Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ V)

09:00 | 17/05/2019

2,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ dòng khí ở mỏ khí Tiền Hải C, diện mạo của vùng Tiền Hải từng bước thay đổi, từ một vùng dùng điện tính bằng giờ đồng hồ trở thành một vùng có điện 20 ngày/tháng. Dòng khí mỏ là điều kiện cần để hình thành Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải. Trong suốt một thời gian dài những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đây là KCN động lực của tỉnh Thái Bình.  

Động lực cho phát triển

Khi Liên đoàn 36 thực hiện việc khoan tìm kiếm dầu khí ở nhiều nơi trong tỉnh Thái Bình cũng là lúc nhiều người dân trong tỉnh bước vào làm việc trong Liên đoàn 36. Chính họ là người cảm nhận rõ nét nhất sự đổi thay của quê hương mình từ khi tìm ra nguồn khí.

Ông Vũ Ngọc Hoan là người Tiền Hải gốc. Nhiều đời gia đình ông Hoan sinh sống ở vùng đất quai đê lấn biển này. Sau đó, ông Hoan tham gia Liên đoàn 36, là công nhân lắp ráp các giàn khoan dầu khí ở Tiền Hải. Ông cho biết, trong đời công nhân của mình, ông lắp tất cả 10 giàn khoan. Từ giàn cao 40m đến giàn cao nhất là 61m, ông đều tham gia. “Cái giàn khoan cao 61m ấy là của giếng khoan 106, đứng khắp vùng Tiền Hải đều nhìn thấy”, ông Hoan nói.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky v
Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (bên phải) trao đổi cùng Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San

Khi hỏi ông Hoan “cảm giác đầu tiên của người dân trong vùng khi biết tìm thấy khí ở Tiền Hải thế nào?”, ông bảo: “Tự hào, tự hào lắm và vui mừng vì biết có dầu, có khí thì cả vùng sẽ thay đổi. Nhưng cũng có người nửa đùa nửa thật làm người dân lo sợ, nói là hút dầu khí lên thì rỗng đất, sụt đất thì sao”...

Rồi ông kể về sự đổi thay của vùng đất Tiền Hải quê mình khi tìm thấy khí, đầu tiên là điện. Trước đây cũng có điện, nhưng nhà nào có đám cưới thì làm đơn xin xã đóng điện thì cả làng mới được dùng điện thoải mái. Rồi sau đó là KCN được hình thành, con em trong vùng có công ăn việc làm, cuộc sống khá hơn rất nhiều. “Trước đây, con cá, lá rau thì bà con cũng chỉ trao đổi lẫn nhau, không phát triển được. Từ khi có công nhân về nhiều, tất cả mọi thứ đều bán được, thương mại phát triển, thế là kinh tế tự tốt lên thôi”, ông Hoan nhớ lại. Đó là cách nhìn nhận của ông Hoan, một người vừa là dân bản địa, vừa là công nhân trong ngành Dầu khí.

Còn với ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng - doanh nghiệp đang trông nom, giữ gìn giếng khoan đầu tiên của ngành Dầu khí, lại có cách nhìn chi tiết và logic hơn. Ông Kha phân tích: Thời đó, khi có các công trình dầu khí, cái được đầu tiên cho địa phương là giao thông. Bởi lẽ vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng thì phải làm đường đi. Có đường như có mạch máu kinh tế, không khí sinh động vui tươi, người dân hy vọng có gì đó đổi mới.

Ông Kha phân tích tiếp, khi phát hiện ra khí thì một loạt các doanh nghiệp được thành lập. Mỏ khí được coi là “máy cái” của KCN. Thời đó, giá trị gia tăng ở KCN Tiền Hải là cao nhất tỉnh Thái Bình. Khi có khí thì mọi loại hình công nghiệp đều phát triển mạnh, ngay cả với các doanh nghiệp không cần đến khí và thu hút được nhiều lao động đến KCN Đông Cơ - Tiền Hải.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky v
Ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Dầu khí sông Hồng

Nói về vai trò của mỏ khí Tiền Hải C, ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, nhờ có nguồn khí mỏ Tiền Hải C, Thái Bình đã hình thành được KCN Tiền Hải. Các doanh nghiệp tại KCN này sản xuất nhiều sản phẩm: Gạch ốp lát ceramic, granit, sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, sứ dân dụng, sứ cách điện, thủy tinh dân dụng, thủy tinh y tế, thủy tinh màu cao cấp, xi măng trắng…, trong đó có một số sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát đã xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ…, doanh thu thời đó đạt 360 tỉ đồng/năm, đóng góp ngân sách 9,5 tỉ đồng/năm, thu hút hơn 6.000 lao động, đóng góp lớn vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Từ Tiền Hải C đến Hàm Rồng

Sau nhiều năm tiến hành nhiều mũi khoan thăm dò, ngày 18-3-1975 tại giếng khoan 61 thuộc địa phận xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, đã phát hiện được vỉa khí tại cấu tạo Tiền Hải C với lưu lượng trên 100 nghìn m3/ngày đêm. Tuy có vai trò khai mở cho nguồn năng lượng phục vụ KCN Tiền Hải, nhưng mỏ khí Tiền Hải C là một mỏ khí nhỏ, trữ lượng tại chỗ chỉ hơn 1 tỉ m3, trữ lượng có thể khai thác chỉ khoảng 700-850 triệu m3. Sau 30 năm khai thác đưa vào sử dụng, trữ lượng khí của mỏ Tiền Hải C đã cạn kiệt.

Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh tại KCN Tiền Hải phải đối mặt với một khó khăn rất lớn đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khí mỏ, có thể ngưng trệ sản xuất, công nghệ sản xuất không còn phù hợp với nguồn nguyên liệu mới nên phải cải tiến dẫn đến tốn kém chi phí, chất lượng sản phẩm không cao, khó cạnh tranh trên thị trường, giá trị sản xuất công nghiệp không cao, một số doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp phải dần chuyển đổi sang sử dụng các dạng nhiên liệu khác thay thế khí mỏ như dầu (DO, FO), LPG, khí đốt chế biến từ than (lò khí hóa than)…

Để giải quyết tình trạng đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã triển khai đầu tư thành công 2 dự án để phát triển ngành công nghiệp sử dụng khí mỏ tại tỉnh Thái Bình. Đó là Dự án “Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng - Thái Bình Lô 102&106” do Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đầu tư với tổng vốn 1.937 tỉ đồng và Dự án “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải”, tổng vốn đầu tư 1.321 tỉ đồng do Công ty CP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam đầu tư. Sau thời gian triển khai, từ tháng 8-2015, các dự án đã chính thức đi vào hoạt động, để Thái Bình phát triển mạnh công nghiệp sử dụng khí mỏ.

Hiện nay, 2 dự án cung cấp khí mỏ cho 20 doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải với sản lượng năm 2018 đạt 76,2 triệu m3. Giá trị sản xuất công nghiệp từ KCN Tiền Hải năm 2018 đạt 4.947,53 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 141,4 tỉ đồng; tạo công ăn việc làm cho 7.301 lao động.

Dẫn các số liệu trên để thấy, từ năm 1985 đến tận thời điểm bây giờ, mối quan hệ giữa ngành Dầu khí và tỉnh Thái Bình là hết sức thân thiết. Và ngành Dầu khí đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình, không chỉ trong thời gian đầu khi mới khai thác mỏ khí Tiền Hải C.

Hiện nay, 2 dự án “Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng - Thái Bình Lô 102&106” và “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải” cung cấp khí mỏ cho 20 doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải với sản lượng năm 2018 đạt 76,2 triệu m3. Giá trị sản xuất công nghiệp từ KCN Tiền Hải năm 2018 đạt 4.947,53 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 141,4 tỉ đồng.
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky v

Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ IV)
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky v

Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ II)
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky v

Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí

Thanh Hiếu - Quang Hưng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps