Tàu bệnh viện giữa Biển Đông
Năng lượng Mới số 327
Rẽ sóng cứu người
Chúng tôi, những người cùng đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra thăm Trường Sa đầu tháng 5 vừa qua không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô, tiện nghi của tàu HQ-561. Tàu dài 70,65m; rộng 13,2m; độ mớn nước 3,5m; trông như một tòa nhà ở các bệnh viện lớn trên đất liền. Tàu được chia làm 4 tầng A, B, C, D với đầy đủ các phòng chức năng. Tầng C là trung tâm của “bệnh viện di động” với 9 phòng: buồng giảm áp, buồng xét nghiệm, buồng siêu âm, điện tim, X-Quang, răng - hàm - mặt, phòng mổ, sơ cấp cứu, hồi sức cấp cứu. Các tầng B và D là những khu giường bệnh có khả năng đáp ứng cho gần 100 người khám, chữa bệnh cùng một lúc.
Tàu HQ-561
Đại úy Nguyễn Văn Cường, Thuyền trưởng tàu HQ-561 cho chúng tôi biết, số lượng thuyền viên 26 người, kíp quân y là 12 người. Nhiệm vụ chính của tàu HQ-561 là cấp cứu, cứu chữa bệnh cho quân dân Trường Sa, nhà giàn DK1; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho ngư dân; chở quân, chở các phái đoàn cấp cao thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Từ khi đưa vào hoạt động tháng 12/2012, tàu HQ-651 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn như khám chữa bệnh đợt I cho quân dân trên quần đảo Trường Sa, tham gia các cuộc diễn tập nhân đạo khu vực, sẵn sàng cứu giúp, cứu nạn trên biển…
Một trong những nhiệm vụ tàu HQ-561 hoàn thành xuất sắc chính là tham gia cuộc diễn tập đa phương Hải quân ASEAN (KOMODO) kết hợp cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai do thảm họa sóng thần từ 25/3 đến 16/4/2014. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của 18 nước, trong đó 13 nước cử 48 tàu các loại cùng 4.885 người tham gia. Ngoài khối ASEAN còn có hải quân các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia tham dự. Lần đầu tiên có một tàu quân y của Việt Nam tham dự một cuộc diễn tập quy mô nên bạn bè quốc tế rất chú ý đến những hoạt động của đoàn Việt Nam.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường kể: “Chúng tôi đã thực hiện 3 ca tiểu phẫu trên tàu cùng việc khám, phát thuốc cho hàng nghìn người dân Indonesia”. Những công việc như chụp X-quang, tư vấn sức khỏe cho dân Indonesia đều được các bác sĩ Việt Nam sao chụp lại để gửi các cơ quan hữu quan nước bạn theo dõi. Sau đợt hoạt động nhân đạo đó, hải quân các nước đánh giá rất cao thiện chí của Việt Nam và tay nghề của đội ngũ y bác sĩ. Hoạt động nhân đạo của tàu HQ-561 không chỉ giúp Việt Nam tham gia sâu rộng vào các vấn đề toàn cầu mà còn khẳng định sự trưởng thành của hải quân Việt Nam.
Đối với các hoạt động trong nước, Đại úy Nguyễn Văn Cường nhớ lại, hồi giữa năm 2013, tàu có thực thi nhiệm vụ khám, cấp phát thuốc cho quân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và ngư dân đang đánh bắt hải sản quanh ngư trường Trường Sa. Với sự chuẩn bị và có thông báo từ trước, công tác khám cho quân dân trên các đảo diễn ra rất quy củ, đảm bảo phát hiện đúng bệnh, cấp đủ thuốc cho chiến sĩ. Khi chúng tôi hỏi Đại úy Nguyễn Văn Cường: “Với ngư dân, các anh có khó khăn gì trong công tác khám chữa bệnh không?” Anh cười vui: “Mặc dù trên tàu có hình chữ thập đỏ rất to nhưng nhiều ngư dân cũng không biết tàu này có nhiệm vụ gì. Chúng tôi phải bắc loa thông báo cho ngư dân biết. Sau đó hạ thuyền, di đến từng tàu cá của ngư dân, giải thích cho họ sự cần thiết của việc khám sức khỏe định kỳ và đón họ lên tàu HQ-561 để khám và phát thuốc”.
Trong chuyến công tác đó, đội ngũ y bác sĩ trên tàu HQ-561 vẫn còn nhớ đã cứu sống một ngư dân tỉnh Tiền Giang ngộ độc nặng. Khi đang hoạt động ở khu vực nhà giàn DK1 thì có một tàu cá lao với tốc độ rất nhanh táp gần tàu HQ-561 và phát tín hiệu cấp cứu. Khi ấy trên tàu cá có 9 người, đều bị ngộ độc với biểu hiện tiêu chảy, mất nước, chất độc đang tác động lên thần kinh khiến bệnh nhân co giật. Trong đó có một ngư dân bị độc rất nặng, nếu để chậm vài chục phút nữa sẽ dẫn tới tử vong. Các bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu và cho truyền nước ngay. Sau 2 ngày điều trị, tất cả ngư dân của tỉnh Tiền Giang đã được cứu sống. Tàu HQ-561 đã cấp dầu, nước ngọt, thực phẩm cho ngư dân trở về nhà để tiếp tục dưỡng bệnh.
