Thu hồi xe quá "đát”: Khó thực hiện!

16:58 | 06/03/2017

1,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề thu hồi xe máy quá "đát" gặp khó khăn do chưa có quy định đăng kiểm với loại phương tiện này. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét đưa nội dụng vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hoặc Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

Chưa có quy định đăng kiểm

Như đã đưa tin, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng với Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 2/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định vấn đề ô nhiễm ở mức “báo động đỏ”. Nguyên nhân của vấn đề này liên quan đến khí thải của xe máy và ôtô.

Ông Nguyễn Đức Chung thông tin, hiện thành phố có khoảng 2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000. Sắp tới, Hà Nội sẽ cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ, nhằm đưa ra biện pháp thu hồi xe môtô, xe máy đã quá "đát".

thu hoi xe qua dat kho thuc hien
Xe quá "đát" lưu thông trên đường phố Hà Nội

Vấn đề thu hồi xe máy quá "đát” sau đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, việc thu hồi xe máy quá "đát” là đúng nhưng thu hồi bằng cách nào khi ở nước ta không có một quy chuẩn nhất định về các loại xe máy quá "đát”.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng việc thu hồi này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận người dân nghèo trong xã hội, nếu không có biện pháp phù hợp sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Ở góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng, việc thu hồi xe máy quá "đát” khó thực hiện do Việt Nam chưa có quy định nào về đăng kiểm cũng như niên hạn sử dụng của xe máy.

Luật sư Mai Đức Đông - Giám đốc Công ty Luật Tuệ Anh (Hà Nội) cho rằng, Quyết định số 16 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định môtô, xe máy, ôtô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, thu hồi, xử lý từ ngày 1/1/2018.

Trong quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định, tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện. Đồng thời, Bộ này có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý.

Tuy nhiên, do hệ thống luật pháp Việt Nam chưa có quy định nào về đăng kiểm cũng như niên hạn của môtô, xe máy nên rất khó có thể áp dụng được quyết định này.

Cần đưa vào luật

Đưa ra quan điểm về nội dung này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM dẫn giải: Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 cũng quy định, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng..

thu hoi xe qua dat kho thuc hien
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (ảnh Internet)

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, việc thu hồi xe môtô, xe gắn máy các loại đã cũ nát được người dân tự chế, lắp ráp lại để tiếp tục sử dụng là cần thiết. Lý do là gì việc sử dụng những loại xe này vừa không đảm bảo về an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện lẫn những người cùng tham gia giao thông. Trong nhiều trường hợp, xe quá "đát” cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vừa vi phạm pháp luật.

Phần lớn những xe gắn máy cũ đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về khí thải ra môi trường. Trong điều kiện đất nước có phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe máy như tại Việt Nam, điều đó sẽ khiến tình hình ô nhiễm không khí sẽ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

“Một trong những biện pháp mà Chính phủ đã đề ra để hạn chế lượng khí thải vượt ngưỡng là quy định kể từ ngày từ ngày 01/01/2017, các loại xe môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/09/2011 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Song song với đó, việc thu hồi, xử lý xe môtô, xe gắn máy các loại mà là sản phẩm thải bỏ (chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải bỏ sau quá trình sử dụng) được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018 theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ” - Luật sư Hậu nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng khẳng định, nếu thu hồi chỉ dựa vào Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg thì chưa đủ cơ sở pháp lý. Cần phải ghi nhận việc thu hồi các sản phẩm xe máy cũ, nát trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hoặc Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời có quy định cụ thể về cách thức xác định niên hạn sử dụng đối với xe máy để làm cơ sở áp dụng.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Nói về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thu hồi xe quá "đát", Luật sư Nguyễn Phúc Ban (Văn phòng Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này và quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ và vận chuyển sản phẩm thải bỏ; tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện.

Thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Công bố danh sách các điểm thu hồi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường theo quy định. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Về phía các địa phương, UBND cấp tỉnh cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo thẩm quyền.

Xuân Hinh - Dương Anh