Tâm và trí của “hiệp sĩ chống dịch”
Nghề chọn người
Gần 30 năm gắn bó với Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, một nơi được xem là “đầu sóng ngọn gió” của dịch bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh xem đó là may mắn của mình.
Ông cho rằng, nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề và mỗi người có một cái duyên đến với nghề. Nghề đó tạo cho mình trách nhiệm với xã hội. Nếu may mắn thì được nghề đãi mình, để mình làm tốt hơn.
![]() |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh |
Ông kể, thời còn cắp sách tới trường ông chưa khi nào nghĩ mình sẽ thi vào ngành y, ngày đó ông chỉ say mê với những định luật vật lý, sửa chữa máy móc và nghĩ rằng sau này mình sẽ thi vào trường đại học tổng hợp ngành vật lý. Rồi giữa năm học lớp 12, một người bạn rủ ông thi vào trường y, đang không biết quyết định như thế nào, ông về nhà hỏi ý kiến của mẹ và mẹ nói “được” thế là ông làm hồ sơ thi vào ngành y.
Năm 1982 ông thi đỗ vào trường y, đến năm 1988, ông tốt nghiệp ra trường và xin về làm việc tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM.
Vào thời đó, Khoa Nhiễm - Thần kinh đang thiếu người và ông được giới thiệu vào làm việc tại đây với thời gian thử việc 3-4 tháng không lương. Với tính cách lanh lẹ và ham học hỏi ông bắt đầu dấn thân vào công việc ở khoa. Đến năm 1996, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa. Không chỉ làm công việc của bác sĩ mà ông còn đi theo điều dưỡng để học hỏi từng việc nhỏ nhặt. Ông nói, làm bác sĩ thì cũng phải coi các khâu khác như thế nào và mình cũng phải biết làm, nếu không làm thì sao biết đúng sai ở đâu. Điều đó cũng được ông truyền dạy cho các bác sĩ trẻ sau này.
Luôn hướng đến bệnh nhi
Với bác sĩ Trương Hữu Khanh, dù người nhà bệnh nhi có khó khăn hay bắt bẻ, ông cũng không bao giờ phàn nàn mà tập trung lo cho bệnh nhi được tốt nhất. Một bác sĩ trẻ đã theo học ông 10 năm chia sẻ: “Trong chăm sóc và điều trị, thầy luôn chăm chú vào trẻ, làm sao chăm sóc cho trẻ tốt nhất chứ không nhìn vào sự khó khăn của người nhà”.
Sau gần 3 năm ra đời, trang Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” đã có khoảng gần 190.000 lượt người theo dõi với hàng trăm câu hỏi về các bệnh lý của trẻ, cách chăm sóc, tâm lý trẻ em, tiêm ngừa, dinh dưỡng, phòng bệnh... được ông trả lời rất ngắn gọn và dễ hiểu. |
Một điều khiến nhiều người nể phục và yêu quý ở người bác sĩ này, đó chính là ông chẳng khi nào từ chối bất kỳ cuộc điện thoại của các bậc cha mẹ nào dù có quen hay không quen biết và trong bất kỳ thời gian nào, nếu không bận, ông đều tận tình trả lời.
“Chỉ biết số điện thoại của bác Khanh chứ chưa từng gặp bác, nhưng mỗi lần con bị bệnh, tôi lại gọi điện thoại nhờ bác tư vấn và đều được bác trả lời rất nhiệt tình và dễ hiểu”, chị Trần Thị Điểm (quận Thủ Đức) cho biết.
