Thêm hai Luật được Quốc hội thông qua

18:20 | 25/11/2013

693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm nay (25/11), với đa số tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội khóa XIII đã lần lượt thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (sửa đổi) và Luật Tiếp công dân (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định về nội dung, giải pháp và trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong tình hình thiên tai như hiện nay. Các đại biểu cũng đồng tình cần thiết phải sửa luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay tác động mạnh đến đời sống dân cư.

Nhiều đại biểu thừa nhận việc đánh giá một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế, còn chồng chéo với các quy định của pháp luật khác.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, do đó đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Bên cạnh đó, một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về bảo vệ môi trường mới được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 24, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm cập nhật, bổ sung.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các Luật

Trong khi đó, với 9 Chương 36 Điều, Luật Tiếp công dân (sửa đổi) đã quy định đầy đủ hơn những nguyên tắc tiếp công dân gồm công khai, dân chủ, kịp thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua 3 quy định quan trọng trong dự thảo trước khi thông qua toàn văn, đó là các điều khoản về Trụ sở tiếp công dân, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tiếp công dân và tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội

Luật cũng nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng tản mát của hệ thống các văn bản quy phạm về vấn đề tiếp dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân còn chưa thống nhất ở các hệ thống cơ quan khác nhau. Đồng thời, tạo nhận thức đầy đủ ý‎ nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Lê Tùng