Thí mạng cho nghề lặn bắt hải sản ở Cô Tô (Kỳ 1)

11:26 | 11/08/2013

1,214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghề lặn đánh bắt cá, bào ngư, ngọc trai đưới đáy biển vốn rất nguy hiểm, đã có không ít người phải bỏ mạng, may mắn ai thoát khỏi cửa tử thì cũng phải mang trên mình thương tật. Ấy vậy mà hơn 20 năm nay ở biển đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) dường như cái nghề lặn vẫn đang “thịnh hành” hơn hết. Có lẽ vì cuộc sống, những ngư dân nơi đây hằng ngày vẫn “nhắm mắt đưa chân”, đặt cược mạng sống của mình với biển để đổi lấy miếng cơm manh áo.

Nghề nguy hiểm

Mới nghe qua, chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng nghề lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai và cá dưới biển sẽ chẳng có gì là nguy hiểm. Thế nhưng có thâm nhập, tìm hiểu về những người hiện đang làm nghề này ở huyện đảo Cô Tô mới thật sự thấy được hiểm nguy và sự khốc liệt của nó. Nghề lặn biển vào những năm 90 của thế kỷ trước ở Cô Tô nở rộ. Hồi đó, tàu đánh bắt hải sản của các thương lái người Trung Quốc xuất hiện thì cũng là lúc ngư dân đảo Cô Tô có nghề đi lặn thuê. Những ông chủ tàu đầu tư tàu thuyền lớn để phục vụ cho việc lặn bắt bào ngư, ngọc trai. Họ trang bị máy móc, dụng cụ để phục vụ cho việc lặn đánh bắt hải sản ở khơi xa dưới tận đáy biển.

Anh Cao Văn Tài, một thợ lặn ở xã Thanh Lân (một đảo nhỏ thuộc huyện đảo Cô Tô) kể cho chúng tôi nghe về nghề lặn biển đánh bắt hải sản này. Tài sinh năm 1972, quê ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định), ra đảo Tô Cô lập nghiệp từ năm 1992, khi đó anh tròn 20 tuổi.

Một thợ lặn bào ngư ở đảo Thanh Lân

Được biết, nghề lặn bắt bào ngư, ngọc trai đem lại giá trị cao nên những người như Cao Văn Tài cùng với một số anh em khác bỏ nghề đánh bắt tôm cá để đi lặn thuê cho tàu thương lái. Thời điểm đó, tính ra, mỗi ngày một thợ lặn ở đây cũng kiếm được khoảng 200.000 - 300.000đồng. Vì lợi nhuận khá cao nên thợ lặn rất “ham”. Mỗi cân bào ngư ngày đó có giá từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng. Còn ngọc trai giá từ 1 triệu  đến 2 triệu đồng tùy vào từng con và số lượng hạt. Riêng cá ngừ từ 200.000 - 250.000đồng/kg. Thợ lặn thuê cho chủ tàu sẽ được hưởng 35-40% số tiền bán hải sản sau một chuyến lặn. Người trên thuyền đảm nhận công việc như nấu ăn, điều chỉnh ống hơi, máy bơm hơi, kéo hải sản lên bờ sẽ được hưởng 10%. Số lợi nhuận còn lại về tay chủ tàu.

Anh Tài cho hay, thợ lặn không chỉ lặn giỏi mà còn phải có kinh nghiệm lâu năm trong việc đánh bắt, đi biển. Bởi những loại hải sản như bào ngư, ngọc trai, cá ngừ thường cư trú ở vùng biển tương đối sâu 30-40m, có nhiều san hô và các hang động. Điểm đến đánh bắt hải sản là vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ, vùng biển Vạn Cát… vì ở đây có rất nhiều bào ngư, ngọc trai và các loại cá quý hiếm.

Làm việc ở dưới đáy biển sâu, không điều gì nói trước được, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào nên những người thợ lặn luôn biết rằng, làm cái nghề này như đánh bạc, sống chết lúc nào không hay. Theo nghề lặn là cả gan “đánh cược” mạng sống của mình, cứ nghĩ đến  bào ngư, ngọc trai luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với Tài và nhiều thợ lặn khác.

Nghề lặn biển đã khiến anh Lâm bị liệt người, mất trí nhớ

Cao Văn Tài còn nhớ như in, đó là vào năm 1996, trong một chuyến đi lặn Tài đã gặp nạn. Hôm đó vào khoảng 2 giờ sáng, Tài vừa xong một ca lặn và bắt được một ít bào ngư và cá thu, vì quá mệt nên anh ngoi lên thuyền để nghỉ. Ngồi trên thành tàu rít điếu thuốc, buồn ngủ anh thiếp đi lúc nào không hay. Tàu chạy khiến anh rơi xuống biển cả lái tàu và những nhân viên trên tàu không hề hay biết.

“Tàu vẫn di chuyển, tôi mệt lả người, ngả lưng vào mạn tàu và thiếp đi lúc nào không hay thì bất ngờ rơi tõm xuống biển. Bừng tỉnh! Lúc đó có gọi cũng không ai nghe được bởi sóng biển, tiếng máy nổ của tàu. Lạy chúa cứu con! Tôi dùng hết sức lực của mình để cố nhoài người vượt sóng, giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước để chờ vận may có tàu thuyền đi qua thì kêu cứu. Gần một giờ trôi qua trong vô vọng, nghĩ mình sẽ chết ở giữa biển khơi thôi. May mắn làm sao khi nhân viên trên tàu đi tìm không thấy không thấy tôi đâu. Họ bảo với lái tàu rằng, rõ ràng nhìn thấy tôi nằm ngả lưng ở mạn tàu mà sao giờ không thấy, nên lái tàu vội vàng cho tàu quay trở lại và tìm được tôi - Thật hú vía!”. Anh Tài bần thần kể lại.

Để làm được thợ lặn đánh bắt bào ngư, ngọc trai thì người đó nhất thiết phải lặn giỏi, có sức khỏe. Trước khi xuống nước, thợ lặn sẽ được mặc áo quần lặn, đeo vào người một chuỗi dây chì có trọng lượng chừng 17-20kg. Họ phải đeo chì như vậy mục đích là giúp cho việc lặn xuống độ sâu được dễ dàng hơn. Bởi nước biển vốn có nồng độ mặn cao nên áp suất rất lớn, càng lặn xuống sâu thì áp suất lớn hơn. Thợ lặn đeo kính và ngậm vòi hơi. Vòi hơi nối với máy nạp hơi đặt ở trên tàu, hơi sẽ được nạp liên tục vào ống hơi. Người thợ lặn sau khi xuống biển sẽ ngậm chiếc vòi hơi vào miệng nhằm duy trì thở.

Mọi sự kết nối của thợ lặn ở dưới đáy biển với người trên thuyền sẽ “liên lạc” với người trên thuyền bằng những ký hiệu qua sợi dây. Khi thu bắt được nhiều cá, ngọc trai hay bào ngư thì họ ra ký hiệu bằng cách kéo giật giật dây để người trên tàu biết kéo sản phẩm vừa đánh bắt được lên thuyền. Hay ở trên tàu có xảy ra sự cố nguy hiểm, gặp bão lớn, mưa giông thì người trên tàu có nhiệm vụ kéo hoặc ra ký hiệu để những thợ lặn biết được mà lên tàu.

Nguyễn Văn Chung kể lại câu chuyện mình gặp nạn

Môi trường lao động khắc nghiệt đã khiến không ít thợ lặn phải gánh chịu hậu quả. Với anh Cao Văn Tài, sau lần tai nạn, Tài bị điếc tai và anh nghỉ luôn nghề. Trong câu chuyện, anh Tài nhắc đến “sát thủ” thợ lặn Lê Văn Lâm. Anh Lâm từng một thời nổi tiếng ở đảo Cô Tô về tài lặn bắt bào ngư, ngọc trai và cá.

Gương mặt đờ đẫn, Lâm kể về đời lặn biển của anh nhưng câu được câu mất. Gia đình anh có 8 anh em trai thì 6 người theo nghề thợ lặn bào ngư, ngọc trai. Trong một chuyến đi lặn bào ngư vào tháng 2-2002 tại đảo Bạch Long Vĩ, anh gặp nạn. Tối hôm đó, khi anh vừa dưới nước lên, ngồi nghỉ một lúc thì cảm giác ở đôi bàn chân khác lạ, tê tê, sau đó lan dần lên hai đùi, rồi vùng bụng và thân. Một lát sau, anh ngất lịm đi, toàn bộ cơ thể mềm nhũn như bún. Anh được đưa vào Bệnh viện Y học Hải quân ở Hải Phòng cứu chữa. May mắn Lâm sống lại nhưng hậu quả là anh bị liệt não, bị tê liệt thần kinh. Anh Lâm bị liệt nửa người và giảm trí nhớ. 

Không chỉ có anh Tài, anh Lâm, một số thợ lặn khác như anh Diễm, anh Lân ở xã Thanh Lân, anh Đượm ở huyện Cô Tô bị liệt vĩnh viễn toàn thân, còn những người bị liệt chân và tay thì đếm không xuể.

Sống sót kỳ diệu của một thợ lặn

Người sống sót kỳ diệu là anh Nguyễn Văn Chung ở thôn 1, xã Thanh Lân. Chung là “tấm gương” để những thợ lặn trên đảo Cô Tô hôm nay “soi” vào. Ý định tìm đến nhà gặp Chung, vừa đi được nửa đường thì tôi thấy một thanh niên đang lê đôi chân khó nhọc, như đứa trẻ mới học đi. Anh đi bằng mũi bàn chân, đôi cánh tay và toàn thân giật giật, run lẩy bẩy. Mỗi lần cố bước đi thì người anh phải cố giật để “lấy đà”, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, phát ra những âm thanh kêu ken két.

Thấy chúng tôi dừng lại để hỏi đường, người thanh niên này bất thần khự lại khi nghe hỏi đúng tên và địa chỉ của mình. Khó khăn lắm anh mới ngoái đầu nhìn lại được phía sau rồi nói the thé trong cổ họng: “Ai đấy, các anh tìm Chung nào?”. Bọn em tìm anh Chung trước đây theo nghề lặn biển nhưng giờ không may bị liệt. Ánh mắt anh sáng rực lên: “Tôi là Chung đây, các anh tìm tôi có việc gì thế?”. Hình như lâu lắm rồi chẳng có người lạ nào tìm anh.

Sinh năm 1978, quê anh ở Hải Hậu (Nam Định). Chung là con thứ 3, nhà có 7 anh chị em. Ngày ấy, ở cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, thân hình vạm vỡ, nước da đen sạm vì mùi mặn chát của muối “pha” với gió biển khiến anh trưởng thành hơn so với tuổi. Chung tham gia vào đội thợ lặn thuê bắt bào ngư, ngọc trai, cá thu, cá mó… cho tàu của người Trung Quốc.

Sau tai nạn biển, anh Nguyễn Văn Quảng chuyển sang nghề chế biến sứa

Chung cho biết, một tàu lặn thường có 4-7 người và đi đến các vùng biển sâu để tìm bào ngư, có chuyến tàu lênh đênh trên biển nửa tháng rồi mới quay vào đất liền. Mọi sinh hoạt đều tập trung trên tàu.

Từng chứng kiến nhiều thợ lặn bị tai nạn dưới biển, hậu quả để lại là thương tật, rồi cả những cái chết thương tâm từ nghề lặn biển. Biết nguy hiểm là vậy, nhưng nếu bỏ nghề thì làm gì để sống. Vì gánh nặng miếng cơm manh áo hằng ngày của gia đình, nghĩ thế nên Chung vẫn cùng hai người anh của mình tiếp tục theo nghề lặn. Và rồi… ngày định mệnh đã đến với Chung.  

Vào khoảng giữa tháng 5-2000, sau một trận ốm do bị cảm cúm nhiều ngày, dù chưa bình phục hẳn nhưng Chung vẫn theo tàu ra khơi. Tàu chở đoàn thợ lặn đến Đảo Bạch Long Vĩ thì gần đến trưa, Chung cùng với anh em thợ lặn ăn bữa cơm trưa để bắt đầu cho buổi lặn. Khi đã chuẩn bị xong các dụng cụ đồ nghề, Chung nhảy ùm xuống biển ở độ sâu khoảng 35m. Nhưng vừa đặt chân chạm đến đáy biển thì Chung cảm thấy tức ngực, khó thở. Nhanh trí, anh túm lấy sợi dây dù dùng để “liên lạc” với những người trên tàu và giật giật liên tục rồi bám vào đấy để mọi người kéo lên. Khi Chung vừa được kéo lên khỏi mặt nước thì anh ngất đi.

