Bài cuối: Động lực để phát triển lên tầm cao mới
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) tổ chức ngày 10/10: “Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Càng thêm vững tin với sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; vững tin vào sức mạnh từ cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước”.
Hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa
Có thể thấy, qua 70 năm xây dựng, phát triển văn hóa, từ kinh nghiệm thực tiễn của Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng nâng cao tư duy, nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm phát huy cao độ tinh thần, sức sáng tạo của nhân dân, xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm “là trung tâm văn hóa lớn đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình” góp phần xây đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một tiết mục nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải |
Tuy nhiên, trước những vấn đề mới, phức tạp từ bối cảnh, tình hình khách quan trong nước và quốc tế cũng như những nhu cầu nội tại xuất phát từ chính đời sống văn hóa của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nhận thức, tư duy, hành động cụ thể. Đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi thể chế, chính sách, huy động nguồn lực, khắc phục những điểm nghẽn, khơi thông mạch nguồn để dòng chảy văn hóa ngày càng lưu thông, phát triển.
Cần tăng cường mở rộng hợp tác với Thủ đô các nước, đẩy mạnh quảng bá về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về văn hóa, con người Hà Nội với đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài, tiếp tục nâng cao vị thế Thủ đô, đất nước trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm |
Lãnh đạo thành phố cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong gần 40 năm qua đang đặt ra cho Thủ đô Hà Nội nhiều vấn đề thách thức. Đó là việc ban hành các cơ chế, chính sách còn chậm và chưa đồng bộ nên nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô chưa được nhận diện, khai thác, phát huy đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình trên địa bàn Thủ đô tuy đã được củng cố nhưng chưa hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển ngày càng mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao.
Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần bị mai một. Lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa huy động được hết tiềm năng sáng tạo và tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ, chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc. Phát triển công nghiệp văn hóa; quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng thiếu văn hóa nơi công cộng, thiếu văn minh đô thị vẫn còn xảy ra...
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 9/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên năm trụ cột: văn hóa và con người; ba chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Thủ đô.
Tiếp đó, tại buổi làm việc với TP Hà Nội ngày 17/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng biểu dương, việc phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội được chú trọng, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô. Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ ra thành phố còn thiếu các sự kiện, chuỗi các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; nhiều làng nghề truyền thống và các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có dấu hiệu mai một...
Thủ tướng nêu rõ quan điểm: phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
“Cần rà soát các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, phát huy mạnh mẽ truyền thống nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân, để người dân và du khách tới Hà Nội luôn cảm thấy yên tâm tại Thành phố vì hòa bình” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Văn hóa là bệ phóng thần kỳ để vươn ra thế giới
Văn hóa dân tộc luôn là cội nguồn sức mạnh, là bệ phóng thần kỳ để chúng ta vươn ra thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, xây dựng Thủ đô văn minh ngày nay phải được nhìn với mọi góc độ từ bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị của nền văn hiến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Nét đẹp phụ nữ Thủ đô. Ảnh: Tùng Linh |
Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và trách nhiệm phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế, hội nhập quốc tế.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy Hà Nội là xây dựng một xã hội học tập với tinh thần mỗi người đều vươn lên học tập suốt đời. Đây là điều kiện để con người vươn lên văn minh, nâng mình lên ngang tầm với yêu cầu của nhân loại và đất nước.
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng, tuyên truyền sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; thanh lịch, văn minh, trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có tri thức, năng động, sáng tạo, thích ứng với yêu cầu của cơ chế thị trường, tiêu biểu cho phong cách lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với đó, tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa góp phần giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch. Đầu tư nhiều hơn cho việc tôn tạo, phân cấp quản lý hệ thống các di tích ở Thủ đô.
“Đặc biệt, cần tích cực thực hiện sáng tạo chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô; lấy văn hóa - con người không chỉ là mục tiêu, động lực, nền tảng mà còn là nguồn lực chủ yếu, là điểm xuất phát cho việc xây dựng tất cả các chiến lược, các kế hoạch phát triển mọi lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Một yếu tố thuận lợi là Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều chính sách, quy định ưu đãi cho phát triển văn hóa Thủ đô. Cùng với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chúng ta có thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Những quy định về cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ giúp Hà Nội không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa một cách hiệu quả mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân và tạo ra sức hút đối với du khách trong nước cũng như quốc tế, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa, nơi lưu giữ và tỏa sáng những giá trị, tinh hoa văn hóa của cả nước.
Trong thời gian tới, Hà Nội vẫn cần ưu tiên xây dựng các khu vực bảo tồn đặc biệt cho các di sản có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, bảo đảm chúng được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số, vì vậy, rất cần ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, nghiên cứu, quảng bá di sản.
Phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài
Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, để văn hóa, con người là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển Thủ đô. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội.
Đồng thời, thống nhất quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân, khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô.
Cùng với đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76/KL/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa, phát triển con người Thủ đô trong giai đoạn mới.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, cần bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển để Thủ đô xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo - một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Song song với đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn, chú ý xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, DN và mỗi gia đình. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thực hiện nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao.
Tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị cao, với truyền thống đoàn kết được chứng minh qua hàng nghìn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận ủng hộ và vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, Hà Nội sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đề ra, xứng đáng với vị trí trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên, tình yêu Hà Nội của mỗi người dân Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong |
Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị
-
Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Đánh thức di sản bằng công nghệ hiện đại
-
Khai mạc Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
-
Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024: “Hà Nội kết nối năm châu”
-
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Đề xuất vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội