Môi giới ghép thận

Tiền mất, tật vẫn mang!

07:00 | 15/09/2018

238 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước nhu cầu rất cao về ghép tạng, đặc biệt là thận, không ít đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo bệnh nhân nhằm trục lợi. Những vụ án bị công an triệt phá gần đây là lời cảnh tỉnh người dân cần đề cao cảnh giác.  
tien mat tat van mangGhép thận đổi chéo, sâu nặng nghĩa tình
tien mat tat van mangCa ghép thận đổi chéo đầu tiên thành công tại Việt Nam

Hàng trăm triệu đồng “một đi không trở lại”

Đầu tháng 7/2018, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội nhận được đơn thư của anh Dương Văn T, 29 tuổi ở Lạng Giang, Bắc Giang trình báo về việc bị một số đối tượng lừa đảo qua việc môi giới ghép thận với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng.

Theo anh T trình bày: Anh lên Facebook, biết một người có tên Trương Minh Ngọc (sinh năm 1986, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chuyên môi giới, mua bán thận. Vì bị suy thận mạn tính, đang cần thận để ghép, nên anh T đã chủ động liên hệ với Ngọc theo số điện thoại trên Facebook. Ngọc hẹn gặp anh T cùng người nhà. Chưa biết quy trình ghép thận như thế nào nhưng ngay lần gặp đầu tiên, Ngọc đã yêu cầu anh T nộp 150 triệu đồng để được thực hiện ghép thận và có biên lai thu tiền của một bệnh viện đa khoa quốc tế ở Hà Nội (biên lai giả).

tien mat tat van mang
Đối tượng Đặng Phúc Hoàng Anh (giữa) đã lừa đảo 2 bệnh nhân ở Huế để chiếm đoạt 280 triệu đồng

Ngày hôm sau, Ngọc đòi tiếp anh T nộp 50 triệu đồng để tiến hành làm thủ tục ghép thận. Nhằm “củng cố” lòng tin của anh T, Ngọc đã nhờ một nam thanh niên dẫn anh T vào bệnh viện đa khoa quốc tế nói trên để siêu âm tim, điện tim… coi như kiểm tra các chỉ số, sức khỏe trước khi thay thận.

Đang háo hức được ghép thận, sự sống sẽ kéo dài hơn, chất lượng sống tốt hơn, bỗng anh T lại nhận được yêu cầu đưa tiếp 90 triệu đồng của Ngọc. Ngọc nói rằng, số tiền đó nhằm “lót tay” cho bác sĩ để việc ghép thận được tiến hành nhanh hơn.

Và để tạo lòng tin cho anh T, Ngọc đã giới thiệu anh T đến gặp một người tên là Tuấn Anh mà Ngọc nói là y tá để nhờ người này cho xem chỉ số kháng nguyên HLA (để biết người mua và người bán thận có các chỉ số phù hợp để ghép hay không). Đến gặp Tuấn Anh, tưởng gặp “quý nhân”, nào ngờ anh T lại bị đòi nộp tiếp 65 triệu đồng gọi là phí làm xét nghiệm lại. Như vậy cộng cả khoản tiền của Ngọc và Tuấn Anh yêu cầu, anh T lại rút hầu bao hơn 150 triệu đồng nữa để đưa cho họ.

Sau khi đưa tiền, anh T chắc mẩm mình đã “sống”, chờ đến ngày ghép thận. Nhưng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy động tĩnh gì, nhất là từ phía Tuấn Anh, kết quả các xét nghiệm lại không thấy hồi âm, anh sốt ruột liên lạc lại nhưng Tuấn Anh cùng với 65 triệu đồng đã “một đi không trở lại”.

Thấy nghi ngờ, cộng với không thấy tên mình trong danh sách ghép thận tại bệnh viện anh đến khám theo giới thiệu của Ngọc, anh chủ động gọi điện cho Ngọc để hỏi ngọn ngành nhưng trả lời anh chỉ là âm thanh báo điện thoại ngoài vùng phủ sóng.

Sau khi anh T trình báo, Đội Phòng chống tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội đã lập chuyên án điều tra, xác minh nguồn tin. Sau hơn 1 tháng kiên trì nghiên cứu, tìm hiểu quy luật hoạt động của đối tượng môi giới mua bán thận, kết hợp với thông tin mà bị hại cung cấp, các trinh sát đã lần ra manh mối và bắt giữ được đối tượng Ngọc.

Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai bản thân không có công ăn việc làm ổn định, sống lang thang. Nhiều năm trước, Ngọc đã có ý định bán thận để lấy tiền ăn tiêu. Tuy nhiên, do sức khỏe không bảo đảm nên Ngọc không được bệnh viện đồng ý tiến hành cho thận.

