Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc

17:27 | 07/06/2021

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suốt chiều dài lịch sử, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa và tâm linh của người dân Thủ đô. Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc còn lưu giữ những bí mật ít người biết

Ngôi đền lịch sử đất Thăng Long

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc năm 1906. Ảnh Edgard Imbert

Khởi nguyên theo sử sách chép lại, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đã đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng Sơn, đến đời nhà Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Thời Trần, ngôi đền để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Về sau lâu ngày đền ấy sụp đổ.

Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735-1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời nhà Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn. Bài kí trên văn bia chữ Hán Ngọc Sơn Đế Quân từ ký, do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm1843 còn ghi được sự kiện này như sau: "... Hồ Tả Vọng tên cũ gọi hồ Hoàn Kiếm là một danh thắng đất Kinh kỳ xưa. Phía Bắc mặt hồ, một gò đất nổi lên rộng khoảng ba bốn sào, tương truyền là chỗ đài câu cá thời cuối Lê. Trước đây, ông Tín Trai làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế tại đấy bèn mở rộng sửa sang thêm gọi là chùa Ngọc Sơn...".

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Đền Ngọc Sơn cầu Thê Húc trên Hồ Hoàn Kiếm năm 1885. Ảnh Charles Edouard Hocquard

Điều đó đã cho thấy, trong lịch sử, trong khu vực đền Ngọc Sơn ngày nay vốn có ngôi chùa tên là chùa Ngọc Sơn. Chùa quay mặt hướng Nam, phía trước dựng gác chuông, phong cảnh nhờ thế càng thêm khởi sắc. Tuy nhiên, trải tháng năm lâu ngày, ngôi chùa bị đổ nát, tưởng chừng chùa cũng muốn đi theo người.

Ít năm sau chùa lại nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội gồm những người xuất thân khoa mục tham gia. Khi mới thành lập, mục đích của hội chủ yếu là khuyến khích làm việc thiện. Hội thờ Văn Xương Đế Quân nhưng chưa có đền thờ. Những người con của ông Tín Trai có quan hệ mật thiết với hội nên đã tình nguyện nhượng lại chùa này cho hội. Theo đó, hội tiến hành tu bổ đền thờ, dỡ bỏ gác chuông chùa, cải tạo chùa thành đền thờ Văn Xương Đế Quân. Đền được khởi công từ mùa Đông năm Tân Sửu (1841) đến mùa Thu năm Nhâm Dần (1842) thì hoàn thành.

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Đền Ngọc Sơn năm 1906. Ảnh Edgard Imbert

Khoảng năm 1859- 1862, sau khi Hội trưởng Vũ Tông Phan mất, Nguyễn Văn Siêu- một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Hà Nội đứng ra chủ trì cuộc trùng tu lớn, tôn tạo lại toàn bộ khu vực đảo Ngọc. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc, nghĩa là “ánh sáng ban mai đọng lại”. Năm 1865, khi cuộc trùng tu hoàn tất Nguyễn Văn Siêu lại nhờ Đặng Huy Tá soạn bài văn bia về công cuộc trùng tu và nhắc lại mục đích của đền Ngọc Sơn, là giúp người tu thân, nhằm “ngăn lòng dục của người, mà bảo tồn lẽ phải của Trời”, và cho khắc dựng văn bia trong đình Trấn Ba. Văn bia Trùng tu Văn Xương miếu bi ký, do Án sát sứ tỉnh Hà Nội là Đặng Lương Hiên soạn vào khoảng thời gian sau khi tu sửa lại đền, ghi lại rằng: "...Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước kề bờ nước, làm đình Trấn Ba, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hóa. Bên tả, phía Đông cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên. Lại về phía Đông trên núi Độc Tôn, xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật. Qua ba bốn năm, dựa vào tiền quyên góp mới làm xong...".

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Hai mẹ con tại đền Ngọc Sơn. Ảnh Edgard Imbert

Với các văn nhân ở Hà Nội lúc bấy giờ, việc hướng thiện và chấn hưng giáo dục rất được đề cao. Khi dựng lại đền Ngọc Sơn, ngụ ý của các nhà trí thức là muốn nêu cao nền giáo hóa mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Vì thế trong bài ký, Án sát sứ Đặng Lương Hiên nhấn mạnh rằng: "Miếu thờ Văn Xương ở khắp thiên hạ, để dạy mọi người làm điều thiện mà thôi. Nhưng người ta làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của người mà bảo tồn lẽ phải của trời, chẳng cầu phúc mà tự nhiên được phúc".

Về sau, đền thờ thêm Lã Tổ (thần coi về thuốc chữa bệnh) và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng đời Trần, tương truyền đã cho tập trận thủy quân tại hồ này (vì thế Hồ Gươm trước đó có tên là hồ Thủy Quân). Trải qua nhiều sự thay đổi, như một nhân duyên định mệnh, đền Ngọc Sơn vốn là ngôi đền, rồi xây chùa, rồi dỡ chùa dựng lại đền và đền trở thành đền Ngọc Sơn. Cũng vì nơi đây là nơi văn nhân Hà Nội và bạn bè tứ phương thường hay tới, nên mỗi dấu ấn ở đây đều mang ý nghĩa văn chương tao nhã mà sâu sắc.

Cầu Thê Húc từng bị phóng hỏa, đổ sập vì quá tải

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Đền Ngọc Sơn Tết năm 1928
Sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội năm 1882, có chuyện ít ai biết đền Ngọc Sơn từng trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Trước cảnh ngang trái, một thanh niên trí thức tên là Nguyễn Văn đã nảy ra ý định đốt cầu để cảnh cáo thực dân Pháp xúc phạm cõi tâm linh.Vụ phóng hỏa diễn ra trót lọt vào một đêm cuối đông năm 1887.

Chỉ trong thời gian ngắn các tấm ván mặt cầu đã cháy thành than. Viên quan tư cảm thấy bất an nên sai quân chuyển đồ đạc đi nơi khác không dám ở đền Ngọc Sơn nữa. Sau vụ việc này, cầu Thê Húc được xây lại. Kết cấu cầu mới cong hơn để chịu lực tốt hơn, mặt cầu được lát ván dọc thay vì ván ngang như cầu cũ. Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1887 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng”.

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Cầu Thê Húc bị hư hỏng trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô với thực dân Pháp năm 1946

Đến năm 1946, cầu Thê Húc bị tàn phá bởi bom đạn trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vào cuối năm 1946 đầu 1947 tại Hà Nội - sự kiện mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Lại một biến cố nữa xảy ra, theo tài liệu lưu trữ hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và tài liệu, thì đêm 30 Tết Quý Tỵ (tức ngày 13/02/1953 dương lịch), người Hà Nội theo cổ tục, rủ nhau đến đền Ngọc Sơn hái lộc. Vì lượng người qua lại cầu quá đông nên cầu Thê Húc đã bị gãy sập và một số người đã bị ngã xuống Hồ nhưng rất may là không có thiệt hại gì về người. Nguyên nhân là từ lâu cầu không được chính quyền tu bổ nên gỗ bị mục và lại phải chịu tải quá lớn.

Chuyện quyên góp tu sửa cầu

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Phủ Thủ Hiến Hà Nội đã cho phép Ban Quản trị đền Ngọc Sơn mở một cuộc lạc quyên để lấy tiền tu sửa cầu. Nhưng quy định chỉ được mở cuộc lạc quyên này ở Hà Nội trong vòng 6 tháng nên kết quả tính đến ngày 31/10/1953 mới được 150.000 đồng, cộng với 70.000 đồng tiền quỹ công đức của Đền thì số tiền tổng cộng mới được 220.000 đồng bạc. Nếu tính theo thời giá, nếu thay gỗ “sao” bằng gỗ “lim” để có thể chịu được mưa gió và làm thêm vài công tác tô điểm cho cầu như những quyết định mới của Sở Bảo tồn Cổ tích thì tổng kinh phí tu sửa cầu sẽ lên đến 500.000 đồng.

