4/1966, Thường trực Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân “Triển khai lực lượng tàu tuần tiễu hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên bờ sẵn sàng đánh trả máy bay, tàu chiến địch, bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở khu vực Đông Bắc”.

“Lúc đó, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh các LLVT nhân dân. Ngay sau khi đọc đề nghị của quân chủng Hải quân và xem xét tình hình chiến sự, Đại tướng Giáp đã ký quyết định số 70/QĐ-QP ngày 09/7/1966 thành lập Trung đoàn 171 bao gồm các phân đội 3,6,7 và 02 Tiểu đoàn là Tiểu đoàn 100 và Tiểu đoàn 200 gồm 18 tàu tuần tiễu. Trung đoàn 171 ra đời trong khói lửa sấm rền là vì thế” - Đại tá Hoàng Kim Nông kể lại.

Chiến công đầu tiên

Để thực hiện chiến dịch “Sấm rền”, tháng 10 năm 1966, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã huy động hàng trăm máy bay bắn phá ác liệt ở cửa biển Hải phòng hòng hủy diệt các nhà máy, cầu cảng tại đây. Bom B52 trút hàng ngàn tấn bom xuống phà bến Bính và các cầu cảng lớn nhỏ. Cả thành phố Hải Phòng chìm trong bom đạn. Trước tình thế ấy, các tàu 201,195,197,199 của Trung đoàn 171 đã phối hợp tác chiến với quân và dân thành phố Cảng, phân chia lực lượng, đồng loạt tiêu diệt hàng chục máy bay địch.

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
Quang cảnh Lễ ra quân huấn luyện của Lữ đoàn 171 (Ảnh: Mai Thắng)

Bị bắn hạ nhiều máy bay trên bầu trời phố cảng Hải Phòng, Tổng thống Giôn-xơn chuyển hướng chiến lược bắn phá xuống Thủ đô Hà Nội. Đó là ngày 05/5/1967. Đế quốc Mỹ sử dụng gần 200 máy bay chia làm nhiều hướng, nhiều mũi thả bom hạng nặng xuống Cầu Long Biên, và dọc sông Hồng với mục đích “bẻ gãy” cầu Long Biên và “chặt đứt” bí mật tấn công của bộ đội từ đường biển. Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân xác định “Dù phải hi sinh cũng phải đánh tan chiến dịch Sấm rền. Phải cứu cầu Long Biên, cứu nhà máy điện Yên Phụ và người dân thủ đô”.

Trung đoàn 171 được chọn làm quân chủ lực trong trận chiến đấu không cân sức này. 20 bệ pháo trên 20 tàu cơ động khẩn cấp vào vị trí bí mật, tăng cường quan sát chờ địch tới và sẵn sàng tiêu diệt trong tầm bắn hiệu quả. Đúng giờ G, 20 bệ pháo của 20 tàu đồng loạt nổ súng tạo thành vòng lửa bủa vây máy bay địch trên bầu trời Hà nội. Cùng với các lực lượng quân đội và nhân dân Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 171 đã chiến đấu anh dũng mưu trí sáng tạo, tiêu diệt 8 máy bay địch, cầu Long Biên vẫn hiên ngang, Nhà máy Điện Yên Phụ vẫn truyền điện đi chiếu sáng khắp thành phố Hà Nội.

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
Tự hào tiếp bước cha anh (Ảnh: Mai Thắng)

Vào thời điểm ấy, trên dòng sông Lam tỉnh Nghệ An, đế quốc Mỹ đã dùng hơn 30 máy bay B52 oanh tạc khắp các bờ biển tuyến đường dọc sông Lam, cầu Bến Thủy. Hàng ngàn ngôi nhà, cánh đồng, dòng sông bị bom địch cày xới. Cán bộ, chiến sĩ tàu 181 (thuộc Phân đội 7, Trung đoàn 171) thề trước biển hô vang lời thề: “Dù phải hy sinh đến tính mạng cũng kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Dứt lời thề, cũng là lúc những loạt đạn pháo từ các tàu liên tục vút lên bầu trời tiêu diệt máy bay địch. Trong trận chiến đấu anh dũng ấy, tập thể tàu 181 đã bắn rơi, cháy 32 máy bay các loại, đánh chìm một tàu biệt kích “hầm hố” nhất của Đế Quốc Mỹ.

