Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25%

13:30 | 27/04/2023

116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam - EBI 2023 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, thương mại điện tử Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25%
Có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.

VECOM ước tính năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại, đặc biệt là những tháng cuối năm và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, tiếp tục 2 làn sóng tăng trưởng trước đó, đơn vị này ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Theo VECOM, hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là những nét nổi bật của ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý I/2023. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.

Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử. Nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này đang tạo sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.

Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định. Kết quả khảo sát của VECOM cho thấy, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Các nhà phân tích nhận định, dù thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng cao nhưng đó mới chỉ là giai đoạn đầu, nếu so với các nền kinh tế khác như Trung Quốc, một quốc gia phát triển mạnh nhất về thương mại điện tử, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

Xu hướng công nghệ là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp để thích nghi với tình hình kinh tế hiện nay. Nhiều doanh nghiệp lớn có thể đầu tư nền tảng riêng cả về website và ứng dụng di động, để tham gia hoạt động thương mại điện tử, nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, họ lại chọn kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội. Thay đổi tư duy cũng chính là hướng đưa ngành thương mại điện tử Việt Nam phát triển trong những năm tới đây.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững

Ngày 10/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.

P.V