Tàu phải đưa anh về đất liền, lúc này Chung đã hôn mê. Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Chung) cho biết, khi tàu vừa cập bờ thì ngay lập tức gia đình thuê tàu đưa Chung đi vào cảng Vân Đồn rồi mới thuê được xe ôtô chở anh lên Bệnh viện Y học Hải quân ở Hải Phòng để cấp cứu. Đây là bệnh viện chuyên chữa trị cho những người bị đuối nước, ngạt nước hoặc những người đi biển gặp nạn, đặc biệt là những người theo nghề lặn biển đánh bắt hải sản gặp tai nạn. Mọi người nghĩ, chắc Chung sẽ không qua khỏi bởi đi từ đảo Cô Tô vào đến Hải Phòng đã mất một ngày một đêm. Nếu may mắn sống lại, anh phải chịu tàn tật vĩnh viễn vì thực tế cho thấy những thợ lặn đánh bắt hải sản dưới đáy biển, nếu bị nạn đã quá 24 giờ đồng hồ mà không cứu chữa kịp thời sẽ để lại di chứng.

Chung nằm bất động, cơ thể yếu ớt, da xanh và nhợt nhạt. Tại đây, các bác sĩ tận tình cứu chữa, đưa Chung vào bể giảm áp, châm cứu nhưng tình hình không khả quan. Bốn ngày trôi qua Chung vẫn chưa tỉnh lại, thần kinh vẫn còn hoạt động. Các bác sĩ khẳng định Chung chưa tử vong. Một tuần, rồi hai tuần… Chung vẫn nằm im như khúc gỗ. Với hy vọng còn nước còn tát, những phương pháp chữa trị tối ưu vẫn được áp dụng. Đến ngày thứ 20, Chung bất ngờ tỉnh lại. Người nhà òa khóc khi biết tin anh từ cõi chết trở về dù biết sau này anh sẽ bị tàn tật và mất khả năng lao động vĩnh viễn.

Nhà nghèo không có tiền, Bà Loan phải chạy vạy, vay mượn anh em, bà con làng xóm mỗi người một ít để lo thuốc thang cho con. Thời gian Chung nằm viện gần 1 năm cũng mất ngót ngét 50 triệu đồng (vào năm 2000). Xuất viện, Chung nằm một chỗ, anh không tự  đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bàn tay người mẹ và anh chị em trong nhà thay phiên nhau chăm sóc.

Cho đến nay, đã hơn 10 năm anh vẫn bị liệt chân, tay và một bên người. Gia đình đưa Chung đi chữa trị ở một số bệnh viện Trung ương nhưng bệnh không thuyên giảm. Về nhà, Chung suốt ngày nằm trên giường. Cố tập đi mãi, anh cũng chỉ bước được độ hơn chục mét nhưng phải chống nạng, phải có người đi bên cạnh để canh chừng. Mỗi bước đi, anh có cảm giác như có ai đó đang lấy từng chiếc kim chọc vào tận xương tủy. Toàn thân đau buốt, dọc các cơ xương như có hàng nghìn con kiến đang thay nhau cắn, đốt để hút máu. Đã không ít lần, anh tự mình đi được vài bước chân, khi vướng phải sợi cây dây leo bên vệ đường hay dẫm phải hòn đá nhỏ là ngã đùng ra. Hai đầu gối, cánh tay và mặt mày trầy xước. Khuôn mặt ủ rũ, Chung nói với giọng đượm buồn: “Em may mắn sống sót nhưng cứ sống như thế này thà chết đi cho xong. Sống chỉ làm khổ thêm cho bố mẹ”.

Cứ mỗi buổi chiều, người dân thôn 1 xã Thanh Lân lại thấy một chàng thanh niên theo sau một đứa cháu dẫn đường để “tập đi”. Mỗi bữa cơm, người mẹ già xúc từng thìa cơm đút cho đứa con trai năm nay đã 35 tuổi. Nhẽ ra, ở cái tuổi này, Chung đã có một gia đình, có vợ và con quây quần. Vậy mà…đời thợ lặn đã cướp đi tương lai và cuộc sống bình dị của anh. Bà Loan ngậm ngùi “số tiền đi vay để chữa bệnh cho em nó đến bây giờ vẫn chưa trả hết. Hai vợ chồng già, lại mắc phải căn bệnh cao huyết áp nên không đi biển được, chẳng biết làm nghề gì để có tiền sinh sống nên phải “ăn bám” vào các con. Tôi chỉ sợ đến lúc nhắm mắt thì không có ai chăm sóc cho thằng Chung bởi anh chị em cũng còn phải lo cho gia đình của chúng nó nữa”.

Chiều muộn, mặt trời sắp khuất sau những núi đảo, Chung lặng lẽ lê từng bước tìm ra bờ biển, anh đưa ánh mắt xa xăm nhìn những đoàn tàu chuẩn bị ra khơi. Trên tàu, những thanh niên mới lớn đang theo nghề lặn mà trước đây anh từng làm.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Hà Văn Long