Vì Tổ quốc hiến dâng tuổi xanh

Kỷ niệm 55 năm thành lập, thế hệ cán bộ chiến sĩ dù thời kỳ chống Mỹ hay đổi mới hôm nay của Lữ đoàn 171, đều tự hào hãnh diện vì đã mang trên mình truyền thống “Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng” của Trung đoàn 171 năm xưa. Truyền thống ấy như bài ca vang mãi khắp biển xa, sông rộng, trên đất liền, hải đảo hay lênh đênh trên những con tàu.

Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
Tàu săn ngầm bắn mụu tiêu trên biển (Ảnh: Mai Thắng)

Có được thành quả như ngày hôm nay, nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống hi sinh quên mình vì Tổ quốc. 55 năm là chặng đường chiến đấu, phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ chiến sĩ. Trong thời chiến, kiên cường anh dũng; trong thời bình chủ động sáng tạo. Đó là thành quả từ bàn tay khối óc của nhiều thế hệ.

Những ngày này, cán bộ chiến sĩ toàn Lữ đoàn đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi “Mỗi người làm một bằng hai, huấn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, nền nếp chính quy tốt” lập thành tích cao nhất chào mừng 55 năm ngày thành lập. Do dịch covid-19 diễn biến phức tạp không thể tổ chức Lễ kỷ niệm mừng 55 năm thành lập, song cán bộ chiến sĩ luôn tự hào được sống, làm việc và cống hiến trong môi trường quân sự chính quy hiện đại, mẫu mực và thân thiện.

Đại uý Hà Thị Kim Cúc, nhân viên nhà khách chia sẻ: “Tiếp nối thế thệ cha anh đi trước, chúng tôi có quyền tự hào về thành quả 55 năm qua. Huấn luyện tốt, trau dồi kiến thức, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, xây dựng Lữ đoàn chính quy mẫu mực, đó chính là cống hiến sức lực của mình cho Lữ đoàn”- Đại uý Cúc chia sẻ.

Sau 5 năm học ở Trường sĩ quan Lục Quân 2, Trung uý Bùi Thanh Hưng được Bộ quốc phòng điều về Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 công tác. Trước đơn vị khang trang, đời sống vật chất tinh thần bảo đảm, môi trường thân thiện nghĩa tình, Trung uý Hưng như được tiếp thêm “đôi cánh” để anh cống hiến và phục vụ. Hưng chia sẻ: “Được cống hiến ở Lữ đoàn có bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ, với tôi là một vinh dự. Mỗi chặng đường của Lữ đoàn đều gắn với một chiến công. Những câu chuyện kể của thế hệ cha anh để lại hoặc được chép trong lịch sử của Lữ đoàn, là hành trang để thế hệ chúng tôi tiếp bước, tự hào và noi theo. Là sĩ quan trẻ, cống hiến sức lực, trí tuệ cho Lữ đoàn, cũng là điều phấn đấu”- Trung uý Hưng, tự hào.

Dù mang trên mình phiên hiệu nào, dù thời điểm nào, lớp lớp cán bộ chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ chiến sĩ kiên cường anh dũng; trong thời bình cán bộ chiến sĩ khắc phục khó khăn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực xây dựng đơn vị chính quy hiện đại, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần. Và tiếp tục tô thắm lá cờ anh hùng mang dòng chữ truyền thống “Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng”- lá cờ nhuộm máu đào và mồ hôi của thế hệ cán bộ chiên sĩ qua chặng đường 55 năm hành trình giữ biển .

Mai Thắng

Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021): Nét đẹp sống xanh xứng danh anh hùngKỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021): Nét đẹp sống xanh xứng danh anh hùng
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021): Xứng danh anh hùngKỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021): Xứng danh anh hùng
Cột mốc sống đầu tiên trên sóng Biển ĐôngCột mốc sống đầu tiên trên sóng Biển Đông
Nét đẹp “Văn hóa Dầu khí” tại Lữ đoàn 125 Hải quânNét đẹp “Văn hóa Dầu khí” tại Lữ đoàn 125 Hải quân
Một ngày trên thao trường của các chiến sĩ Đặc công QĐND Việt NamMột ngày trên thao trường của các chiến sĩ Đặc công QĐND Việt Nam
Trường Sa không còn xa nữa...Trường Sa không còn xa nữa...

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc