Thử thách đền Yasukuni và câu chuyện chính trị - tôn giáo ở Nhật

06:48 | 17/08/2013

1,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng năm, mỗi khi có 1 quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật Bản đi thăm ngôi đền tử sĩ Yasukuni thì chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên đều phản đối mạnh mẽ, coi đó là cử chỉ tôn thờ những tội phạm chiến tranh có bài vị trong đền, chứng tỏ rằng, Chính phủ Nhật Bản phủ nhận những sai lầm trong Thế chiến thứ hai.

>> Có gì bên trong ngôi đền Yasukuni?

Những đồn đoán về việc Đông Á sẽ “dậy sóng” một khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm ngôi đền Yasukuni - nơi thờ phụng, tôn vinh những người đã chết vì nước Nhật, trong đó có cả những người bị xét là tội phạm chiến tranh hạng A trong Thế chiến thứ hai, đã bị dập tắt khi ông Abe quyết định không đến đây vào ngày 15/8, ngày mà 68 năm về trước, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, kết thúc chiến tranh, trong khi một số nước trong khu vực lại kỷ niệm ngày này như ngày giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Nhật. Thế nhưng, mãi mãi, ngôi đền tín ngưỡng Thần đạo nhiều tranh cãi này vẫn sẽ là một thử thách với các nhà lãnh đạo xứ sở mặt trời mọc nếu như một nguyên tắc của nền dân chủ hiện đại là chính trị và tôn giáo không được tách biệt ở Nhật Bản.

Trước khi lên nắm quyền Thủ tướng, vào tháng 10/2012, ông Shinzo Abe, khi đó là Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) đã đến thăm đền Yasukuni

Sự tranh cãi về việc các chính trị gia Nhật tới thăm đền Yasukuni bắt đầu nảy sinh từ năm 1978, khi một số giáo sĩ Thần đạo và một số thế lực ở Nhật Bản bí mật đưa bài vị của 14 người Nhật được xếp vào nhóm tội phạm chiến tranh hạng A, trong đó có cựu Thủ tướng Hideki Tojo, bị hành quyết năm 1948, về thờ tại đền Yasukuni. Đây được coi là một thông điệp ngầm rằng quyết định của Tòa án hình sự quốc tế chỉ là hành động của những kẻ “thắng làm vua”, do đó phán xét của phiên tòa này là vi hiến và trái pháp luật theo luật pháp quốc tế, cho nên không có bất kỳ lý do gì có thể ngăn cản đền Yasukuni - nơi tổ chức nghi lễ cũng như thờ cúng vong hồn những người đã hy sinh cho nước Nhật, có từ năm 1869.

Hằng năm, mỗi khi có 1 quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật Bản đi thăm ngôi đền tử sĩ Yasukuni thì chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên đều phản đối mạnh mẽ, coi đó là cử chỉ tôn thờ những tội phạm chiến tranh có bài vị trong đền, chứng tỏ rằng, Chính phủ Nhật Bản phủ nhận những sai lầm trong Thế chiến thứ hai. Ngay chính trong nước Nhật, một số chính trị gia phe cánh tả cho rằng đền thờ như một biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản, trong khi một số chính trị gia cực hữu xem đền thờ là một biểu tượng của lòng yêu nước. Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, chính khách đến thăm đền Yasukuni nhiều nhất (6 lần) từng nói rằng, ông không thể hiểu được vì sao các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của mình lại bị chỉ trích như vậy, khi ông đến đây chỉ để bày tỏ những cảm nhận mà tất cả mọi người ai cũng nên làm đó là thề không bao giờ phát động chiến tranh giống như trước đây.

Trong khi đó, theo tờ Asahi Shimbun, một khi người đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong nội các tới thăm đền Yasukuni, họ chắc chắn tạo ra ấn tượng rằng, ngôi đền đang được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ, thậm chí, đây còn được coi là một hành động mang tính chính trị. Do đó, ở nước Nhật, đang có những lời kêu gọi thành lập một đài tưởng niệm cho những người đã chết trong chiến tranh, không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào và là nơi mà ai cũng có thể cảm thấy thoải mái khi đến đây để tưởng nhớ và suy ngẫm về lịch sử. 

Trước đây, Nhật từng sửa đổi nhiều bản sách giáo khoa lịch sử, loại bỏ những phần về tội ác chiến tranh trong Thế chiến thứ II trước sự phản đối gay gắt của các nước láng giềng. Trong một chuyến về thăm quê của mình ở tỉnh Yamaguchi hôm 12/8, ông Abe phát biểu rằng ông muốn xây dựng một đất nước để con cháu có thể tự hào. Và kể từ khi có ý định cải cách giáo dục, bao gồm cả việc giảng dạy môn lịch sử, ông Abe muốn những đứa trẻ Nhật Bản không chỉ tự hào về Nhật Bản hiện nay, mà cả trong quá khứ, kể cả tự hào về ông cha của mình. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Abe hứa hẹn sẽ sửa đổi Hiến pháp, kể cả điều khoản dành nhiều quyền tự do hơn cho các lực lượng vũ trang Nhật Bản. Không có gì phải tranh cãi là với tư cách một quốc gia độc lập, Nhật Bản được quyền có lực lượng vũ trang toàn diện. Nhưng thành lập quân đội đầy đủ với mục đích gì, để bảo vệ đất nước và các đồng minh hoặc tấn công xâm lược dưới chiêu bài nào đó, điều này phần lớn phụ thuộc vào cách lãnh đạo Nhật Bản đánh giá quá khứ.

Linh Linh