Tái thiết Syria thời hậu chiến: Cơ hội nào cho phương Tây?

11:09 | 25/11/2020

183 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù vẫn chưa hiểu rõ vì sao các kế hoạch của mình về mặt quân sự và địa chính trị tại Syria đã thất bại, một số nước phương Tây giờ lại hy vọng sẽ đóng vai trò kinh tế nào đó trong tiến trình tái thiết Syria. Liệu Damas có tạo cơ hội cho họ?
Tái thiết Syria thời hậu chiến: Cơ hội nào cho phương Tây?
Syria bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh

Sau cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại chủ nghĩa khủng bố và các nhà tài trợ phương Tây, Syria ngày nay phải tái thiết đất nước. Quá trình tái thiết ở Syria sẽ được thực hiện như thế nào? Rõ ràng, giờ là lúc thực sự để thảo luận và chuẩn bị thực hiện càng nhanh càng tốt các biện pháp cần thiết để trở lại cuộc sống bình thường cho đất nước và người dân. Và điều đó chắc chắn liên quan đến việc tái thiết hoàn toàn cơ sở hạ tầng và đưa những người tị nạn Syria trở lại. Việc đưa người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh trở về sẽ bác bỏ lý thuyết được giới truyền thông chính trị phương Tây tuyên truyền từ lâu - cụ thể là người Syria đang chạy trốn không chỉ những kẻ khủng bố IS, mà còn của cả chính phủ Bashar al-Assad. Tổng thống Bashar al-Assad đảm bảo rằng "việc đưa người tị nạn trở về là ưu tiên", trong khi hơn 5,5 triệu người Syria đã tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột năm 2011.

Nhưng để đạt được những mục tiêu này - Damas có thực sự cần sự tham gia của phương Tây? Tổng thống Syria đã nhiều lần tuyên bố rằng ông phản đối bất kỳ sự tham gia nào vào quá trình hậu chiến từ phía các quốc gia ủng hộ cuộc xâm lược của khủng bố chống lại đất nước của ông. Như vậy, ông ám chỉ rõ ràng đến các nước phương Tây và một số nước khác. Mikhail Gamandiy-Egorov, nhà phân tích của hãng thông tấn Observateur Continental phát biểu về chủ đề này: "Những gì Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói là hoàn toàn đúng đắn và khá hợp lý vì thực sự những quốc gia góp phần trong nhiều năm truyền bá sự hỗn loạn vào Syria, về mặt nhân đạo mà nói, không có tính hợp pháp để có thể đóng bất kỳ vai trò nào trong thời kỳ hậu chiến…”. Theo ông, có lẽ, thế giới đương đại vẫn đang cố để hiểu được phương Tây. Trong trường hợp của Syria - mặc dù thừa nhận chiến thắng của Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh của ông trên thực địa, nhưng các nước phương Tây vẫn có hy vọng rằng Damas, giống như Moscow và Tehran, sẽ tuân theo các điều kiện nhất định của họ.

Tuyên bố của ông Assad cho thấy rằng các nước đồng minh của Cộng hòa Arab Syria sẽ được đặc quyền trong quá trình nói trên. Nga là ưu tiên số 1. Ngày 15/11, Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Điều phối Liên quân Nga-Syria về người tị nạn, cho biết Nga sẽ phân bổ số tiền 1 tỷ USD (845 triệu euro) để tái thiết Syria. "Hơn 1 tỷ đô la sẽ được phân bổ cho việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng công nghiệp và nơi thờ tự, khôi phục mạng lưới điện nhưng cũng cho các mục đích nhân đạo", ông nói với hãng thông tấn Nga TASS. Ông nói thêm: “Các bộ và ban ngành của Nga đang không ngừng xúc tiến các dự án trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng nhà ở hoặc hợp tác thương mại và khoa học tại Syria”. Ngoài ra, Thủ tướng Nga Mikhail Michoustine đã ký một sắc lệnh quy định việc mở một phái đoàn thương mại của Nga tại thủ đô của Syria trong năm nay. "Cơ quan đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Cộng hòa Arab Syria sẽ được thành lập vào năm 2020 tại thành phố Damas", văn bản cho biết.

Liên quan tới công tác tái thiết Syria, Nga kêu gọi châu Âu chung tay. Theo nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Nga chỉ cần tiền của Liên minh châu Âu hơn là công sức. Trên thực tế, để tái thiết Syria, Tổng thống Putin xác định chỉ có hai nguồn tài chính tiềm tàng: Các vương quốc vùng Vịnh và Liên minh châu Âu. Thế nhưng, với đối tác Arab, Nga khó có thể trông cậy do yếu tố Iran, đối thủ hàng đầu của các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông. Về phần Liên minh châu Âu, từ lâu chính quyền Moscow công khai khẳng định rằng khối này phải chi trả tiền tái thiết. Nhưng lập trường của EU cũng rất rõ ràng, chỉ tài trợ khi nào có chuyển đổi chính trị. Dù vậy Điện Kremlin cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận nào đó với Liên minh châu Âu trong vấn đề này, ít nhất là để giúp đỡ những người tị nạn Syria. Trong khi đó Ziad Majed, giáo sư nghiên cứu Trung Đông của Pháp, thì cho rằng Nga muốn thúc đẩy châu Âu đi đến bình thường hóa quan hệ với chính quyền Damas. Bởi vì, cả Nga và Iran đều không đủ phương tiện kinh tế để hỗ trợ tái thiết Syria, tuy cả hai đều là cường quốc quân sự. Do vậy, theo ông, cả Moscow và Tehran đều cần đến túi tiền của EU. Và như vậy, thông qua tài trợ tái thiết, Bruxelles có thể bình thường hóa quan hệ với Damas.

Điều mà các nhà phân tích phương Tây quên mất - đó là ngoài Moscow và Tehran, Damas cũng có thể trông cậy vào Bắc Kinh - hỗ trợ tích cực ở cấp độ chính trị - ngoại giao cho Syria, bao gồm cả việc cùng Nga phản đối những nghị quyết bất lợi trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và khi nói đến Trung Quốc - người ta nghĩ đến đầu tiên là cường quốc kinh tế. