Thầy trò và "đoạn trường" làm phim

09:09 | 09/02/2024

182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không nhiều người biết rằng, hai đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Hà Lệ Diễm cùng được xướng tên đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 lại là hai thầy trò tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD) - một trong những “cái nôi” của các đạo diễn trẻ...
Thầy trò và
Thầy trò đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và đạo diễn Hà Lệ Diễm gặp nhau tại LHP Việt Nam lần thứ 23

“Hồi xưa tôi sợ thầy Chuyên lắm”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới ngay sau khi đoạt giải Bông Sen Vàng, đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm nói không ngờ được gặp thầy Chuyên tại LHP. “Dù là thầy trò, song quả thực chúng tôi không thường xuyên liên lạc, vì ai cũng bận bịu với dự án riêng của mình (cười). Nên tối hôm đó, tôi rất bất ngờ khi thấy thầy lên bục nhận giải. Ngày xưa cứ thoáng thấy bóng thầy là tôi lại “tim đập chân run” - Diễm nói.

Cái “ngày xưa” của Diễm là vào quãng năm 2010-2011, Diễm đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khi ấy Diễm đang theo học một khóa làm phim tài liệu tại TPD. Phim tốt nghiệp của Diễm là bộ phim khá vui nhộn có tên “Nga Xà beng”. Sau khi học xong một khóa phim truyện, Diễm quyết định sẽ theo nghiệp làm phim tài liệu độc lập “cho đến khi nào sức cùng lực kiệt mới thôi”.

Nhắc đến thầy Chuyên - người đã đặt nền móng để Diễm theo nghiệp điện ảnh - Diễm nhớ lại: “Thầy nghiêm lắm, bọn học trò cứ nhác thấy bóng thầy là sợ, không dám ngẩng mặt nhìn thẳng. Nhưng em rất thích các bộ phim của thầy như: “Cuốc xe đêm”; “Sống trong sợ hãi”, “Chơi vơi”, “Lời nguyền huyết ngải”... Vì thế nên em hay lượn lờ hỏi han linh tinh, rồi thì mạnh dạn nhận làm trợ giảng của thầy trong các buổi thầy lên lớp giảng dạy phương pháp làm phim tài liệu”.

“Nhiều năm gắn bó với thầy và TPD, em học được từ thầy Chuyên rất nhiều, như sự nghiêm túc với nghề, sự cẩn trọng tỉ mỉ từng giây hình, từng âm thanh; và ý chí vượt khó để cho ra đời bằng được bộ phim mình đã ấp ủ”, Diễm chia sẻ.

Trở lại “Những đứa trẻ trong sương” - bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng ở thể loại phim tài liệu - có thể thấy Hà Lệ Diễm đã thể hiện mình là một nữ đạo diễn tài năng, nhạy cảm. Trên hết là sự kiên trì, ý chí. Cô kể lại quá trình hơn 3 năm ghi hình và gần 1 năm dựng phim...

7 năm trước Diễm kết thúc khóa học của tổ chức Veran. Liền đó Diễm tham gia chuyến đi kéo dài 1 tháng của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE) lên Sapa (Lào Cai) để tìm hiểu và sáng tác về cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tại đây, Diễm được ở nhờ nhà của một gia đình người dân tộc Mông.

Diễm tham gia vào các lớp học dành cho các bạn người Mông ở làng của em Má Thị Di (con gái chủ nhà), cùng sống, cùng chơi với Di và các bạn. Diễm lấy máy quay ra và quay cô bé cùng các bạn. Nhìn Di và bọn trẻ con chơi đùa, Diễm chợt nhớ lại ngày xưa mình cũng chơi vui như thế, cũng có một thế giới riêng của mình. Thế giới ấy rất khác với thế giới của người trưởng thành, đó là nơi mình có quyền năng làm được mọi thứ, mình được tự do.

Thầy trò và Thầy trò và
Poster phim “Tro tàn rực rỡ” và “Những đứa trẻ trong sương”
Thầy trò và
Cảnh trong phim 'Tro tàn rực rỡ"

Diễm chia sẻ, các bạn của em lấy chồng cũng rất sớm, cảm giác khi chẳng còn ai chơi với mình rất buồn. Em nghĩ Di và các bạn của cô bé rồi cũng sẽ có một lúc nào đó cảm thấy vậy. Thế nên muốn làm một bộ phim lưu giữ lại kỷ niệm tuổi thơ và khi nào tuổi thơ ấy sẽ biến mất.

Dự định là vậy song trong quá trình quay phim kéo dài khoảng hơn 3 năm đã có nhiều biến cố xảy ra đối với nhân vật chính. Cô bé Di ngày nào nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và được nhiều chàng trai để mắt. Theo như phong tục truyền thống của người Mông, một thiếu nữ khi được (bị) một chàng trai kéo về nhà để làm vợ thì nghiễm nhiên cô ấy sẽ phải chấp nhận. Mẹ của Di đã thế và chị gái của cô cũng như vậy. Tuy nhiên trong bộ phim Di đã quyết liệt phản đối. Di muốn chọn cho mình một người mà mình thực sự có tình cảm và điều ấy được bố cô ủng hộ...