Suốt 20 năm, mỗi khi kết thúc công việc tại bệnh viện, ông lại vượt qua hàng chục cây số để về Hóc Môn khám bệnh cho trẻ em, với lý do ông muốn trả ơn cho vùng đất ông đã sinh ra và lớn lên, khi điều kiện y tế ở đây còn khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu bác sĩ nhi. Lượt bệnh nhi đến khám tại phòng khám của ông mỗi ngày lên đến vài trăm trẻ. Những đứa trẻ mỗi khi đến khám tại phòng mạch của ông luôn được ông hỏi han, quan tâm tận tình và vui đùa cùng chúng, bởi vậy mà không ít trẻ khi tới phòng mạch của ông lại không muốn về và xem ông như “thần tượng” của mình. Còn người dân Hóc Môn đến bây giờ vẫn nhắc đến phòng mạch 15.000 đồng của bác sĩ Trương Hữu Khanh với đầy vẻ tiếc nuối và nhiều người không hiểu tại sao ông lại đóng cửa phòng mạch?
![]() |
Người thầy nhiệt huyết của các bác sĩ trẻ |
“Đi lại nhiều năm với đoạn đường khá xa và số lượt bệnh nhân đến khám đông, tôi thấy mình không đủ sức khỏe nên đóng cửa phòng mạch. Hơn nữa, khi tôi nghỉ thì nơi đây cũng đã có nhiều bác sĩ nhi khác”, bác sĩ Trương Hữu Khanh tâm sự.
Khi nghỉ ở phòng mạch, ông có thời gian với trang Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”. Ông cho hay: “Ban đầu tôi tính mở trang web nhưng sau một thời gian dài tôi thử vô Facebook thì thấy trang này tương tác rất nhanh và nghĩ tại sao mình không làm trang này. Thế là tôi bắt tay vào làm ngay. Trang Fanpage ra đời cũng là một sự tình cờ, có lẽ cái nợ của mình chưa hết. Chứ quản lý trang này cũng cực như phòng mạch, cũng phải dậy sớm và canh giờ để trả lời phụ huynh”.
Sau gần 3 năm ra đời, trang Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” đã có khoảng gần 190.000 lượt người theo dõi với hàng trăm câu hỏi về các bệnh lý của trẻ, cách chăm sóc, tâm lý trẻ em, tiêm ngừa, dinh dưỡng, phòng bệnh... được ông trả lời rất ngắn gọn và dễ hiểu. Không chỉ có các bậc cha mẹ trong nước hỏi mà có cả cha mẹ ở Thái Lan, Australia, Nga... hỏi. Với lượt người theo dõi rất đông như vậy, không ít lần trang Fanpage của ông bị phá, hay bị giả mạo để quảng cáo sản phẩm.
Không màng danh lợi
Ông Trương Hữu Khanh được xem là một bác sĩ có suy nghĩ rất lạ đời. Có lẽ suy nghĩ lạ đời đó đã ăn sâu vào ông từ hồi còn bé. Những người từng tiếp xúc với ông đều có chung một suy nghĩ, ông là người không màng danh lợi và tiền tài. Đối với ông, vật chất, tiền bạc chỉ là phương tiện khi mình thấy đủ là đủ.
Đó cũng là một trong những lý do mà bác sĩ Trương Hữu Khanh đóng cửa phòng mạch của mình và rồi về trả lời thắc mắc của các cha mẹ miễn phí trên trang Fanpage. Ông quan niệm: “Tôi không cần quá nhiều của cải hay đồ trang sức, những thứ tôi có chỉ là phương tiện, những phương tiện đó tôi thấy vừa đủ rồi thì tôi cũng không cần gì nhiều thêm. Cùng lắm cũng chỉ ăn ba bữa, ngủ một cái giường và đi một chiếc xe”.
Vì chẳng màng đến danh lợi nên khi được đề bạt lên làm quản lý bệnh viện ông liền từ chối với lý do: “Tôi thích làm lâm sàng hơn, làm quản lý nặng đầu, phải họp hành liên miên. Đối ngoại mang tính chuyên môn còn thích, còn mang tính thủ tục thì tôi không thích”.
