THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc lấy Đài Loan làm bia tập bắn

06:00 | 10/08/2015

1,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc đã xây dựng mô hình rất giống dinh Tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc để luyện tập chiến đấu trong suốt hai năm qua.
THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc lấy Đài Loan làm bia tập bắn
Quân đội Trung Quốc trong một lần tập trận đổ bộ lên một hòn đảo giống Đài Loan

Tạp chí The Diplomat, ngày 9/8, cho biết, đài truyền hình Trung Quốc CCTV, ngày 5/7 vừa qua, đã phát một phóng sự về các hoạt động luyện tập của quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hà.

Sự kiện này chỉ được mọi người chú ý đến, khi ngày 22/7, trang web Người Quan sát, có trụ sở tại Thượng Hải, cũng như nhật báo Quả Táo, một chi nhánh của hãng tin Đài Loan CNA và một số phương tiện truyền thông khác đưa lại thông tin.

Thậm chí một số hình ảnh rõ nét hơn về cuộc luyện tập tấn công còn được đăng trên các website của quân đội Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị rút xuống.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan đánh giá cuộc luyện tập này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả rằng đây là các luyện tập bình thường và không có mục tiêu đặc biệt gì.

Theo nhận định của tạp chí The Diplomat, giữa mô hình luyện tập của quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hà và dinh Tổng thống Đài Loan có nhiều điểm tương đồng, như chiều rộng, dài, độ cao của tháp, bố trí bên trong…. đến mức khó có thể nói đó là một cuộc luyện tập thông thường.

Quân đội Trung Quốc cho biết Chu Nhật Hà là căn cứ huấn luyện rộng lớn nhất châu Á và hiện đại nhất.

Đây không phải là lần đầu tiên, quân đội Trung Quốc luyện tập tấn công nhắm vào các mục tiêu Đài Loan. Năm 1999, quân đội Trung Quốc đã luyện tập tấn công với mô hình sân bay Đại Hùng, thành phố duyên hải phía tây Đài Loan.

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình các mục tiêu dân sự Đài Loan như dinh Tổng thống tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hà, được thực hiện trong giai đoạn 2013-2015, thời điểm chính quyền Bắc Kinh có những động thái quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và tỏ ra hung hăng trong chính sách đối với Hồng Kông và Đài Loan.

Trung Quốc lôi kéo Đài Loan chung tay “bảo vệ” yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Trung Quốc lôi kéo Đài Loan chung tay “bảo vệ” yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu của sự thỏa thuận chính trị hiếm hoi trong quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Cả giới nghệ sĩ cũng bị Ukraina trừng phạt

Ngày 8/8, Ukraina đã lập danh dách đen 13 nghệ sĩ được Kiev coi là “mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia”. Họ bị cáo buộc đã ủng hộ quân ly khai tại miền Đông Ukraina và việc Moskva sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ Nga.

Phần lớn các nghệ sĩ bị liệt vào danh sách đen là các diễn viên và ca sĩ người Nga. Bộ Văn hóa Ukraina cho biết họ bị cấm phát sóng hay phát hình trên các phương tiện truyền thông tại Ukraina.

Trong số 13 người Nga nằm trong danh sách đen có nghệ sĩ người Pháp Gérard Dépardieu, mang quốc tịch Nga cách đây hai năm. Cuối tháng 7 vừa qua, Kiev từng tuyên bố nghệ sĩ này là “người không được hoan nghênh” tại Ukraina.

Trả lời AFP, phát ngôn viên Bộ Văn hóa Ukraina cho biết, không một kênh truyền hình hay bất kỳ rạp chiếu phim nào được phép chiếu phim có sự tham gia của một trong số các nghệ sĩ bị liệt vào danh sách đen. Ngoài ra, giấy phép phát hành các bộ phim liên quan sẽ nhanh chóng được cơ quan quản lý điện ảnh của Ukraina thu hồi lại.

