Thơ Việt hôm nay...

17:45 | 10/03/2015

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã thành thông lệ, từ 12 năm qua, cứ mỗi dịp Rằm tháng Giêng là trên cả nước lại có tới hàng vạn người cùng hướng về Ngày Thơ Việt Nam - ngày hội của tình yêu thi ca, con người và cuộc sống.

Năng lượng Mới số 403

Năm nay, có tới hơn 100 điểm trên cả nước cùng tổ chức sự kiện Ngày thơ Việt Nam. Riêng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngoài hàng ngàn người Việt từ khắp nơi đổ về còn có tới hơn 150 nhà thơ, nhà văn và dịch giả đến từ 43 quốc gia, vùng và lãnh thổ. Trong lễ khai mạc, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi - Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập Salmawy đã phát biểu một câu làm xúc động: “Trên là trời, dưới là đất, ở giữa chỉ còn chúng ta và thi ca ở lại...”.

Đồng hành cùng lịch sử

Ngày thơ năm nay, chủ đề xuyên suốt các sân thơ là sự tôn vinh các sáng tác viết về tình yêu quê hương, đất nước với điểm nhấn quan trọng là biển đảo. Có thể nói, chủ đề “Hướng về biển đảo” năm nay tiếp tục là sự nối dài cảm hứng của chủ đề trong Ngày Thơ năm trước: Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa. Nhìn lại chặng đường 2 năm qua, có thể thấy, chưa bao giờ những vần thơ về biển đảo lại được ngân lên, đọc lên thiết tha và da diết đến thế. Hơn thế nữa, nó còn được âm nhạc chắp cánh để có thêm đời sống mới, đi vào hàng triệu trái tim người Việt. Những bài thơ về biển đảo hay nhất của Nguyễn Việt Chiến đều được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc. Đó là bài “Tổ quốc ở Trường Sa” (nhạc Phạm Tuyên) và “Tổ quốc nhìn từ biển” (nhạc Quỳnh Hợp). Một nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 8X cũng có những vần thơ biển đảo lay động lòng người là Nguyễn Phan Quế Mai với tác phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành một ca khúc thật ấn tượng, được một loạt các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi trình bày như Quang Thọ, Tạ Minh Tâm, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Huỳnh Lợi: Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...

Khách tham quan mua các tác phẩm thơ tại “Ngày thơ Việt Nam 2015”

Thi ca cần phải đồng hành cùng lịch sử dân tộc, đó là một sự thực hiển nhiên, một chân lý đã được khẳng định bằng nền thi ca của cả thế kỷ XX. Những bài thơ, khi ấy, có thể trở thành cuốn biên niên sử cho cả cộng đồng mà người tiên phong, đặt nền tảng cho tinh thần ấy trong suốt thế kỷ XX vừa qua không ai khác ngoài Tố Hữu. Những vần thơ biển đảo hôm nay có thể nói đã được nuôi dưỡng từ những hùng khí trong văn chương kim cổ, từ “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu (thế kỷ XIII) đến “Bạch Đằng hải khẩu” của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV). Không phải ngẫu nhiên mà trong cùng một thời điểm lịch sử, một loạt các cây bút trẻ như Phạm Nguyễn Toan, Trần Nhật Minh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên... cùng có nguồn cảm hứng dạt dào về biển đảo để viết nên những dòng thơ vô cùng xúc động, làm thổn thức bao tâm hồn: Con ơi/ Ba sẽ kể con nghe/ Câu chuyện những ngư dân/ Đang hóa thân thành hồng cầu/ để Trường Sa, Hoàng Sa / Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc. (“Những huyết cầu Tổ quốc” - Đinh Vũ Hoàng Nguyên), Con biết không mỗi trái tim đất Việt/ Đã đập cùng nhau/ Nhịp đập ngỡ quên rồi!/ Nhịp đau thương không có chân trời/ Khi cha khoác lên con/ Đỏ thắm một màu cờ/ Là khi thế hệ đã qua trao cho con nần nợ/ Cũng là lời cha nhắc con và mình nhớ/ Mỗi tấc đất, mảnh trời, thước biển thiêng liêng/ Nhắc muôn đời khắc tâm trí không quên… (“Thư cho con” - Trần Nhật Minh)

Khi cá nhân là một con đường

Nhưng ngoài những cảm hứng thời cuộc, cảm hứng lịch sử như một thái độ chính trị tất yếu cần phải bày tỏ, mỗi người cầm bút dường như còn phải chọn cho mình một con đường đi riêng khác nữa. Con đường ấy là cái tạng của mỗi thi sĩ, là những giá trị nhân bản khác mà thi ca muôn đời hướng tới như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu thiên nhiên muôn loài, những khát vọng chân thiện mỹ... Và những giá trị nội dung ấy lại tự tìm đến một hình thức phù hợp đối với mỗi nhà thơ. Có thể thấy, bức tranh thơ Việt hiện nay vô cùng đa dạng, nhiều sắc màu, mỗi thi sĩ đã và đang tự xác lập cho mình một con đường đi riêng. Số lượng người làm thơ theo thể tự do ngày càng tăng và dường như họ cũng đi theo một quan niệm khác xa truyền thống: Thơ ngày nay không nhất thiết phải để thuộc lòng. Những đổi mới hình thức tiếp tục được đẩy cao bởi ảnh hưởng của lối thơ hậu hiện đại theo dòng chảy thế giới. Đọc thử thơ của Trịnh Sơn, Từ Huy, Đỗ Thị Thoan, Khế Iêm... sẽ thấy được tinh thần đó.

Lễ Thả thơ tại “Ngày thơ Việt Nam 2015”

Nhiều nhà thơ khác chọn một lối đi dung hòa giữa cổ và kim, giữa truyền thống và hiện đại, chẳng hạn Nguyễn Quang Hưng, Trương Xuân Thiên, Nguyễn Đăng Khoa... Thơ họ vẫn chú trọng nhiều tới hòa phối vần nhịp, hài thanh cùng sự kiến tạo âm hưởng. Bên cạnh những bài thơ theo lối tự do với dung lượng khá lớn, vẫn có những bài thơ nhỏ nhắn, số lượng câu chữ theo dòng và theo khổ ổn định, tạo nên một cảm xúc quen thuộc với những độc giả đã từng gắn bó với nền thơ chính thống của thế kỷ XX. Chẳng hạn với Nguyễn Quang Hưng và tập thơ mới nhất của anh có tên “Lòng ta chùa chiền”, bên cạnh nhiều bài thơ tự do, những bài thơ mang cảm hứng phản biện với các đề tài xã hội, tôi bắt gặp một “Đâu đó Hà Hồi”: Hà Hồi năm cửa đình/ Sớm nắng mờ mở như thiên giới/ Lời từ đâu từ đâu sấm truyền/ Nhẹ dâng dâng trong lời chào hỏi/ Hà Hồi một bông hồng đầy gai/ Nở thanh thản đầu vườn nhà cũ/Bụi bay bay quầy tạp hóa/ Một người mẹ lúc nào cũng chờ.

Hay như  Trương Xuân Thiên, sau khi trải lòng với hai tập thơ theo hình tự do là Tư duy S và Homo sapiens - Người tinh khôn, anh đang quay về với truyền thống bằng một tập thơ hoàn toàn lục bát - “Áo hồ ly” - nhưng theo một cảm hứng và bút pháp dị biệt: Một tư duy thơ siêu thực và huyền ảo: Hồ ly đan áo cho chồng/ Mỗi đêm đan một mặn nồng lên môi/ Thanh tân biếc biếc đâm chồi/ Lụa là buốt buốt núi đồi linh linh hay Mỗi đêm thắp một địa đàng/ Mình ta tiễn ngọn nến vàng vu quy/ Đất trời đến buổi từ bi/ Khóm hồng tỷ muội nhu mì tỏa hương.

Nguyễn Đăng Khoa bên cạnh những hình thức đã có còn cố gắng tạo ra những hình thức mới nhưng trên nền tảng vẫn giữ sự hòa phối vần và âm điệu, để những câu thơ, bài thơ dễ thấm vào lòng người cũng như thấm vào trí nhớ: Đi ra phố theo vùng lá đổ/ Mới nhớ mình vắng như con đường/ Em trôi qua mắt như mây trắng/ Tôi gọi em bằng một mù sương.

Nhìn lại thơ trẻ hai năm vừa qua, không thể không nhắc tới hai hiện tượng trong ngành xuất bản là Nguyễn Phong Việt và Nồng Nàn Phố. Tập thơ đầu của Nguyễn Phong Việt - “Đi qua thương nhớ” đã lập một kỷ lục về xuất bản thơ ở Việt Nam với 30.000 bản bán hết ở lần phát hành đầu tiên (2012) và phải tái bản thêm 5.000 cuốn nữa vào tháng 12-2013. Tập thứ hai của Nguyễn Phong Việt có tên “Từ yêu đến thương” cũng lập một kỷ lục thú vị khác khi phải tái bản trong lúc bản chính còn chưa xuất hiện. Tổng số bản in và phát hành tập này cũng lên tới con số 20.000.

Còn với “Nồng Nàn Phố, sau tập thơ thứ nhất gây xôn xao dư luận bằng cái tên quá “độc”: “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng”, tập thơ thứ hai “Yêu lần nào cũng đau” gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả khi toàn thể hai khán phòng tại Sài Gòn và Hà Nội trong các buổi giới thiệu sách đều chật cứng không còn chỗ ngồi. Và số lượng sách được tiêu thụ trong 1 ngày tại 1 địa điểm lên tới con số 1.000 bản.

Thành công của Nguyễn Phong Việt và Nồng Nàn Phố, ngoài vai trò của PR và truyền thông còn phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của Internet và các mạng xã hội như facebook, blog cá nhân. Như vậy, với việc viết thơ hiện nay, con đường song hành cả mạng xã hội và bản in trên giấy có lẽ là một sự lựa chọn tốt để công chúng biết đến tác phẩm và tác giả một cách nhanh chóng nhất. Độ “phủ sóng” của mỗi tác phẩm vì thế cũng có cơ hội lan xa, lan rộng nhất.

Đỗ Anh Vũ

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.