Văn hóa Thủ đô tỏa sáng dưới ngọn đuốc dẫn đường của Đảng

Bài 1: Đầu tàu cho văn hóa cả nước

20:25 | 09/10/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
70 năm qua, dưới ngọn đuốc soi đường của Đảng, với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo của Thành ủy Hà Nội, văn hóa Thủ đô đã đạt nhiều thành tựu, là động lực, sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp mỗi người dân Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung cùng nhìn lại những giá trị của lịch sử, văn hóa, công sức đóng góp của thế hệ cha anh đi trước và thêm tự hào về đất nước, về Thủ đô anh hùng như cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Điều đặc biệt, tiếp thu định hướng của Đề cương văn hóa Việt Nam, các Nghị quyết của Đảng cũng như thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 70 năm qua, văn hóa Hà Nội luôn được đánh giá là đầu tàu, tiêu biểu cho văn hóa cả nước.

Hà Nội thấm nhuần lời Bác dạy

Ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô đứng chật hai bên đường, tưng bừng cờ hoa, mừng đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Đúng 15 giờ chiều 10/10, trong lễ mừng chiến thắng tại sân vận động Cột cờ, quân và dân Thủ đô xúc động lắng nghe Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc: “8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi.

Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Sau khi biểu dương quân dân Thủ đô và quân dân cả nước “đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng” chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 nhiệm vụ mới của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô: “Ra sức giữ gìn trật tự an ninh; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta; Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa; Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do, dân chủ”. Điều đó cho thấy, văn hóa là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm ngay sau ngày giải phóng Thủ đô.

Đầu tàu cho văn hóa cả nước
Đoàn diễu hành làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Đông tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 6/10. Ảnh: Thanh Hải

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Mỗi khi nhắc về Hà Nội, Bác Hồ đã dặn dò: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần... Nói chung, Hà Nội là Thủ đô của cả nước ta. Nói riêng, Hà Nội là thành phố của tất cả những người dân Hà Nội. Nói tóm lại, mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta.

Hồ Chí Minh toàn tập, tập IX, tr.420

Từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1946 với bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi mở nhiều vấn đề cho phát triển văn hóa cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Cụ thể, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngay sau khi giải phóng Thủ đô (1954), Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền, ổn định mọi mặt của thành phố; hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất ở ngoại thành và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa của Thủ đô.

Tiếp nối truyền thống đó, với bề dày nghìn năm Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị và Sáng tạo, Đảng bộ TP Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảng bộ Hà Nội luôn xác định phát triển văn hóa là nền tảng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu trong quá trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

70 sau năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 55 năm Bác Hồ đi xa (1969 - 2024), những lời di huấn của Bác vẫn còn mãi với thời gian. Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội luôn phấn đấu lập nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác. Bà Lê Bích Châu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình, người vinh dự được 3 lần gặp Bác, cũng là người có mặt trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, chụp ngày 1/1/1956 tại Phủ Chủ tịch, chia sẻ: “Lúc đó còn nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận được sự quan tâm của Bác đối với tất cả mọi người. Bác hỏi chuyện từng người, trong đó có tôi. Niềm hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ đã trở thành mạch nguồn thúc đẩy tôi học tập, rèn luyện và luôn là một người Hà Nội tử tế, trung thực, biết điều hay, lẽ phải”.

Khẳng định Hà Nội là nơi ghi dấu tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: “Tư tưởng, tình cảm và những lời căn dặn ân cần, sâu sắc của Người đến nay là di sản vô giá, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại”.

Tỏa sáng nền văn hóa mới với toàn quốc

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa Thủ đô cũng được khẳng định. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa IV năm 1983 khẳng định: “Trung tâm văn hóa Hà Nội phải phát huy truyền thống văn hóa lâu đời và tỏa sáng nền văn hóa mới với toàn quốc”. Hội đồng Bộ trưởng cũng ban hành Nghị quyết số 159-HĐBT tháng 12/1983 về công tác văn hóa và thông tin, đưa ra chủ trương, biện pháp rất cụ thể: “Hết sức coi trọng phát triển văn hóa ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác làm mẫu mực cho phong trào chung. Phải có những hoạt động và công trình văn hóa tiêu biểu cho nền văn hóa mới”.

Với Thành ủy Hà Nội, ngay từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965), Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 44/NQ-ĐBHN “Về công tác văn hóa - nghệ thuật ở Thủ đô”, trong đó khẳng định: “Công tác văn hóa, nghệ thuật ở Thủ đô còn cần phải phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với vị trí đầu tàu, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước”.