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc

Sơ đồ đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc/ĐCHN/nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Vì lý do trên mà Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã nhiều lần làm đơn xin thành phố Hà Nội trợ cấp thêm kinh phí để tu sửa cầu. Trong báo cáo trình bày về việc trùng tu cầu Thê Húc của ông Đỗ Quang Giai, Thị trưởng thành phố (8/1952 đến 10/1954) ngày 25/9/1953 trong đơn cuối cùng Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã trình bày rằng: “Đúng lý ra thì Thành phố Hà Nội phải cáng đáng tất cả kinh phí về việc trùng tu một thắng cảnh “xếp hạng” như cầu Thê Húc, cầu Thê Húc không thuộc về một tôn giáo nào mà là tài sản tinh thần của toàn quốc. Nay, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã thu thập được 220.000 đồng, Thành phố cũng cần trợ cấp một số tiền tương đương để có thể hoàn thiện công cuộc trùng tu cầu Thê Húc trước tết Nguyên Đán.” Bởi vậy, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn có đề nghị Hội đồng thành phố xét lại lần nữa, để trợ cấp cho đủ tiền trùng tu cầu Thê Húc

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc

Phiếu lạc quyên tiền để trùng tu cầu Thê Húc năm 1953

Để tăng thêm phần mỹ quan cho thành phố, trong phiên họp ngày 13/10/1953, Hội đồng thành phố đã quyết nghị chấp thuận việc trích từ qũy từ thiện của thành phố 2 vạn đồng để giúp cho Ban Quản trị đền Ngọc Sơn trùng tu cầu Thê Húc. Song quyết định này đã gặp phải sự phản đối của Phủ Thủ Hiến. Qua công văn số 37.618 PTH/TC ngày 6/11/1953, Phủ Thủ Hiến cho biết lý do không thể chuẩn y đề nghị của Hội đồng thành phố về việc trích qũy từ thiện hai vạn đồng để trợ cấp Ban Quản trị đền Ngọc Sơn trong việc trùng tu cầu Thê Húc

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Tu sửa cầu Thê Húc

Vấn đề trợ cấp kinh phí trùng tu cầu Thê Húc lại một lần nữa được đưa vào chương trình bàn luận của Hội đồng thành phố Hà Nội trong phiên họp ngày 15/12/1953. Tại phiên họp đã có rất nhiều ý kiến đưa ra, trong đó có một số nội dung chính được đề cập: “Đền Ngọc Sơn là một danh thắng trong thành phố, việc trùng tu này đáng lẽ thành phố phải làm”; “Nếu thành phố không đảm nhiệm thì Sở Bảo tồn Cổ tích phải đứng ra đảm nhiệm. Tại sao lại để một tổ chức ở bên ngoài đứng ra làm. Chúng ta phải giải quyết bằng cách nào, hoặc giao đền Ngọc Sơn cho Sở Bảo tổn Cổ tích hay là định lại việc quản trị đền chùa, rồi chúng ta sẽ đứng ra đảm nhiệm làm cái cầu cho đẹp đẽ hơn”…

Thăng trầm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc
Người dân đi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn thắp hương đầu năm 1954

Thị trưởng Đỗ Quang Giai đã trả lời: Việc tu bổ cầu này, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã có xin phép quyên. Theo tục lệ của người Việt, cái quyền quyên đó dành riêng cho các đền chùa để lấy tiền tu sửa không cần phải qũy thành phố. Nhưng kết thúc phiên họp, để đảm bảo mỹ quan cho thành phố và để khách thập phương có thể đến đền Ngọc Sơn lễ bái an toàn, Hội đồng thành phố đã đưa ra quyết nghị trợ cấp 2 vạn đồng cho Ban Quản trị đền Ngọc Sơn để trùng tu cầu kịp Tết Giáp Ngọ. Theo bài viết đăng trên báo “Tia sáng”, số ra ngày 30/01/1954 thì công việc trùng tu cầu chưa hoàn thiện về mặt mỹ thuật, nhưng bắt đầu từ 30 Tết khách thập phương đã có thể qua lại cầu. Như vậy sau một năm bị sập, cầu Thê Húc mới đã được trùng tu và trở lại hoạt động bình thường kể từ dịp Tết năm 1954.

Minh Châu