Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ II)

07:00 | 07/05/2019

3,421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước yêu cầu mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động, Liên đoàn Địa chất số 36 được thành lập trên cơ sở Đoàn 36. 9 năm sau, Công ty Dầu khí I ra đời, tiếp tục sự nghiệp “tìm lửa” của 2 tổ chức tiền thân là Đoàn 36 và Liên đoàn Địa chất số 36.

Kỳ II: Từ Đoàn 36 đến Công ty Dầu khí I

Những ngày đầu tiên gian khó

Trong quá trình từ năm 1961 đến năm 1969, Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (Đoàn 36) đã tiến hành thăm dò và khoan ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ. Cú mìn nổ thăm dò địa chất đầu tiên được tiến hành ở Hưng Yên ngày 25-6-1962. Sau đó, Đoàn 36 đã thành lập nhiều đội khoan rồi lớn dần thành các đoàn khoan. Đến năm 1969, Liên đoàn Địa chất số 36 (Liên đoàn 36) được thành lập với Quyết định số 203/CP của Hội đồng Chính phủ.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky ii

Ông Phạm Xuân Bái, người “viết sử” của Công ty Dầu khí I

Lãnh đạo Liên đoàn 36 thời điểm đó gồm ông Vũ Bột, Liên đoàn trưởng; ông Bùi Đức Thiệu và Phan Minh Bích là hai Liên đoàn phó. Khi thành lập, Liên đoàn 36 có 2.300 cán bộ, công nhân, kỹ sư, trong đó có khoảng 500 kỹ sư, công nhân lành nghề. Cơ cấu tổ chức của Liên đoàn 36 gồm nhiều đoàn chuyên môn như: Đoàn Địa chấn 36F, Đoàn Trọng lực 36T, Đoàn Điện 36Đ, Đoàn Địa chất 36C An Châu và các đoàn khoan: Khoan cấu tạo 36K và Khoan sâu 36S...

Liên đoàn 36 có nhiệm vụ thực hiện các phương pháp thăm dò địa vật lý, khoan cấu tạo, khoan thông số - tìm kiếm, thăm dò kèm theo các công tác khác như xây lắp, thử vỉa, thí nghiệm mẫu khoan, cơ khí vận tải... Từ những công tác chuyên môn ấy, những giếng khoan huyền thoại như giếng 100, giếng 61, giếng 63 được ra đời...

Đến ngày 28-8-1978, Tổng cục Dầu khí đã ra quyết định số 1014 đổi tên Liên đoàn Địa chất số 36 thành Công ty Dầu khí I. Lúc đó, công ty có 2.141 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp, đại học, trên đại học là 369 người và trên 1.000 công nhân khoan, cơ khí, xây lắp lành nghề.

Nói về sự kiện này, ông Phạm Xuân Bái, nguyên Phó giám đốc phụ trách hành chính của Công ty Dầu khí I, nhận định: “Công ty Dầu khí I ra đời là sự kế tục sự nghiệp của các đơn vị tiền thân là Đoàn Địa chất 36 và Liên đoàn Địa chất 36”.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky ii

Cuốn sổ ghi chép lịch sử Công ty Dầu khí I của ông Phạm Xuân Bái

Ông Phạm Xuân Bái được ví như “người viết sử” của Công ty Dầu khí I, tất cả mọi sự kiện lớn, nhỏ của công ty và trước đó là Liên đoàn 36 đều được ông ghi chép tỉ mỉ trong một cuốn sổ bìa da, giấy ố vàng. Ông Bái kể, cuốn sổ này ông ghi chép các sự kiện tại Liên đoàn 36 và Công ty Dầu khí I từ năm 1973 đến năm 1986. Ông có chuyên môn là địa chất nhưng thường xuyên thu thập tài liệu và sau này làm việc như Chánh Văn phòng phụ trách lưu trữ cho công ty.

80 tuổi, nhưng trí nhớ của ông Bái vẫn rất tốt. Nói về quá trình hoạt động của Công ty Dầu khí I, ông phân tích: Hoạt động của công ty có thể chia làm 2 thời kỳ, thời kỳ từ năm 1978 đến năm 1986 và thời kỳ từ năm 1987 đến năm 1994. Trong 16 năm hoạt động và phát triển, công ty đã có những cống hiến đáng kể cho công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc. Công ty đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động vào năm 1978 và năm 1982. Đồng thời, công ty cũng là “cái nôi” của nhiều cán bộ sau này trở thành những lãnh đạo chủ chốt của ngành Dầu khí như các ông Trương Thiên, Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Ngọc Cư, Đỗ Văn Đạo, Phùng Đình Thực, Nguyễn Văn Minh...

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Chuyện trò với chúng tôi, nhấp ngụm trà đậm, ông Phạm Xuân Bái - “người viết sử” của Công ty Dầu khí I kể: Ngày 16-3-1975, chúng ta phát hiện dòng khí ở giếng khoan số 61 và sau đó khai thác khí ở giếng này. Những năm tiếp theo, từ năm 1978 đến năm 1980, đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật Công ty Dầu khí I đã nghiên cứu và tận dụng thiết bị, vật tư trong quá trình tìm kiếm, thăm dò để thiết kế và xây dựng thành công trạm xử lý khí, thu gom khí. Đây là công trình mới mẻ lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Công trình này đã được triển lãm kinh tế - kỹ thuật năm 1982 trao Huy chương Vàng.

Từ năm 1981 đến năm 1986, Công ty Dầu khí I đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế nói chung và nền công nghiệp của tỉnh Thái Bình nói riêng. Cùng với việc khai thác khí, Công ty Dầu khí I đã đẩy mạnh việc khoan thăm dò bổ sung để đánh giá trữ lượng mỏ khí Tiền Hải C. Trong thời gian này, toàn công ty đã thi công gần 39.000m khoan. Kết quả của các giếng khoan đó đã giúp các nhà địa chất - địa vật lý hoàn thành báo cáo trữ lượng mỏ khí Tiền Hải C.

Trong giai đoạn này, ngoài việc thăm dò ở khu vực Tiền Hải, Thái Bình thì công ty còn tìm kiếm ở các vùng phụ cận như: Tỉnh Hưng Yên, Quỳnh Phụ - Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) hay Giao Thủy (tỉnh Nam Định) để khảo sát khả năng dầu khí ở các tỉnh này.

“Đến cuối năm 1985, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở vùng trũng sông Hồng bước vào giai đoạn kết thúc và Công ty Dầu khí I chỉ còn nhiệm vụ khai thác khí mỏ là chủ yếu, sau đó là nhiệm vụ thu gom, bảo dưỡng thiết bị máy móc đã qua sử dụng”, ông Phạm Xuân Bái nói.

Tổng kết lại, trong suốt quá trình 8 năm hoạt động đầu tiên của công ty, các kỹ sư, công nhân của Công ty Dầu khí I đã thi công trên 70 giếng khoan với tổng số chiều sâu 77.000m.

Bước sang năm 1986, chế độ bao cấp được xóa bỏ, Công ty Dầu khí I bước sang một giai đoạn mới với nhiệm vụ tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như bảo đảm đời sống cho người lao động. Đến năm 1987, ngoài việc khai thác mỏ khí Tiền Hải, công ty đã triển khai nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác như tận dụng nguồn khí dư để mở cơ sở sản xuất sứ, thủy tinh, nung vôi, đốt gạch, tận dụng nguồn condensate để sản xuất chất dung môi và các loại hóa phẩm... Ngoài ra, công ty còn mở cơ sở sản xuất gia công cơ khí, mô tơ điện, săm lốp xe đạp; sử dụng nguồn nước khoáng để sản xuất nước giải khát.

“Tháng 5-1994, Công ty Dầu khí I được sáp nhập vào Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và cũng từ ngày đó, Công ty Dầu khí I đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình sau 16 năm tồn tại. Đó là một quá trình đầy tự hào, nhưng cũng nhiều chông gai và thử thách”, ông Phạm Xuân Bái đúc kết lại quá trình hoạt động của Công ty Dầu khí I.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày 28-8-1978, Tổng cục Dầu khí quyết định đổi tên Liên đoàn Địa chất số 36 thành Công ty Dầu khí I. Lúc đó, công ty có 2.141 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 369 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp, đại học, trên đại học và trên 1.000 công nhân khoan, cơ khí, xây lắp lành nghề. Trong 8 năm hoạt động đầu tiên, công ty đã thi công trên 70 giếng khoang với tổng số chiều sâu 77.000m.
thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iiThái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí

Thanh Hiếu - Quang Hưng