Về các “cộng sự”, Ngọc khai: Để “chuyên nghiệp” và chắc chắn, Ngọc đã rủ thêm các đối tượng quen qua Facebook như Tuấn Anh, (23 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội); Lê Nam Thi (20 tuổi, quê ở Gia Lai, tạm trú tại quận Hà Đông) và Phạm Văn Hải (26 tuổi, quê ở Vũng Tàu, tạm trú tại quận Hà Đông) cùng tham gia lừa đảo với mình. Tuấn Anh được giao nhiệm vụ làm các giấy tờ giả như biên lai thu tiền tạm ứng, giấy hẹn khám... kiêm “y tá”.

Kể từ khi bắt đầu cho đến lúc bị bắt, Ngọc và đồng bọn đã lừa đảo trót lọt gần 40 vụ mua bán thận, trục lợi hàng tỉ đồng từ các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính.

Đừng để tội phạm lợi dụng tâm lý

Vụ án trên không phải là đầu tiên. Trước đó, tại Thừa Thiên - Huế đã xảy ra một vụ án lừa đảo mua bán thận xuyên Việt. Điều đáng nói là cùng một lúc thủ phạm đã lừa được hai bệnh nhân với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đầu tiên là chị H, 26 tuổi, trú tại TP Đông Hà, Quảng Trị, bị suy thận nặng phải ghép gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, không có nguồn thận ghép nên khi được một người quen là Đặng Phúc Hoàng Anh, 24 tuổi, trú phường Thanh Sơn, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận khoe có thể môi giới mua để thay thận với chi phí trọn gói 600 triệu đồng, chị H đồng ý ngay, dù đó là tất cả gia sản của chị. Cũng với thủ đoạn moi tiền theo từng giai đoạn, Hoàng Anh đã lần lượt lấy của chị hai lần 50 triệu đồng, một lần 130 triệu đồng với lý do là kiểm tra xét nghiệm HLA và xét nghiệm bổ sung…

Tổng cộng Hoàng Anh đã cầm của chị H 230 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi có trong tay số tiền ấy, Hoàng Anh đã không thực hiện bất kể quá trình nào ngoài việc kiểm tra chỉ số HLA cho chị. Điều đáng nói là với chỉ số này, các bác sĩ kết luận chị H không thể ghép thận vì không hợp với nguồn thận hiến, nhưng Hoàng Anh không báo lại mà tiếp tục lấy tiền nhằm chiếm đoạt.

Chỉ đến khi gia đình bệnh nhân thấy thời gian làm xét nghiệm, thủ tục kéo dài quá lâu mà chị H vẫn không được ghép thận nên đến bệnh viện tìm hiểu thì được biết, người hiến thận và người nhận thận không phù hợp nhiều chỉ số nên ca ghép thận bất thành. Lúc này, gia đình bệnh nhân mới tá hỏa biết rằng bị lừa, nhiều lần gọi điện cho Hoàng Anh lấy lại tiền nhưng đối tượng đã… cao chạy xa bay.

Đối tượng thứ hai mà Đặng Phúc Hoàng Anh lừa đảo là anh H, ở xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An. Khi biết anh H có nhu cầu ghép thận, Hoàng Anh đã chủ động môi giới mua bán thận với giá 600 triệu đồng. Vì sự sống, anh H cũng đồng ý. Nhưng may mắn hơn chị H ở chỗ anh H mới bị lừa 50 triệu đồng tiền đợt đầu đưa cho Hoàng Anh để làm các xét nghiệm HLA thì Hoàng Anh “ăn non” và “biến” luôn, sợ lộ.

Cả hai người đã làm đơn tố cáo đến Công an Thừa Thiên - Huế nên sau đó Hoàng Anh đã bị bắt.

Từ các vụ lừa đảo trên đây, cơ quan công an khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác với những thủ đoạn môi giới ghép thận. Các đối tượng thường lợi dụng việc bệnh nhân không nắm được quy trình khám chữa bệnh, xét nghiệm và tâm lý mong muốn được sớm ghép thận để thực hiện hành vi lừa đảo. Do vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc bệnh thận cần cảnh giác không thực hiện việc khám và xét nghiệm thông qua dịch vụ từ các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận hoặc ngoài bệnh viện.

Các bệnh viện cần tăng cường quản lý chặt chẽ các bước khám, xét nghiệm cho bệnh nhân, không để đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần phối hợp với công an cơ sở và cơ quan chức năng chủ động nắm thông tin và phòng ngừa các hoạt động tội phạm, tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà của họ đề cao cảnh giác.

Người dân cần cảnh giác với những thủ đoạn môi giới ghép thận. Các đối tượng thường lợi dụng việc bệnh nhân không nắm được quy trình khám chữa bệnh, xét nghiệm và tâm lý mong muốn được sớm ghép thận để thực hiện hành vi lừa đảo.

Nguyễn Bách