Biện pháp xử lý tình trạng bệnh tay - chân - miệng nặng, nguy kịch bằng phương pháp thay máu của ông cũng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tưởng chừng không qua khỏi. Cũng từ đó, ông được mọi người đặt cho biệt danh “Hiệp sĩ chống dịch”. |
Một người thầy nhiệt huyết
Không chỉ giỏi trong chuyên môn, ông còn là một người thầy luôn tạo nhiệt huyết cho các bác sĩ trẻ. Ông được cho là một người thích phản biện, chuyện gì chưa thuyết phục được ông thì ông phản biện cho đến cùng. Điều đó cũng được ông dạy cho các bác sĩ trẻ sau này. Ông chia sẻ: “Là một bác sĩ, ai nói gì mình đừng có chấp nhận liền mà phải tìm hiểu, tìm tòi thêm để phục vụ cho bệnh nhân của mình. Dù mình không đồng ý với ý kiến của họ nhưng mình cũng phải phản biện một cách lễ phép”.
Với tính “thẳng như ruột ngựa” của mình, khi thấy bác sĩ trẻ nào làm sai là ông nói liền chứ không hề bao che. Bởi ông nghĩ rằng, nếu làm sai mà không la, không chỉ ra cái sai đó thì sau này họ lại tiếp tục làm sai, điều đó không có lợi cho chính người đó và cho cả bệnh nhân.
![]() |
Bác sĩ Khanh trao đổi công việc với đồng nghiệp trong khoa |
Điều mong muốn hiện nay của ông là làm sao xây dựng được một đội ngũ nhân viên y tế trẻ có hướng đi đúng nhất trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ông luôn dành thời gian để dạy học trò từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và khi càng đến gần với tuổi nghỉ hưu, ông lại càng suy nghĩ nhiều hơn về những bác sĩ đàn em.
Là một học trò theo bác sĩ Trương Hữu Khanh hơn 10 năm nay, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói: “Điều mà tôi học hỏi nhiều nhất ở thầy tôi không chỉ về chuyên môn mà còn cả về đạo đức nghề nghiệp. Thầy thường hay chia sẻ với những bác sĩ trẻ chúng tôi rằng: Ngành y không phải là ngành để kiếm tiền. Khi tôi mở phòng mạch riêng, thầy cũng nói với tôi: Trong viên thuốc em cho vừa phải có tiền lời vừa phải có đạo đức của mình trong đó thì em mới giúp được cho mình và cho người bệnh. Còn nếu em nghĩ trong viên thuốc của em toàn kinh doanh, toàn kiếm lời thì chứng tỏ em đang tạo nghiệp và phi đạo đức”.
“Hiệp sĩ chống dịch”
Khoa Nhiễm - Thần Kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM là nơi thường xuyên đón nhận những bệnh nhi bệnh nặng từ các tỉnh phía Nam về điều trị. Bởi vậy, mỗi khi đến mùa dịch, khoa của ông xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin truyền thông và ông trở thành người tư vấn chuyên môn rất uy tín.
Ông cũng là một trong những bác sĩ nằm trong hội đồng đánh giá tiêm chủng. Vì vậy, ông thường xuyên tham gia những buổi nói chuyện định hướng cách sử dụng vắc-xin sao cho đúng khi có những hỗn loạn thông tin về vắc-xin xảy ra, chẳng hạn như mới đây là phong trào “tẩy chay vắc-xin”.
Vào khoảng năm 2002, bên cạnh những bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, lao, thương hàn... có một căn bệnh lạ xuất hiện khiến cho trẻ mắc phải căn bệnh này tử vong rất nhanh. Đó là nỗi ám ảnh khủng khiếp của ông và những đồng nghiệp làm việc trong Khoa Nhiễm - Thần kinh. Mang nỗi ám ảnh về những bệnh nhi chết vào thời điểm đó và với suy nghĩ nhiều trẻ tử vong như vậy thì đó không phải là căn bệnh bình thường, thế là ông lao vào nghiên cứu, quyết tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này. Rồi khi ông cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 công bố dịch bệnh tay chân miệng, không ít người trong ngành y cho rằng, đó là bệnh thông thường, bác sĩ dở không chữa được nên chế ra bệnh nào đó để đổ thừa. Dù bị dèm pha, nhưng ông không để tâm và quyết tìm ra phương pháp điều trị cho căn bệnh này.
