Thanh tra xây dựng HN: Yếu năng lực hay kém đạo đức? (Bài 1)

19:00 | 17/12/2015

1,586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau một loạt các vụ việc xây dựng sai phép như nhà 8B Lê Trực, chung cư Thăng Long - Yên Hòa được thông tin rộng rãi trên báo chí, câu hỏi "nhà sai phép ở Hà Nội vì sao dễ xây, dễ làm" đã được nhiều người đặt ra.
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam bai 1
Dự án Sakura Tower.

Nếu như năm 2015, câu chuyện xây nhà không phép, sai phép, trái phép chỉ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận người dân Thủ đô khi những sai phạm tại dự án nhà 8B Lê Trực được phát giác, phanh phui qua thông tin phản ánh của báo chí thì trước đó, năm 2011, Hà Nội cũng có một dự án đình đám không kém về mức độ “sai phép”. Đó là dự án Sakura Tower!

Theo tìm hiểu của PetroTimes, dự án Sakura Tower là tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại nằm tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo thiết kế, dự án cao 21 tầng, có tổng diện tích đất hơn 2.668m2, diện tích đất xây dựng là 1.288m2 tương ứng mật độ xây dựng đến 48,2%, chiều cao tòa nhà là 86,4m.

Quy mô của dự án lớn như vậy nhưng khi khởi công năm 2009, dự án vẫn chưa được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cấp phép xây dựng. Phải đến năm 2012, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép theo Giấy phép xây dựng số 13/GPXD. Quy mô của dự án được phê duyệt là 22 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng lửng và 2 tầng kỹ thuật.

Nhưng điều đáng nói ở đây, trong suốt quãng thời gian dài, từ năm 2009 đến năm 2011, mặc dù chưa có phép nhưng chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn vẫn tiến hành thi công xây dựng. Thậm chí, khi các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý trật tự trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) phát hiện, dự án đã cơ bản xây dựng trong phần thô!

Và sau khi những thông tin về sai phạm tại Dự án Sakura Tower được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, sự hoài nghi về tính nghiêm minh trong hoạt động xây dựng ở Thủ đô đã được người dân đặt ra.

Vì sao với một công trình có quy mô như vậy lại có thể ngang nhiên mọc lên không phép?

Có hay không sự "nhắm mắt cho qua" của các lực lượng chức năng?

Thậm chí, năm 2012, khi những sai phạm trong trật tự xây dựng tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội làm rõ còn cho thấy có sự bảo kê của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, chủ đầu tư công trình này được Sở Xây dựng cấp phép xây 3 tầng hầm, 9 tầng nổi để làm nhà ở kết hợp văn phòng làm việc, nhưng đã xây dựng tới 14 tầng. Và để hợp thức hóa vi phạm, UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đều có văn bản đề nghị Sở Xây dựng cấp phép điều chỉnh bổ sung để chủ đầu tư được nâng tầng làm bảo tàng tư nhân.

Còn tại dự án chung cư Thăng Long - Yên Hòa do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư chẳng, dự án ban đầu có quy mô 17 tầng nhưng giờ đã được điều chỉnh lên 27 tầng và hiện đã xây đến tầng… 32. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc chủ đầu tư cứ xây vượt tầng rồi mới xin phép và giờ khi được cấp phép rồi thì họ lại xây vượt tầng!

Nói vậy để thấy rằng, một trong những nguyên nhân để nhà sai phép, trái phép ở Hà Nội tồn tại ngang nhiên, thách thức pháp luật chính là sự “yếu kém” của các lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng thành phố. “Yếu kém” đó có thể là yếu kém về chuyên môn và cũng có thể là yếu kém về mặt đạo đức.

Nếu yếu kém về chuyên môn nên mới để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép, sai phép thì có thể hiểu nhưng nếu yếu kém về đạo đức thì là điều không thể chấp nhận!

(Còn tiếp)

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc