Thế giới đêm qua - 25/11

06:58 | 26/11/2018

668 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga xác nhận không kích phiến quân đứng sau vụ tấn công tại Aleppo. 27 nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua thỏa thuận Brexit. Nga chặn tàu hải quân Ukraine tiến vào Biển Azov qua Eo biển Kerch.   
the gioi dem qua 2511Tin nóng thế giới hôm nay - 25/11
the gioi dem qua 2511Thế giới đêm qua - 24/11
the gioi dem qua 2511Tin nóng thế giới hôm nay - 24/11
the gioi dem qua 2511
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Nga xác nhận không kích phiến quân đứng sau vụ tấn công tại Aleppo

Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/11 tuyên bố các máy bay chiến đấu nước này đã tiến hành không kích nhóm phiến quân đứng sau vụ nã pháo chứa khí clo tại thành phố Aleppo, Syria. Các hãng thông tấn Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy toàn bộ mục tiêu và Nga đã báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công này thông qua đường dây nóng.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Konstantin Potyomkin thông tin trước báo chí rằng các phần tử thuộc nhóm khủng bố Tahrir Al-Sham (tiền thân là Mặt trận al-Nusra) đã sử dụng những loại đạn pháo cỡ 120mm bên trong có chứa chất độc để nã vào thành phố Aleppo của Syria, gây nhiễm độc cho 46 người, trong đó có 8 trẻ em trong vụ tấn công. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA đưa tin 107 người đã bị thương.

2. 27 nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua thỏa thuận Brexit

Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/11 đã thông qua những điều khoản của thỏa thuận Brexit lịch sử với Anh tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels. Thỏa luận gồm hai văn kiện chính, gồm một tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit và một bản thỏa thuận rút khỏi EU dài 585 trang. Thỏa thuận rút khỏi EU là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý; trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề quyền công dân, và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc.

3. Nga chặn tàu hải quân Ukraine tiến vào Biển Azov qua Eo biển Kerch

Reuters và Sputniknews đưa tin, ngày 25/11 Moskva đã chặn 3 tàu hải quân của Ukraine tiến vào Biển Azov thông qua Eo biển Kerch bằng cách bố trí một tàu chở hàng lớn bên dưới một cây cầu do Nga kiểm soát. Chiến thuật của Nga đã chặn hoàn toàn cây cầu nối Biển Đen và Biển Azov này, trong khi các máy bay trực thăng quân sự của Nga bay lượn phía bên trên. Tổng giám đốc công ty Cảng biển Crimea Alexei Volkov xác nhận rằng Eo biển Kerch đã bị đóng không cho tàu dân sự đi qua sau khi 3 tàu hải quân của Ukraine xâm phạm biên giới Nga. Trước đó cùng ngày, Nga và Ukraine đã buộc tội lẫn nhau vi phạm luật pháp quốc tế sau khi lực lượng biên phòng Nga cố ngăn tàu của Ukraine đi vòng qua Crimea để tới một cảng biển của Ukraine.

4. Hàn Quốc sắp triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn mới

Các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc ngày 25/11 cho biết nước này trong năm 2019 sẽ triển khai hệ thống vũ khí mới phát triển, trong đó có tên lửa đánh chặn dùng cho tàu chiến. Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) đã hoàn tất việc phát triển tên lửa dẫn đường mang tên Haegung, được thiết kế nhằm đánh chặn tên lửa hoặc bắn hạ máy bay đối địch. Tên lửa này sẽ được phóng từ bệ phóng thẳng đứng với hệ thống radar có thể phát hiện đồng thời vài mục tiêu.

Theo một quan chức thuộc ADD, trong cuộc thử nghiệm đánh giá, 9 trong số 10 tên lửa dẫn đường đã nhắm chính xác các mục tiêu. Việc phát triển hệ thống Haegung này đã bắt đầu vào năm 2011 và sẽ được triển khai trên các tàu khu trục nhỏ và tàu đổ bộ của lực lượng Hải quân Hàn Quốc.

5. Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc về nghị quyết nhân quyền của LHQ

Yonhap đưa tin, Meari, trang web tuyên truyền của Triều Tiên, ngày 25/11 đã chỉ trích Hàn Quốc cùng thông qua một nghị quyết về nhân quyền mới của Liên hợp quốc chống lại chính quyền Bình Nhưỡng, cho rằng điều này đi ngược lại quá trình cải thiện quan hệ liên Triều.

Meari nêu rõ: "Bất chấp những cảnh báo liên tiếp, Hàn Quốc đã tham gia nghị quyết về nhân quyền do Liên hợp quốc dẫn đầu chống lại chúng ta". Trang mạng này cho biết việc Seoul tham gia nghị quyết nhân quyền của Liên hợp quốc không thể được biện minh trong mọi trường hợp khi mà đây là một phần trong chính sách của Mỹ gây sức ép đối với Triều Tiên.

Trước đó, ngày 15/11, Ủy ban về nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Triều Tiên có trách nhiệm giải trình cho sự vi phạm nhân quyền rõ ràng tại nước này. Chính phủ Hàn Quốc đã tham gia thông qua nghị quyết trên, phù hợp với chính sách hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm "cải thiện thực sự" tình hình nhân quyền cho người dân Triều Tiên.

Lâm Anh (t/h)