![]() |
Bác sĩ Khanh thăm khám cho bệnh nhi |
Vào khoảng tháng 7-2011, dịch bệnh tay - chân - miệng bùng phát tại TP HCM, ông xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông để nói về căn bệnh này và lúc đó cũng có nhiều người phản bác cho rằng, bệnh tay - chân - miệng không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đúng như dự báo của ông, trong năm đó cả nước có gần 90.000 ca bệnh tay - chân - miệng với 147 ca tử vong.
Năm đó, không chỉ Việt Nam “te tua” vì bệnh tay - chân - miệng, mà ngay cả các nước lân cận như Malaysia, Trung Quốc, số bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng cũng không ngừng gia tăng. Từ đó, Tổ chức Y tế thế giới vùng Tây Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp bàn về bệnh tay - chân - miệng, ông cùng 3 bác sĩ người nước ngoài tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng.
Năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã mời ông cộng tác biên soạn một phác đồ điều trị bệnh tay - chân - miệng. Phác đồ đó đã được thế giới công nhận như một tài liệu hướng dẫn chính trong các nghiên cứu điều trị bệnh tay - chân - miệng hiện nay. Ngoài ra, biện pháp xử lý tình trạng bệnh tay - chân - miệng nặng, nguy kịch bằng phương pháp thay máu của ông cũng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tưởng chừng không qua khỏi. Cũng từ đó, ông được mọi người đặt cho biệt danh “Hiệp sĩ chống dịch”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh còn được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nhiễm HIV ở trẻ em. Đây cũng là một mảng truyền nhiễm mà ông rất thích nghiên cứu. “HIV là một mảng rất lớn. Để theo được lĩnh vực này, ngoài kinh nghiệm, kiến thức khoa học, đòi hỏi người bác sĩ phải có kiến thức về xã hội và còn phải có tính chia sẻ”, ông nói.
Điều khiến ông lo ngại nhất chính là sự kỳ thị của xã hội đối với những người nhiễm HIV. Trong một lần người viết bài này và một số phóng viên viết mảng y tế cùng ông xuống thăm những bệnh nhân nhiễm HIV ở Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước), ông từng hỏi nhóm phóng viên một câu: “Khi gặp người nhiễm HIV, người ta thường quan tâm điều gì?”. Lúc đó hầu như mọi người đều trả lời: “Tại sao họ lại bị nhiễm HIV?”.
Ông nói, người ta thường nghĩ những người bị nhiễm HIV là những người có lối sống không đàng hoàng nên thường quan tâm đến lý do họ bị nhiễm, chứ ít có ai quan tâm những người nhiễm HIV đang điều trị như thế nào. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, nhiễm HIV là một tai nạn và tai nạn thì ai cũng có thể mắc phải. Bởi vậy, chúng ta cần phải có sự thông cảm và chia sẻ. Sự kỳ thị của xã hội về người nhiễm HIV đã giảm nhưng vẫn chưa hết hẳn.
Với gần 30 năm công tác, những đóng góp của bác sĩ Khanh trong ngành y rất đáng trân trọng.
Đan Phương
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
- Tử vi tuần mới (7-13/4/2025): Tuổi Mùi hạnh phúc vẹn tròn, tuổi Mão công danh sáng rõ
- Tử vi tháng 4/2025: Tuổi Ngọ sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân vượng vận đào hoa
- Tử vi tuần mới (31/3-6/4/2025): Tuổi Tý tài lộc vượng phát, tuổi Dậu quý nhân trợ vận
- Tử vi tuần mới (24-30/3/2025): Tuổi Sửu nỗ lực không ngừng, tuổi Dần tài lộc bội thu
- Việt Nam tăng hạng vượt bậc về chỉ số hạnh phúc
- Tử vi tuần mới (17-23/3/2025): Tuổi Thân tài chính khởi sắc, tuổi Dậu sự nghiệp thuận lợi
- Tử vi tuần mới (10-16/3/2025): Tuổi Tý chuyển biến tích cực, tuổi Thìn công danh khởi sắc