Anh Thái Đàm Lương, bác sĩ có tay nghề thâm niên nhất tàu HQ-561, người đã từng công tác 19 năm trong quân đội, trong đó có 7 năm (2000 - 2007) thực hiện nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa kể một câu chuyện về tình quân dân hết sức xúc động làm anh nhớ mãi. Năm 2003, khi đang tập thể dục buổi sáng ở bãi đất trống trên đảo Thuyền Chài thì bác sĩ Lương được cấp trên gọi về khu bệnh xá gấp. Không kịp lau mồ hôi, anh vừa chạy vừa xỏ chiếc áo vào người để về nghe lệnh cấp trên giao. Về đến bệnh xá, trước mắt anh là một thanh niên nằm vật trên giường bệnh với các biểu hiện của ngộ độc. Sau khi biết bệnh nhân ngộ độc do ăn bộ lòng con đồi mồi (dân biển gọi là vích lửa), bác sĩ Lương tiến hành các biện pháp hồi sức cấp cứu.
Sau 30 phút, bệnh nhân đã có dấu hiệu tỉnh lại, lúc đó bác sĩ Lương mới nói: “Anh vào muộn 30 phút nữa thì chúng tôi cũng không làm được gì”. Sau đó, người thanh niên nhanh chóng được đưa vào bờ tiếp tục chạy chữa. 10 ngày sau, anh ngư dân bị ngộ độc đã tiếp tục ra biển, xin lên đảo gặp bác sĩ Lương để cảm ơn. Nắm tay bác sĩ Lương, anh Ninh (ngư dân được cứu) bật khóc và nói trong nấc nghẹn: “Anh đã sinh ra tôi lần thứ hai. Ơn này, đời tôi không quên”.
Bác sĩ Thái Đàm Lương
Những ca cấp cứu, đấu tranh sinh tử của kíp y bác sĩ tàu HQ-561 không phải là hiếm. Dường như các anh luôn phải đối mặt với khả năng đồng bào mình sẽ bị “thần biển” cướp sinh mạng. Nếu trên đất liền, bệnh nhân bị biến chứng hoặc diễn biến bệnh tật phức tạp sẽ được chuyển lên tuyến trên hoặc thay kíp bác sĩ giàu kinh nghiệm. Tàu bệnh viện HQ-561 không có những ưu thế đó, vậy nên phải tận dụng tối đa mọi khả năng của bác sĩ cùng máy móc để cứu chữa bằng được mạng sống của ngư dân hoặc chiến sĩ.
Có một điểm thú vị trên con tàu bệnh viện này là các bác sĩ có thể thực hiện các ca phẫu thuật trong điều kiện biển động cấp 7-8. Để thực hiện nhiệm vụ trên, tàu đã được lắp thêm 2 vây chống rung lắc. Khi chưa lắp vây, đội ngũ y bác sĩ đã thực nghiệm trên động vật ở 3 trường hợp: tàu đứng yên, tàu hoạt động trong gió cấp 3-4, gió cấp 5-6 đều cho kết quả khả quan. Nhưng nếu gió giật từ cấp 7 trở lên rất khó để đảm bảo an toàn quá trình phẫu thuật, nhất là những ca phẫu thuật cần độ chính xác cao. Việc lắp vây sẽ giảm rung lắc cho tàu, giúp bác sĩ có một môi trường làm việc ổn định trong thực thi nhiệm vụ phẫu thuật. Đồng thời, tàu chạy êm hơn để giảm thiểu những tác động cho bệnh nhân; giảm thiểu tình trạng say sóng cho những bệnh nhân lần đầu đi biển.
Những “anh nuôi” trên biển
Thật sự thiếu sót nếu không kể đến những “anh nuôi” trên tàu HQ-561. Họ là quân nhân chuyên nghiệp trên đất liền được cử theo tàu phục vụ hậu cần cho những đoàn khách hoặc hậu cần cho bệnh nhân trong những chuyến thăm khám bệnh định kỳ. Trong hành trình 10 ngày trên biển, tổ hậu cần chỉ có 15 đồng chí nấu ăn, 2 đồng chí cấp dưỡng, 1 đồng chí tài chính phải đảm bảo 4 bữa/ngày cho 150 thành viên. Tưởng chừng ngần ấy con người là quá tải để phục vụ nhiều bữa ăn cho khách nhưng họ đã phải làm việc với cường độ cao, trách nhiệm và tâm huyết.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Văn Sao, tổ trưởng tổ hậu cần tàu HQ-561 giới thiệu: “Chúng tôi phải nắm rõ quân số, từ đó lên thực đơn, đặt hàng từ đất liền. Mọi công tác chuẩn bị đều tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng chỉ của các cơ quan giám sát”. Mỗi chuyến đi biển, tổ hậu cần phải đảm bảo thực phẩm cho đoàn đủ số ngày trong lịch trình, có dư 2-3 ngày thực phẩm. Sau khi lựa chọn kỹ, thực phẩm sẽ được hút chân không, rau đóng thành gói nhỏ 3-5 kg/túi, thịt đóng gói hoặc để nguyên tảng và đưa vào kho lạnh.
Nghe Trung tá Nguyễn Văn Sao kể chuyện, chúng tôi liên tưởng đến quy trình chọn thực phẩm của những bếp ăn dầu khí do Công ty CP Quản lý và Khai thác tài sản Dầu khí (PSA) đang thực hiện. Khâu chọn mua thực phẩm lấy từ một nhà cung cấp có uy tín, có đầy đủ chứng chỉ an toàn trước khi đưa vào bếp. Những bếp ăn của PSA ở tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam, tòa nhà Petrovietnam, tòa nhà 22 Ngô Quyền - Hà Nội luôn sạch sẽ, quy trình sơ chế, nấu nướng đều tuân thủ quy chuẩn của bếp ăn 3 sao. Đứng trong nhà bếp của tàu, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi với căn bếp chỉ rộng chừng 15m2 nhưng là chỗ nấu cho hơn 150 người ăn. Giữa bếp đặt một bếp điện có 4 ô, đủ nấu 4 nồi thịt hoặc 2 nồi canh đặt so le. Những bàn tay thoăn thoắt của anh nuôi nhấc nồi canh đưa lên đặt xuống, trông sao mà gọn thế.
Để quy trình nấu ăn được đúng giờ, tổ hậu cần phải thức giấc lúc 3 giờ sáng chuẩn bị bữa sáng lúc 5 giờ 30. Sau đó họ chuẩn bị thực phẩm cho bữa trưa lúc 10 giờ 30, bữa chiều 17 giờ và bữa đêm lúc 21 giờ. Tất cả ngần ấy mốc thời gian, các “anh nuôi” thực hiện không chậm một phút. Họ tâm nguyện: “Đúng giờ là một phần của việc đảm bảo cơm dẻo, canh ngọt, thịt đậm đà”.
Chúng tôi theo Thiếu úy Nguyễn Văn Dũng xuống kho thịt cá và kho rau của tàu. Hai kho này đặt sâu dưới khoang tàu, cạnh đuôi tàu, rất gần bếp và khu bể nước ngọt. Kho rau luôn lạnh khoảng 5 độ. Từng loại rau được xếp thẳng hàng, đúng chủng loại. Mặc dù đã bảo quản trong kho được 5 ngày nhưng rau vẫn còn tươi nguyên, rất ít loại rau bị héo. Kho thịt, cá nằm cạnh kho rau và luôn -18 độ. Mỗi lần chiến sĩ vào lấy thịt, cá đều chỉ vào khoảng dưới 2 phút, thao tác thật nhanh để đi ra khỏi bị cảm lạnh. Nếu ai đó muốn vào tham quan, các anh nuôi sẵn sàng là hướng dẫn viên và luôn được trang bị khẩu trang, khăn quàng cổ giữ ấm. Nếu bị cảm lạnh thì phải lên ngay phòng sơ cứu của tàu để được cấp phát thuốc. Đây là một công việc thú vị của các anh nuôi, cho thực khách xem tận mắt những thực phẩm dùng hàng ngày, thực khách thấy được sự vất vả của tổ hậu cần.
Thiếu uý Nguyễn Văn Dũng kiểm tra kho thịt, cá trên tàu
Thiếu úy Nguyễn Văn Dũng năm nay mới 34 tuổi nhưng đã có 13 năm làm công tác hậu cần, anh nói: “Làm bếp trên tàu có khó khăn rất riêng. Nếu có sóng to, gió lớn thì một người đảo thịt, một người phải giữ nồi thật chặt, tránh chao nghiêng. Ngoài ra, thực khách trên tàu đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để vừa miệng tất cả là việc làm rất khó”. Đúng là làm anh nuôi trên tàu như cảnh “làm dâu trăm họ”, để vừa lòng thực khách là một nhiệm vụ khó thành. Nhưng tổ hậu cần luôn đặt mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Thứ nữa là đảm bảo thức ăn được nấu chín đúng giờ, vệ sinh khu bếp sạch sẽ, tươm tất.
Thực tế, những anh nuôi trên tàu HQ-561 đều từ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 2, 4 cử lên tàu làm nhiệm vụ. Họ đều có nhiều năm kinh nghiệm đi biển và phục vụ bếp trên các con tàu khác nhau. Trung tá Nguyễn Văn Sao tâm sự rằng, với 30 năm phục vụ trong ngành, trải qua rất nhiều vị trí công tác từ huấn luyện, giáo viên, đến anh nuôi, trung tá đúc kết: Trong hậu cần phải tỉ mỉ, trong quân sự phải cương quyết, trong nghề giáo phải đứng đắn, đúng sư phạm. Với chúng tôi, những người lần đầu được rời đất liền ra đảo, càng thêm thấm thía những kinh nghiệm quý báu đó. Cho dù hoạt động ở vị trí nào trên con tàu HQ-561, những chiến sĩ mặc blouse, tạp dề đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết mình vì biển đảo quê hương.
Đức Chính