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ VII năm 1977 chỉ ra nhiệm vụ của văn hóa Thủ đô là theo sát tình hình tuyên truyền đường lối, chính sách kịp thời, sắc bén, xây dựng tư tưởng, tình cảm cao đẹp của con người mới, xây dựng nếp sống mới, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô; động viên và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật đẹp... phục vụ tốt việc xây dựng con người mới, xây dựng nhà bảo tàng, giữ gìn và tu sửa các di tích lịch sử... Đặc biệt coi trọng phát triển và nâng cao phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Nhờ đó, văn hóa Hà Nội luôn đạt được nhiều kết quả rực rỡ, trở thành tiêu biểu cho văn hóa cả nước.

Đầu tàu cho văn hóa cả nước
Tiết mục múa hát chào mừng “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra sáng 6/10. Ảnh: Thanh Hải

Trong cuốn sách “Nửa thế kỷ văn hóa - thông tin Hà Nội (1975 - 1995)” do tập thể tác giả là các cán bộ chủ chốt của ngành văn hóa Thủ đô Hà Nội (1945 - 1995) có liệt kê khá chi tiết, thời kỳ 1975 - 1986, Hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm trước đây thường tổ chức tổng hợp các loại hình nghệ thuật, nhưng từ khi ngoại thành được mở rộng, số lượng cơ sở tham gia đông, nhiều thể loại phong phú nên chung khảo cấp thành phố phải tách ra thành “Hội diễn nghệ thuật sân khấu” và “Hội diễn ca múa nhạc”. Đỉnh cao là năm 1982, Hà Nội có gần 500 tốp ca khúc chính trị, là thành phố phát triển phong trào mạnh nhất cả nước, được Bộ Văn hóa và Trung ương Đoàn Thanh niên chọn cử một số đội đi dự liên hoan tại Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức.

Trong cuốn sách “Đổi mới và Văn hóa”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định đổi mới là văn hóa. Và sự thực là công cuộc đổi mới có tác động to lớn đến sự phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, quy luật phát triển văn hóa cho thấy nhịp thay đổi của văn hóa không cùng nhịp với phát triển kinh tế.

Thêm vào đó, chúng ta chủ trương tập trung đổi mới kinh tế trong thời kỳ đầu đổi mới với phương châm kinh tế đi trước một bước. Chính vì thế, các văn bản của Thành ủy Hà Nội về văn hóa trước năm 1993 vẫn chưa thể hiện rõ tinh thần đổi mới tư duy có tầm chiến lược trong phát triển văn hóa.

Năm 1993, với Nghị quyết 04-NQ/HNTW, Trung ương Đảng khóa VII về một số nhiệm vụ của văn hóa văn nghệ, những quan điểm đổi mới cơ bản về văn hóa mới được khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần ấy, Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu: “Xây dựng văn hóa, văn nghệ Thủ đô xứng đáng vị trí trung tâm đầu não của cả nước. Phát huy tiềm năng sáng tạo trên cơ sở kế thừa và tiếp thu văn hóa truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới... Xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch có trí tuệ, đạo đức, nhân cách tốt đẹp”.

Rõ ràng, nhận thức về văn hóa Thủ đô Hà Nội thể hiện rõ tư duy đổi mới. Muốn xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì nhất thiết phải kế thừa văn hóa truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch đã chính thức được nhấn mạnh.

Vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa Hà Nội

Nhấn mạnh nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa và văn hóa Thủ đô Hà Nội luôn được đề cao, nhất là vị trí trung tâm, vai trò đi đầu, gương mẫu. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, văn hóa có liên quan mật thiết, trực tiếp đến sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước. Vì thế, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội xác định phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hóa Thủ đô theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ Hà Nội đã cụ thể hóa và luôn thống nhất quan điểm, xác định Hà Nội có thể không phải địa phương dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là địa phương đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi hội tụ và tỏa sáng, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Ngày 1/4/2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt TP Hà Nội cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.

Trên cơ sở đó, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó khẳng định, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội chia sẻ, khẳng định này một lần nữa đề cao vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế và văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Trong các nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết số 15-NQ/TW nhấn mạnh: “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng văn hóa thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô”. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Quán triệt sâu sắc văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về văn hóa. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Rõ ràng, nhận thức về văn hóa của Đảng có tác động sâu sắc đến nhận thức của Thành ủy Hà Nội về vai trò và vị trí của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30/CT-TU về xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh là tiếp nối những việc làm có tính chiến lược về văn hóa trong nhiều năm, đồng thời thể hiện nhận thức và quyết tâm hành động của toàn Đảng bộ về việc làm có ý nghĩa to lớn này”, TS. Nguyễn Viết Chức nhận định.

Hà Nội vinh dự, tự hào là một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư cũng chính là những định hướng lớn, là kim chỉ nam để Đảng bộ Hà Nội luôn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển Thủ đô toàn diện, trong đó, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị