Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng
Tọa đàm là diễn đàn để các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng cập nhật về lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo Quy hoạch Điện VIII. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp năng lượng Na Uy và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tìm hiểu khả năng hợp tác trong những lĩnh vực các doanh nghiệp Na Uy có nhiều lợi thế cạnh tranh như điện gió ngoài khơi, hydro sạch, thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Phát biểu khai mạc, bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy cho biết, “Tuy lịch sử và tình hình kinh tế - xã hội hiện tại của hai nước có những khác biệt, nhưng Na Uy và Việt Nam đều có chung quyết tâm trở thành các quốc gia phát thải thấp vào năm 2050. Chuyển đổi năng lượng là quá trình tất yếu và giờ đây chúng ta phải nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Xây dựng những ngành công nghiệp mới trên cơ sở những ngành hiện có như điện gió ngoài khơi, CCS, hydro, nuôi trồng thủy sản và khoáng sản dưới đáy biển, chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta thêm nhiều cách thức mới để đạt được mục tiêu đề ra. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chúng ta hợp tác với nhau và góp phần vào những nỗ lực chung”.
Tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy - Việt Nam” |
Phát biểu tại tọa đàm, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII đã định hướng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), năng lượng mới (hydro xanh, ammoniac xanh…) và triển khai ứng dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon. Phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG cũng sẽ được đẩy mạnh để đảm bảo cung cấp khí cho sản xuất điện với công suất đặt dự kiến lên đến 22.400 MW vào năm 2030. Trong hành trình chuyển đổi năng lượng để đạt được các mục tiêu đặt ra, bên cạnh sự nỗ lực của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tại tọa đàm, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn trao đổi, thảo luận và chia sẻ về kinh nghiệm của Na Uy về chuyển dịch năng lượng công bằng, cập nhật các giải pháp công nghệ năng lượng sạch có thể áp dụng vào điều kiện của Việt Nam như công nghệ sản xuất, tồn trữ và vận chuyển LNG, công nghệ sản xuất hydrogen và lưu trữ các-bon...
Quy hoạch Phát triển Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (NEMP) thời kỳ 2021-2030 của Việt Nam đặt ra những mục tiêu chuyển dịch năng lượng đầy tham vọng, đòi hỏi lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng về năng lượng của quốc gia và hướng tới huy động nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Là quốc gia tiên phong về điện gió ngoài khơi, cũng như đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ năng lượng sạch, nhiều doanh nghiệp Na Uy đã và đang đi đầu với những sáng kiến cải tiến các công nghệ mới để khử các-bon trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó bao gồm các giải pháp về LNG và hydro, hay thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đã tham gia tọa đàm, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và tìm đối tác tại Việt Nam trong các dự án tương lai.
Qua các trao đổi, thảo luận, tọa đàm đã mang đến những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích cho các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh năng lượng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam theo hướng công bằng, công lý và là cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác tốt đẹp giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy.
-
Chuyển đổi năng lượng cần cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ IV)
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ III)
-
Giải pháp bền vững cho chuyển dịch năng lượng xanh
-
Những công nghệ CCS mới, tiên tiến năm 2024 (Kỳ 4)