Nhà sai phép ở Hà Nội: Vì sao dễ xây, dễ làm?

07:30 | 20/12/2015

1,454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà không phép, thậm chí đất không sổ đỏ nhưng nếu biết cách “làm luật”, người dân vẫn có thể xây nhà, thậm chí là nhà cao tầng.
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam
Một khu nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp ở Hà Nội.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều thông tin về việc người dân tại nhiều địa phương “ngang nhiên” xây nhà trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các huyện ngoại thành như Hoài Đức mà xảy ra ở cả các quận trung tâm như Tây Hồ, Hai Bà Trưng. Quy mô xây dựng cũng rất đa dạng, nhà tạm có mà nhà cao tầng cũng có!

Điển hình về tình trạng này là hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực ngõ 210 đường Hoàng Quốc Việt (khu dân cư Hoàng 5, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Và điều đáng nói ở đây, những công trình xây dựng trái phép này có quy mô không hề nhỏ, cao tới 4, 5 tầng và được xây dựng trên diện tích lên tới cả trăm m2.

Và theo những thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông thì ngay sau khi phát hiện những vi phạm trên, người dân trong khu vực đã thông báo đến chính quyền địa phương nhưng đã không được “tiếp thu”, “xử lý” kịp thời!

Cũng theo phản ánh trên thì vào thời kỳ bất động sản đang sôi động, khu vực này chẳng khác nào sàn giao dịch bất động sản ngoài trời. Người ta mua bán trao tay đất nông nghiệp ào ào, phong trào xây dựng cũng rầm rộ không kém mà chẳng thấy nhà nào bị chính quyền cưỡng chế, phá dỡ...".

Xây nhà trên đất thổ cư (đất có sổ đỏ) mà chưa có Giấy phép xây dựng là đã vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, đằng nhà xây không phép mà xây trên đất nông nghiệp thì sai phạm càng nghiêm trọng. Nhưng như phản ánh ở trên, sai phạm nghiêm trọng đó đã không được ngăn chặn kịp thời, quy định pháp luật đã không được thực thi và kéo theo đó là hàng chục ngôi nhà không phép đã mọc lên trên đất nông nghiệp ở ngõ 2010 Hoàng Quốc Việt!

Xung quanh hiện tượng này, dư luận Thủ đô cho rằng, sở dĩ có điều này bởi các lực lượng chức năng quản lý trật tự xây dựng cấp phường, xã đã cố tình “nhắm mắt cho qua”. Họ “im như tờ, vờ như điếc” hoặc vì nhận được “chỉ đạo”, “nhờ vả” từ cấp trên, từ lãnh đạo, cũng có khi là vì nể nang hoặc vì nhận được tiền “làm luật” của người dân, thường thì khoảng 200 triệu đồng/tầng. Tức anh xây 1 tầng thì chi 200 triệu đồng, còn nếu xây 2 tầng thì là 400 triệu đồng. Cứ thế mà tính!

Tính xác thực này của thông tin này hiện vẫn chưa được kiểm chứng nhưng rõ ràng, với tình trạng xây nhà trái phép, sai phép ở Hà Nội diễn biến phức tạp như mấy năm gần đây thì xem ra không hẳn là thiếu căn cứ.

Một điểm nữa, ở Hà Nội, chuyện xây nhà mà là xây nhà có phép, có đầy đủ giấy tờ pháp lý thì chí ít cũng vài lần thanh tra xây dựng phường, xã ghé thăm. Họ ghé thăm lúc đầu có khi là vì vấn đề pháp lý của công trình, sau đó là xem công trình có thi công đúng giấy phép, đúng thiết kế hay không, rồi chuyện cát, sỏi… vận chuyển vào công trình có rơi vãy, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông không…

Vậy nên ở Hà Nội mới có chuyện, nếu không có “lời” trước thì chắc chắn, khi xây nhà, người dân xây nhà vừa đổ đống cát ở đầu ngõ, chưa kịp vận chuyển vào công trình thì đã thấy mấy bác thanh tra xây dựng phường có mặt. Nhà làm cái ô van cửa thò ra vài cm sẽ thấy cán bộ thanh tra xây dựng phường xuống yêu cầu chỉnh sửa, đập đi làm lại…

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây nhà trái phép, sai phép tràn lan như hiện nay, ông Phạm Viết Ngôn - nguyên Phó Chánh thanh tra Xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) khi trao đổi từng nhấn mạnh: Được cấp phép xây dựng không quá 8 tầng, nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư lại xây dựng vượt quá nhiều tầng. Đây không thể nói là do sự buông lỏng quản lý được mà chắc chắn phải có tiêu cực trong đó. Tiêu cực ở đây có thể là những cuộc điện thoại từ cấp trên hoặc những mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Vì những công trình cao hàng chục tầng, nằm ngay mặt phố và xây dựng trong khoảng thời gian dài mới xong, ít thì 1 năm, thường thì 2 năm, thậm chí tới 3 năm mới xong. Bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra điều đó.

Nói vậy để thấy rằng, nếu nói đội ngũ quản lý trật tự xây dựng tại các xã, phường của Hà Nội không có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng nhà xây không phép, trái phép là điều khó chấp nhận!

 (Còn tiếp)

nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam [Chùm ảnh] Hà Nội 'điểm mặt' những sai phạm xây dựng 'khủng'
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam Thanh tra xây dựng HN: Yếu năng lực hay kém đạo đức? (Bài 1)
nha sai phep o ha noi vi sao de xay de lam Giật mình những công trình 'khủng' sai phép ở Nhân Chính

Thanh Ngọc