Lệnh cấm trên bao gồm cả những bộ phim được sản xuất từ thời Xô viết. Ngôi sao màn bạc thời kỳ này là Mikhaïl Boïarski, cũng nằm trong danh sách trên, vì theo Kiev, diễn viên này đã ký vào một bức thư ngỏ ủng hộ việc sáp nhập Crưm vào Nga.

Nhạc phẩm của các ca sĩ có tên trong danh sách cũng không được trình chiếu trên truyền hình hay trên đài phát thanh Ukraina. Vì vậy, huyền thoại Kobzon, được mệnh danh là “Frank Sinatra của Liên Xô”, cũng bị cấm được phát trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, ông cũng đã là đối tượng bị Liên minh châu Âu cấm vận vì ủng hộ quân ly khai thân Nga.

Hy Lạp: Đã nghèo lại còn gặp eo

Sau khi cuộc khủng hoảng về tài chính tạm "giảm nhiệt", Hy Lạp lại đối mặt với một tình trạng khẩn cấp mới về khủng hoảng nhập cư, khi nước này trở thành một cánh cửa để dòng người từ Bắc Phi và Trung Đông tràn vào nhằm tìm đường tới các nước khác trong khối EU.

Theo số liệu của Cơ quan về kiểm soát biên giới của EU (Frontex), chỉ tính riêng trong tháng 7/2015 đã có 50.000 người nhập cư bằng đường biển đến Hy Lạp, vượt quá con số ghi nhận của cả năm 2014.

Con số này cho thấy Hy Lạp đã vượt lên trên cả Italy trong vai trò là con đường trung chuyển người nhập cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở châu Phi đến các nước châu Âu khác.

Tính từ đầu năm cho đến tháng Bảy, đã có 135.000 người đến Hy Lạp, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014, và đã đẩy Hy Lạp, nước tiếp nhận đầu tiên trên hành trình của họ, vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong thời điểm nước này đang gặp rất nhiều vấn đề về tài chính.

Chính phủ Athens cho biết, các con tàu chở đầy người nhập cư xuất phát từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lybia đã tới 4 đảo gần nhất là Lesbos, Chios, Kos và Samos, gây ra một cuộc sự hỗn loạn nghiêm trọng, do các cơ sở tiếp nhận ở đây không đủ khả năng để đón một lượng người lớn đến như thế.

Vincent Cochetel, Giám đốc khu vực châu Âu của UNHCR cho rằng, các nước châu Âu cần phải tăng cường hỗ trợ Hy Lạp trong việc giảm gánh nặng về người nhập cư, tuy nhiên, bản thân Hy Lạp cũng phải "định hướng và điều phối" các chiến dịch liên quan đến người nhập cư.

Một báo cáo thống kê của EU cho biết, 90% số người cập các cảng của Hy Lạp trên hành trình sang châu Âu đến từ Syria và Afghanistan.

Gil Arias Fernandes, Phó Giám đốc của Frontex, cho rằng, Frontex có trách nhiệm phải hỗ trợ Hy Lạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng lên tiếng kêu gọi EU hỗ trợ chính phủ Athens. Ông nói hôm 7/8: "Giờ là lúc chúng ta xem xem liệu EU có đoàn kết hay mỗi nước trong khối tự bảo vệ lấy các đường biên giới của mình".

Chính phủ Hy Lạp đã có một cuộc họp khẩn cấp hôm 7/8 để bàn cách đối phó với tình hình khẩn cấp liên quan đến người nhập cư. Cuộc họp này cũng diễn ra sau khi Ủy viên châu Âu về người nhập cư và vấn đề đối nội Dimitris Avramopoulos thông báo với Tsipras rằng Athens có nguy cơ sẽ không được EU cấp 500 triệu euro để thiết lập một cơ quan nhằm phân bổ các nguồn vốn cho việc tiếp nhận người nhập cư.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc lấy Đài Loan làm bia tập bắn
Mưa lớn tiếp tục trút xuống trong ngày 9/8 ở miền đông nam Trung Quốc, nơi bão Soudelor thổi sâu hơn vào đất liền gây ra lũ lụt và làm thiệt mạng ít nhất 14 người.

G.K

Năng lượng Mới