Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay

21:51 | 23/05/2023

81 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ là giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giữ giá trần và bỏ giá sàn vé máy bay là cần thiết.

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Quan điểm này nhận được tán thành của đa số đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, giữ giá trần và bỏ giá sàn vé máy bay là cần thiết. Bởi bỏ quy định về giá sàn nhằm giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời, mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

“Bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động. Từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, theo đó tăng thu ngân sách nhà nước”, ông Mạnh nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần thì Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.

Nếu giá khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của Luật. “Trường hợp thấy giá trần chưa phù hợp, các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh”, ông Mạnh nói.

Liên quan đến lo ngại bỏ sàn giá vé máy bay sẽ khiến các hãng cạnh tranh xấu, đẩy giá xuống "mức giá 0 đồng" gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Việc có hãng hàng không áp dụng "mức giá 0 đồng" là chưa gồm thuế, phí theo quy định và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Chính vì vậy, "việc đưa ra các chính sách về mức giá thấp thực tế có thể coi như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế; thực tế mức giá phải trả cũng không phải là 0 đồng", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Đối với giá trần vé máy bay, có đề xuất bỏ giá trần bởi dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ngày càng cao thì dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

"Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Chính vì vậy, việc bỏ quy định về áp dụng giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi.

Chính phủ chưa đồng ý bỏ trần giá vé máy bay

Chính phủ chưa đồng ý bỏ trần giá vé máy bay

Chính phủ cho rằng nếu bỏ trần giá vé máy bay, các hãng hàng không có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong giai đoạn cao điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

P.V