Thi hoa hậu vẫn… bất cập!

07:00 | 28/05/2014

1,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không biết có phải là dính “dớp” mà khá nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam đều có scandal. Mà scandal không phải từ trên trời rơi xuống, đều do khâu quản lý đầu vào còn nhiều bất cập, khiến dư luận lại được chứng kiến những chuyện khó ngờ về người đẹp Việt.

Năng lượng Mới số 325

1. Năm 2007, cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam đã diễn rất thành công, nhưng sau đó lại xảy ra sự việc đáng tiếc khi Á hậu 1 Trương Thị May bị phát hiện chưa có bằng tốt nghiệp. Sự việc được che giấu cho đến tận năm 2014, khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cử cô đi thi Hoa hậu Hoàn vũ và yêu cầu Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Quốc tế (CIAT) xác nhận danh hiệu. Khi đó, sự thật người đẹp không có bằng tốt nghiệp THPT mới bị lộ ra. Tuy nhiên, công ty cũng chỉ bị Cục NTBD phê bình vì đã không báo cáo khi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trương Thị May vẫn được biết đến với danh hiệu Á hậu 1 Hoa hậu Dân tộc và vừa trở về từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013.

2. Năm 2010, cuộc thi sắc đẹp lớn và uy tín nhất Việt Nam dính lùm xùm vì người đẹp Trần Thị Thùy Dung đăng quang hoa hậu nhưng chưa tốt nghiệp THPT. Khi dư luận xôn xao, báo chí vào cuộc và về tận trường của hoa hậu gặp thầy cô xác minh. Công chúng đòi tước vương miện của hoa hậu. Nhiều ý kiến cho rằng, một hoa hậu đại diện cho sắc đẹp và trí tuệ mà lại chưa học xong THPT thật không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sau đó sự việc cũng lắng xuống, vương miện vẫn còn nguyên trên đầu hoa hậu. Bởi trả lời báo chí, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 Dương Xuân Nam đã quanh co rằng, Thùy Dung không vi phạm quy chế. Thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 chỉ yêu cầu thí sinh “có trình độ học vấn THPT” trở lên chứ không yêu cầu “có trình độ tốt nghiệp THPT”. Thật hết biết!

3. Năm 2013, cuộc thi Nữ hoàng biển đã bị Cục NTBD rút giấy phép vì những sai phạm trong khâu tổ chức. Cụ thể, đó là những vi phạm trong tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi không đúng quy định của pháp luật: ở đây có 114 thí sinh tham gia vòng sơ khảo nhưng chỉ có 59 thí sinh có hồ sơ đăng ký dự thi, trong số 59 thí sinh nộp hồ sơ có 23 trường hợp thiếu thành phần hồ sơ; tiếp đó, trong 40 thí sinh được chọn vào vòng thi tiếp theo có 4 thí sinh không có hồ sơ đăng ký; 8 thí sinh nộp đơn đăng ký mà không có hồ sơ kèm theo; một thí sinh viết đơn đăng ký nhưng không ký tên và không có hồ sơ; không cung cấp được phiếu chấm điểm thí sinh và bảng tổng điểm của các thí sinh được lựa chọn vào vòng tiếp theo; tổ chức thi sơ tuyển tại 3 khu vực nhưng không thành lập ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi của ban giám khảo…

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Công ty Rồng Việt đã thắng kiện Cục NTBD vì lý do Cục không cho ban tổ chức có cơ hội sửa sai, việc rút giấy phép cấp tốc hủy bỏ cả một cuộc thi được đầu tư quy mô khi đó gây tổn hại về tinh thần cho thí sinh và thiệt hại vật chất cho nhà tài trợ, ban tổ chức. Nhưng dù bên nào có thắng kiện và lý do là gì thì thời điểm ấy những sai phạm của ban tổ chức cuộc thi là không thể chối cãi.

4. Những ngày đầu năm 2014, scandal lừa dối của Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương bị phanh phui khi chồng cô đệ đơn ly hôn ra tòa. Đây cũng có thể được coi là scandal đình đám nhất trong lịch sử các cuộc thi hoa hậu và trong khâu quản lý thí sinh của các ban, ngành chức năng, tổ chức. Tuy thời điểm giành vương miện, Diễm Hương chưa lấy chồng, nhưng ngặt nỗi là người đẹp vẫn tự tin đại diện cho Việt Nam đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 khi đã lấy chồng. Và đến đầu năm nay, khi người chồng đệ đơn ly dị ra tòa thì dư luận và cơ quản quản lý mới té ngửa. Bởi nó không chỉ còn ở phạm vi trong nước mà đây là đại diện Việt Nam đi thi quốc tế. Nhiều người gọi màn lừa dối này mang tính xuyên quốc gia! Thế nhưng để răn đe hoa hậu trong khi dư luận sục sôi đòi tước vương miện của người đẹp thì các cơ quan chức năng quản lý lại lúng túng như gà mắc tóc.

5. Thời gian gần đây, việc hoa hậu Triệu Thị Hà xin trả lại Vương miện Hoa hậu Dân tộc từ năm 2011 đang gây xôn xao dư luận. Với lý do sức khỏe không tốt, người đẹp Cao Bằng muốn dừng lại để không làm ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của cuộc thi. Tuy nhiên, lại có ý kiến khác cho rằng, cô trả vương miện vì bị ban tổ chức “hành xác”, thậm chí mới đây trả lời phỏng vấn báo chí, cô cho biết mình cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì hay bị gọi đi tiếp khách giữa đêm. Việc này đúng sai, thật giả thế nào còn chưa khẳng định được chính xác.

Nhưng lại phải nói đến khâu quản lý thí sinh của cuộc thi. Thường thì khi bắt đầu tham gia cuộc thi, các người đẹp đều phải ký rất nhiều giấy tờ cam kết, đảm bảo giữ hình ảnh của chính mình cũng như của ban tổ chức, nhà tài trợ và cả cuộc thi. Tuy nhiên, theo một số thông tin thì Triệu Thị Hà vô kỷ luật khi liên tiếp bỏ sự kiện và các show quảng cáo của nhà tài trợ. Sự việc này không chỉ diễn ra một lần, thậm chí ban tổ chức gọi điện, Hà đều không bắt máy. Và sau những sai phạm, cô cũng đã viết tường trình nhận lỗi và hứa “sẽ không để chuyện này xảy ra nữa”. Dù liên tiếp mắc lỗi như vậy nhưng ban tổ chức cũng rất khó để “xử lý” Triệu Thị Hà. Bởi cam kết giữa công ty và thí sinh chỉ là cam kết mang tính dân sự, không có ý nghĩa trong việc xử lý thí sinh. Còn trong quy chế của Bộ thì chưa hề có quy chế về việc quản lý thí sinh.

Có thể thấy, với không ít những bất cập, những kẽ hở lỏng lẻo trong quản lý mà vẫn chưa có điều luật bổ sung, sửa đổi, thì không ai dám chắc sẽ không có thêm vi phạm của các người đẹp, hoa hậu. Và thậm chí, họ sẵn sàng “tráo trở” tố ngược lại ban tổ chức… vì tham vọng của chính mình.

Hoa hậu, những người đại diện vẻ đẹp cho đất nước, con người Việt Nam, lẽ ra phải là người tài đức vẹn toàn. Thế nhưng, khi mà không ít các hoa hậu mang tâm thế muốn trở thành “bà hoàng” khi đến với cuộc thi, thì vô tình đã bóp méo vương miện. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần phải siết chặt các quy chế, quy định trong các cuộc thi hoa hậu, nếu không hoa hậu việt sẽ chỉ là những người có sắc không hương.

Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (Nghị định 79/2012/NĐ-CP) và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/1/2013 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP cũng không có bất kỳ quy định, hướng dẫn cụ thể nào về trình tự, thủ tục tước danh hiệu của thí sinh đã đoạt giải tại một cuộc thi người đẹp.

Trong khi đó, quy chế tổ chức thi hoa hậu người mẫu kèm theo Quyết định 87 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có hiệu lực từ ngày 15/1/2009 quy định “Thí sinh đoạt danh hiệu tại các cuộc thi, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị tước danh hiệu” đã bị bãi bỏ theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 30 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP.


Thanh Huyền