Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

07:00 | 28/04/2015

4,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/4/1969, quân viễn chinh Mỹ thực hiện vụ thảm sát tại 2 thôn Khánh Giang - Trường Lệ (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) làm hơn 60 người dân thường thiệt mạng. Đúng 46 năm sau, ngày 17/4/2015, anh Nguyễn Sang (SN 1962), một người có tên trên bia tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát đã đột ngột trở về.

Vụ thảm sát kinh hoàng

Theo lời kể của bà Trần Thị Đa (SN 1956, quê ở thôn Khánh Giang, hiện trú tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), người đã từng đến 10 nước Bắc Âu tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vào năm 1971. Khoảng 8h sáng ngày 17/4/1969, một toán lính Mỹ mang vũ khí kéo lên khu vực Khánh Giang, Trường Lệ. Trong thôn lúc này chỉ có người già và trẻ em, còn đàn ông và thanh niên nam nữ đã vào ẩn náu trong khu vực Núi Lớn cách đó 300m. Bọn chúng vào từng nhà, lùa hết người dân dồn ra một cánh đồng trống. Sau đó chúng vào trong làng đốt hết nhà cửa, bắn giết súc vật rồi quay về căn cứ.

Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

Bà Trần Thị Đa (trái) và ông Saotome Katumoto, tác giả cuốn sách “Bé Đa” năm 1971 tại Hungary

Đến khoảng 15h, bọn lính Mỹ quay trở lại và bắt đầu cuộc thảm sát. Tại gò Đập Đá, trong lúc các gia đình đồng bào dân tộc H’re đang ăn cơm, bọn chúng kéo đến lia tiểu liên vào họ khiến 29 người thiệt mạng. Đến nhà ông Dương Văn Xu, phát hiện có nhiều người đang ẩn nấp dưới một căn hầm, bọn lính chĩa súng xuống miệng hầm uy hiếp, buộc họ phải ngoi lên. Chúng gom mọi người ra sân rồi dùng tiểu liên bắn vào họ, 16 người đã ngã xuống địa điểm này.

Tại một căn hầm trú ẩn khác gần đó, lính Mỹ buộc người dân ra khỏi hầm, dồn mọi người vào khoảng đất trống ven đường và bắn xối xả. Những loạt đạn liên thanh vang lên khiến hơn hai chục người đổ nhào. Để không bỏ sót một ai, bọn chúng tiếp tục ném lựu đạn xuống những miệng hầm trú ẩn. Bà Đa, khi đó 13 tuổi, đang ở tại địa điểm này, do quá khiếp đảm nên bà ngất lịm đi. Khi bà tỉnh dậy thì thấy xung quanh toàn là máu và xác người. Cạnh đó, bà thấy một bé trai khoảng 8 tuổi đang còn sống, bà rủ bé trai này trốn vào núi nhưng cậu bé không đi vì bà nội và em gái của cậu đang bị thương nặng.

Ông Phạm Văn Bích (SN 1939) cho biết, trước khi vụ thảm sát xảy ra, đàn ông và thanh niên trong làng đều vào trú ẩn trong Núi Lớn cách làng khoảng 300m. Từ trên ngọn cây cao trên núi nhìn xuống, họ thấy rõ mồn một những diễn biến ở làng. Bọn lính Mỹ canh giữ khu vực làng đến 4 ngày đêm mới chịu rút đi. Khi mọi người quay trở về, họ kiểm tra, tìm kiếm, xác định có 64 người đã chết. Trong 64 người đó, một số thi thể nhận dạng được thì chôn riêng, những thi thể bị cháy đen, lẫn lộn, không nhận dạng được thì chôn thành những mộ tập thể. Sau ngày giải phóng, dân làng lập bia tưởng niệm. Tất cả có 64 cái tên, tức là 64 nạn nhân trong vụ thảm sát được khắc tên trên bia.

Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

Ông Phạm Văn Bích kể về vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ.

“Đội mồ sống dậy”

Điều tưởng như không thể nào đó đã xảy ra, sau 46 năm, một trong những nạn nhân của vụ thảm sát trở về. Hôm đó là trưa ngày 17/4/2015, một người đàn ông đến viếng khu tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát. Người dân vô cùng ngạc nhiên vì trông người này rất giống một người phụ nữ địa phương tên là Trần Thị Thừa. Họ ngạc nhiên là bởi bà Thừa có một người con trai tên Nguyễn Sang, trạc tuổi người đàn ông này nhưng anh đã chết trong vụ thảm sát năm xưa. Chỉ ít phút sau đó, từ chỗ ngạc nhiên, mọi người chuyển sang vui mừng vì được biết người khách này không ai khác chính là Nguyễn Sang, người mà hơn 40 năm qua họ thắp hương tưởng nhớ.  

Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

Anh Nguyễn Sang trước bức phù điêu vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ.

Theo lời chia sẻ của anh Sang, anh chính là cậu bé còn sống sót mà bà Đa nhìn thấy và rủ chạy trốn vào núi. Lúc đó, bà nội và cô em gái của anh tên Liễu đang đau đớn vì bị thương nên anh không thể bỏ họ mà đi được. Cả đêm hôm đó, Sang nằm trong đống xác chết với em gái, bà nội của Sang cũng mất trong đêm.

Sáng hôm sau, Sang nhặt một mảnh sành định đi tìm nước cho em thì bất ngờ lính Mỹ lại kéo đến. Sang nhanh trí nằm xuống lại cạnh những xác chết nhưng bị bọn chúng phát hiện. Chúng nắm tay cậu bé lôi lên dẫn về căn cứ rồi đưa lên máy bay trực thăng về sân bay Gò Hội dưới quận lỵ Đức Phổ. Khoảng 1 tuần sau, bọn Mỹ đưa anh vào một cô nhi viện ở quận này.


Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

46 năm qua, dân làng vẫn nghĩ anh Nguyễn Sang đã mất nên khắc tên anh trên bia tưởng niệm.

Tại đây, do Sang hoảng loạn không nói được tên mình nên cô nhi viện đặt cho anh tên mới là Lý Chí Hùng. Cô nhi viện này tồn tại được vài năm thì chuyển vào Vũng Tàu. Sau ngày giải phóng năm 1975, Sang được chuyển đến một cô nhi viện khác của một cha đạo người Pháp. Một năm sau, cha đạo về Pháp, cô nhi viện này tự tan rã. Từ đây, Sang bắt đầu cuộc đời lang thang. Cậu bé mồ côi đi ở cho các gia đình giàu có. Hết chăn bò, phát rẫy đến đánh xe bò đi chở cây rừng, ai thuê gì Sang làm nấy để kiếm sống.

Năm 1989, xem truyền hình thấy đưa tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ, Sang liên tưởng đến vụ thảm sát ở làng mình năm xưa và khăn gói về Sơn Mỹ để tìm người thân. Tuy nhiên, sau 3 ngày lặn lội khắp làng, hỏi về những cái tên mà Sang còn nhớ thì không một ai biết. Số tiền 3 triệu đồng Sang mang theo đã tiêu hết, lại không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên anh đành quay trở vào Vũng Tàu, định bụng tiếp tục dành dụm tiền và đi tìm nguồn cội của mình.

Năm 1991, Sang kết hôn với chị Võ Thị Ngọc Thu (SN 1973), con gái của một gia đình mà Sang làm thuê. Được vợ con chia sẻ, động viên đi tìm cội nguồn, năm 2009, Sang đăng ký nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tìm giúp người thân. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng niềm tin đã trở thành sự thật. Một ngày cuối tháng 3/2015, chương trình NCHCCCL liên lạc với Sang và cho biết đã có manh mối…

Thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ và ký ức của người thoát chết

Anh Huỳnh Minh Thương trước bia tưởng niệm có tên anh Nguyễn Sang

Kể về cuộc đoàn tụ của anh Sang với gia đình, ông Huỳnh Minh Thương (SN 1954) cho biết, ngày 24/3/2015, ông vào TP Hồ Chí Minh dự đám giỗ người cô vợ. Tại đây, một người chị họ kể rằng chị vừa xem chương trình NCHCCCL, thấy đưa thông tin về một người đàn ông muốn tìm lại gia đình. Người này cho biết anh có cha tên Tặc, mẹ tên Thừa, em gái tên Liễu. Trong một vụ lính Mỹ xả súng vào dân thường, bà nội và em Liễu bị thương, anh bị lính Mỹ đưa đi. Vừa nghe tin này, ai nấy đều vui mừng xác định đây chính là Nguyễn Sang và họ đã lập tức liên hệ với chương trình NCHCCCL. Từ đây, chương trình còn liên lạc với bà Trần Thị Đa để xác minh những thông tin về vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ. Theo đó, bà Đa chính là người đã rủ Sang trốn chạy vào núi nhưng vì thương bà và em gái nên Sang không đi, để rồi lưu lạc đến tận bây giờ.

Sau vụ thảm sát, dân làng nghĩ rằng thi thể cậu bé Sang nằm trong những ngôi mộ tập thể và họ đã khắc tên cậu vào bia tưởng niệm. Không ngờ, 46 năm sau, cậu bé năm xưa lại trở về để một lần nữa tố cáo tội ác do đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam là không thể nào tha thứ.

Hoàng Phương (Năng lượng Mới)