“Em cũng không thể lường trước được tập tục truyền thống lại có thể “tàn bạo” như vậy” - Diễm nói. Tuy nhiên, nữ đạo diễn trẻ cũng không nghiêng hẳn về hướng phê phán phong tục tập quán của đồng bào Mông. Diễm cho rằng mỗi một dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có truyền thống riêng của họ và thay vì ta lên án nó là “hủ tục, lạc hậu” thì nên tìm hiểu để có một cái nhìn khách quan.

Là phận nữ, lại chọn con đường làm phim độc lập, Diễm thực sự đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Song những lúc thất vọng nhất, Diễm lại nhớ về những lời nói của thầy Chuyên và em đủ nghị lực để bước tiếp.

Câu chuyện từ đạo diễn phim “Tro tàn rực rỡ”

Với Bùi Thạc Chuyên, quá trình làm bộ phim “Tro tàn rực rỡ” - đoạt giải Bông Sen Vàng ở thể loại phim truyện - một lần nữa thể hiện sự kiên trì, nghiêm túc đến mức nghiệt ngã của người đạo diễn. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới sau buổi chiếu ra mắt, vị đạo diễn cho biết để sáng tạo nên “Tro tàn rực rỡ” anh đã phải trải qua một đoạn trường khốn khổ, nhưng “khổ tận cam lai”.

Thầy trò và
Vợ chồng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và dàn diễn viên “Tro tàn rực rỡ”

“Tro tàn rực rỡ” được Bùi Thạc Chuyên thai nghén từ hàng chục năm trước. Tình cờ một lần đọc truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đồng cảm với thân phận của những người phụ nữ trong câu chuyện và nhận ra nhiều “chất xi nê” trong đó nên Bùi Thạc Chuyên đã liên hệ, xin phép nhà văn được chuyển thể sang thể loại điện ảnh. Đây cũng là một trong số ít những bộ phim mà tác giả nguyên tác có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với đạo diễn. Chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã biên tập, viết lời thoại cho phim, tạo nên những câu thoại vừa súc tích, có phần hài hước, đượm chất Nam Bộ.

Riêng kịch bản đã được đạo diễn dành ra đến 2 năm trời để viết và biên tập, chỉnh sửa. “Sau khi vạch ra các tuyến nhân vật, tôi cảm thấy mới có hai tuyến còn khá chông chênh. Tiếp đó, tôi được đọc thêm tác phẩm “Củi mục trôi về” và “lẩy” ra thêm một tuyến mới, về một người đàn bà điên và một chú tiểu (người mà trước đây đã từng hiếp dâm bà ta). Vậy là “kiềng ba chân” đã dựng xong, bộ phim trở nên vững chắc, chặt chẽ.

Sau khi đã viết xong kịch bản, Bùi Thạc Chuyên đã dành rất nhiều thời gian để sống, sinh hoạt, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của người dân miền Tây sông nước như: đánh cá, nghe đờn ca tài tử, dự đám cưới, đám ma... Từ đó vị đạo diễn cũng ghi lại những hình ảnh, clip thú vị, độc đáo của con người, cảnh vật nơi đây. Chính vì thế hồ sơ của dự án sau này khi gửi tham dự các cuộc thi đều được đánh giá cao và nhận được nhiều tỉ đồng tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Sau khi kinh phí đã hòm hòm, bộ phim được lên kế hoạch sản xuất. Không may, thời điểm bấm máy được ấn định lại đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và bắt đầu lan sang Việt Nam. Đoàn làm phim đã phải tranh thủ từng ngày từng phút, đôi khi giữa hai đợt giãn cách xã hội để ghi hình.

Quá trình ghi hình, những khó khăn liên tiếp khiến cho vị đạo diễn kỳ cựu này đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, thậm chí… sợ hãi. Đó là thời điểm thực hiện một cảnh quay tại cửa biển, nơi nhân vật Dương đang “canh” một cái lều dựng cheo leo trên một thân cây được trồng giữa trùng khơi. Sau khoảng 4 giờ lênh đênh trên biển, cả đoàn làm phim... đều say ngất ngây. Ai nấy nằm bẹp trên thuyền như thể cá vừa được gỡ lưới ném lên.

Trong cái rủi có cái may, diễn viên chính đã ở sẵn căn chòi từ hôm trước, còn quay phim và một trợ lý đạo diễn lại không bị say sóng. Thế là một cảnh quay hết sức ấn tượng được ghi lại, khi Dương bước đi trên những cái dây được treo trên những cột gỗ chênh vênh.

Một số trường đoạn được các nhà làm phim chuyên nghiệp đánh giá cao trong bộ phim này là về những cảnh lửa cháy. Theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để thực hiện được những cảnh cháy hoành tráng trong bộ phim này anh đã phải đốt đến... 3 căn nhà gỗ. Lần đầu do thiếu kinh nghiệm nên sau khi ngôi nhà cháy đùng đùng và đạo diễn hô: “máy chạy” thì... không thấy diễn viên đâu. Hóa ra do lửa cháy to quá, không khí xung quanh nóng đến nỗi diễn viên không thể chịu nổi, phải chạy trốn ra xa. Rồi đến lần đốt nhà thứ tư, dù đã có kinh nghiệm để “giữ” lửa cháy ở mức trung bình, để diễn viên có thể diễn. Tuy nhiên, do cần phải quay cảnh cận nên quay phim vẫn “cố” để lấy được những hình ảnh đẹp nhất khiến cho anh này bị bỏng.

Và khó khăn lớn nhất mà đạo diễn chia sẻ trong quá trình sáng tạo ra “Tro tàn rực rỡ” là phần dựng phim. Bởi nhà dựng phim - bà Julie Béziau - dù là người rất giàu kinh nghiệm, cũng từng đã hợp tác với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, song thời điểm đó một người ở Việt Nam, một người ở Pháp, vì thế mà quá trình dựng phim đạo diễn đã bị stress nặng. Trong nhiều tháng trời, Julie Béziau cứ dựng nháp được một đoạn lại phải streaming lên mạng, rồi đạo diễn vào xem. Đạo diễn phải góp ý, thậm chí dựng lại theo ý mình rồi gửi lại file cho dựng phim thực hiện theo. Dù mất rất nhiều thời gian, công sức, song lắm khi vẫn không thấy ưng ý.

Vượt lên những khó khăn, Bùi Thạc Chuyên đã tạo nên một tác phẩm xuất sắc về sông nước miền Tây, về thân phận những người phụ nữ Việt Nam cam chịu. Nó dường như đã đưa người xem trở về với giá trị cốt lõi: tình yêu và hy vọng. Cũng rất hiếm có tác phẩm điện ảnh nào lấy chất liệu miền Tây sông nước, mà khắc khoải xen lẫn sóng sánh như cuốn phim này.

Thầy trò và
Đạo diễn Hà Lệ Diễm trên đường ghi hình cho bộ phim “Những đứa trẻ trong sương”

Người gắn bó với nhà làm phim trẻ

Bên cạnh quá trình sáng tạo nghệ thuật, Bùi Thạc Chuyên còn là đạo diễn hiếm hoi của Việt Nam đặc biệt quan tâm đến giới làm phim trẻ. Từ năm 2002 vị đạo diễn đã thành lập và điều hành Trung tâm TPD, mở các lớp đào tạo phi lợi nhuận về điện ảnh cho học viên từ 15 đến 20 tuổi. Dưới tay anh, đã có nhiều đạo diễn phim truyện, phim tài liệu, biên kịch, nhà sản xuất… thành nghề và ít nhiều đã tạo dựng được tên tuổi như: Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Lê Hoàng Việt, Mai Thị Búp, Đỗ Phương Trang…

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, hiện nay nhiều quốc gia có nền điện ảnh mạnh đều thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ cho nhà làm phim trẻ thông qua các hoạt động hỗ trợ làm phim ngắn. Nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các hoạt động làm phim ngắn. Các liên hoan phim lớn nhất trên thế giới đều có hạng mục giải thưởng dành cho phim ngắn. Tiền thưởng cho phim ngắn đoạt giải đôi khi lớn hơn cả phim dài đoạt giải.

Và hơn 10 năm về trước, Hà Lệ Diễm là 1 trong 15 đạo diễn tham gia Dự án Social Doc (dự án về phim Tài liệu ngắn) mà Giám đốc sản xuất của dự án chính là Bùi Thạc Chuyên. Anh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn qua dự án này các em sẽ mở to mắt mình ra hơn nữa để thực sự cảm nhận ý kiến cá nhân của mình về những vấn đề các em quan tâm. Các em sẽ có ý thức công dân khi nhiều em làm về môi trường, xã hội. Các em đã vượt qua được cái mong muốn của tôi, có nhiều phim rất cảm động. Đây không phải là tác phẩm, đây là những bài học và có những bài học vô cùng sâu sắc”.

Và sau hơn chục năm, thầy trò đã gặp nhau trên một sân khấu. Đáng mừng đó lại là đứng chung một bục nhận giải thưởng cao nhất trong một LHP. Có lẽ đây cũng là diễm phúc của nền điện ảnh nước nhà.

Trước khi giành giải cao nhất trong LHP Việt Nam lần thứ 23, “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được trao tặng giải thưởng Cánh Diều Vàng dành cho Phim truyện Điện ảnh xuất sắc nhất năm 2023 của Hội Điện ảnh Việt Nam, đoạt giải cao nhất - Montgolfière d’or (Golden Balloon/Quả cầu vàng) tại LHP Ba châu lục diễn ra cuối tháng 11-2022 tại Pháp.

Đoàn Ngọc Yên Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps