Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ IV)

11:00 | 15/05/2019

1,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với những người trong ngành Dầu khí, khi nhắc đến giếng khoan 61 (GK 61) là nhắc đến một vùng đất thiêng trong tâm tưởng. Bởi lẽ, GK 61 là nơi đầu tiên phát hiện khí, là thành quả của những nỗ lực, khát vọng của rất nhiều người hàng chục năm theo các giàn khoan khắp Đồng bằng sông Hồng đi tìm dầu khí.

Âm thanh không bao giờ quên

Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Liên tục những năm sau đó, Thái Bình dẫn đầu cả nước về khối lượng lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Trong những năm từ 1973 đến 1975, những tấn lương thực từ Thái Bình lại càng hối hả ra tiền tuyến nhiều hơn. Nhưng Thái Bình không chỉ có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay mà còn có những giàn khoan dầu khí mọc rải rác trên những cánh đồng.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iv
Giếng khoan 61 được đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Sau Tết Ất Mão 1975, loa phóng thanh ở các làng xã Thái Bình dồn dập tin thắng trận từ khắp các chiến trường gửi về. Và hòa trong niềm vui của dân tộc, ngành Dầu khí cũng có một tin vui, đó là tìm thấy khí ở GK 61 tại xã Đông Cơ. Đây là kết quả của 15 năm đằng đẵng miệt mài thăm dò dầu khí ở khắp các vùng thuộc Đồng bằng sông Hồng.

Khi nhắc lại sự kiện này, những người chứng kiến phút giây tìm thấy khí khi ấy, đến bây giờ vẫn chưa hết hân hoan. Trên nét mặt ông Nguyễn Xuân Nhự (Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí - Văn phòng Chính phủ) vẫn còn nguyên sự hào hứng, vui mừng. Ông Nhự kể, tới nay đã qua 44 năm, nhưng ông vẫn nhớ như in tiếng khí phun rít lên từng đợt như tiếng máy bay phản lực bay ở tầm thấp. Suốt bao năm, tiếng máy bay phản lực tượng trưng cho một cái gì đó kinh hoàng, là sự sợ hãi của biết bao người dân Thái Bình. Nhưng tiếng rít chói tai như tiếng phản lực lần này là những âm thanh rất đỗi vui mừng. Mọi người ôm lấy nhau, hò reo hân hoan bên tháp khoan cao 50m, sừng sững giữa trời. Ông Nhự bảo, đó là cảnh tượng đến hết cuộc đời này ông cũng không thể quên.

Ông Nhự là một người có trí nhớ kỳ lạ, dường như tất cả những công việc mà ông từng tham gia trong ngành Dầu khí ông đều có thể nhớ. Những dữ liệu trong đầu ông như được sắp xếp vào những ngăn ký ức rất khoa học, hỏi đến chuyện nào, ông đều kể hết sức tỉ mỉ, chi tiết và logic, kể cả các số liệu kỹ thuật hay thời gian. Bằng trí nhớ kỳ lạ ấy, ông kể cho chúng tôi nghe về sự kiện trọng đại của ngành Dầu khí. Bởi ở thời điểm ấy, ông trực tiếp có mặt tại GK 61, ngay thời điểm giếng phun khí.

Theo ông Nhự, sau hàng loạt giếng khoan không tìm thấy dầu và khí, các chuyên gia Liên Xô cùng các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã xem xét lại phương pháp khoan. Vị trí của GK 61 được xác định đạt những tiêu chí về điều kiện địa chất thuận lợi cho việc hình thành tích tụ dầu khí trên cấu tạo Tiền Hải C. Cấu tạo này là cấu tạo nhỏ, khép kín nhưng lại là nơi nhô cao nhất nằm kề với hai trũng sâu có chiều dày trầm tích lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Niềm hạnh phúc vỡ òa

GK 61 được đặt ngay tại khu vực đỉnh của cấu tạo nằm tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thiết kế giếng khoan tìm kiếm này sâu 2.400m. Khi khoan tới 1.250m, tiến hành đo địa vật lý giếng khoan. Phân tích tài liệu địa chất, địa vật lý giếng khoan cho thấy tại khoảng chiều sâu 1.146-1.152m là vỉa cát kết hạt trung bình, hạt có độ lựa chọn tốt, có những thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Đến độ sâu này, mọi người quyết định thử vỉa.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iv
Trạm xử lý khí đầu tiên của ngành Dầu khí

Ông Nhự kể, đến ngày 17-3-1975, rất nhiều người, trong đó có cả những lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, chờ đợi kết quả thử vỉa. Thậm chí, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã về tận GK 61 để thăm anh em nhưng đi rất giản dị, lặng lẽ, không báo cho ai biết. Nhưng thật buồn là bộ thử hôm đó bị trục trặc, không đem lại kết quả. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ra về, không quên dặn anh em ở lại hoàn thành tốt công việc.

Ngày hôm sau, 18-3-1975, công việc lại được tiếp tục. 7 giờ, các cán bộ thả bộ thiết bị xuống giếng khoan. 9 giờ van thử được mở. Tất cả kỹ sư trèo lên sàn khoan để quan sát biểu hiện dòng sản phẩm. Hơn 1 tiếng sau vẫn không có biểu hiện. Cuộc thử kết thúc, bộ thiết bị được kéo lên. Khoảng 1-3 bộ cần khoan được kéo lên cũng không có dấu hiệu gì.

“Lúc đó chúng tôi đã nghĩ vỉa không có dầu khí, buồn vô cùng. Chỉ để lại một cán bộ để theo dõi, chúng tôi về nơi nghỉ của Tổ địa chất giếng khoan là nhà kho Hợp tác xã Đông Cơ, cách giếng khoan khoảng 700m để ăn trưa”, ông Nhự nhớ lại.

Kể đến đây, giọng ông Nhự thay đổi, hào hứng và vui tươi hơn hẳn. Ông bảo, vừa bê bát cơm lên chưa kịp ăn thì anh cán bộ ở lại trông giàn khoan đã đạp xe phi thẳng vào sân hợp tác xã, miệng lắp bắp: “Anh Cư...ư...ư, khí phun...un...un...” (thời điểm đó, Liên đoàn phó Liên đoàn 36 là ông Nguyễn Ngọc Cư - PV).

“Tất cả mọi người đều bỏ cơm lại, lên xe lao ra khoan trường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dòng nước phun phủ kín cả tháp khoan và sau đó là tiếng rít xé tai như âm thanh của máy bay Mỹ bay thấp qua đầu. Người tôi nổi da gà, tim đập dồn dập, đứng nhìn khí phun”, ông Nhự miêu tả lại cảm giác lúc đó.

Sau ít phút đắm chìm trong niềm vui sướng, tất cả mọi người trở lại việc của mình, nhanh chóng dập tắt, ngừng các nguồn nhiệt xung quanh theo chỉ đạo của chuyên gia Liên Xô. Những người khác thì thu dọn tài liệu, mẫu vật đem đi cất ở chỗ khác đề phòng sự cố cháy nổ. Rồi các van đối áp được đóng lại sau rất nhiều cố gắng. Sau đó, máy bơm làm việc trở lại, dung dịch được bơm vào lòng giếng và khí được khống chế hoàn toàn.

Ông Nhự lý giải: Hiện tượng khí phun trong quá trình kéo bộ dụng cụ thử giếng khoan chưa chống ống lên là sự cố ngoài ý muốn, là bài học cho công tác thử vỉa sau này. Sau đó, công tác khoan được tiếp tục tới chiều sâu 2.400m. Công tác chống ống, trám xi măng hoàn thành, tiếp theo là thực hiện công tác nghiên cứu vỉa. Ngay sau đó, phương án thăm dò (ngày nay gọi là thẩm lượng) cấu tạo Tiền Hải C được triển khai.

Những hoạt động thăm dò địa chấn dầu khí đầu tiên được bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước. 15 năm sau mới phát hiện được dòng khí đầu tiên tại Đồng bằng sông Hồng. Có những người bắt đầu theo các đoàn khoan từ khi mới hơn 20 tuổi, đến thời điểm đó đã gần 40 tuổi. Có thể nói, cả tuổi trẻ, thời thanh xuân của họ gắn bó với các giàn khoan, gắn bó với ước mơ tìm thấy dầu, khí. Vì vậy, tìm thấy khí, họ vui mừng vô cùng. Sự kiện tìm thấy khí ở GK 61 là một sự kiện trọng đại của đất nước, chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, của Bác Hồ. Và cũng từ đó, vùng quê lúa Thái Bình đã đổi thay rất nhiều.

Vị trí của GK 61 được xác định đạt những tiêu chí về điều kiện địa chất thuận lợi cho việc hình thành tích tụ dầu khí trên cấu tạo Tiền Hải C. Cấu tạo này là cấu tạo nhỏ, khép kín nhưng lại là nơi nhô cao nhất nằm kề với hai trũng sâu có chiều dày trầm tích lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Thanh Hiếu - Quang Hưng

(Xem tiếp kỳ sau)

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iv

Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ II)

Trước yêu cầu mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động, Liên đoàn Địa chất số 36 được thành lập trên cơ sở Đoàn 36. 9 năm sau, Công ty Dầu khí I ra đời, tiếp tục sự nghiệp “tìm lửa” của 2 tổ chức tiền thân là Đoàn 36 và Liên đoàn Địa chất số 36.

thai binh cai noi cua nganh dau khi ky iv

Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí

Sự phát triển của mỗi ngành công nghiệp đều có những mốc son đáng nhớ. Với ngành Dầu khí Việt Nam, đó là ngày 23-7-1959 khi ước mong của Bác Hồ về một ngành Dầu khí Việt Nam vững mạnh được nảy sinh từ một nơi rất xa - Baku, Cộng hòa Azerbaijan. Và, ngày 18-3-1975, tại khoan trường 61 thuộc xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, những “người đi tìm lửa” đã thấy dòng khí phun lên. Đó là một ngày trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam.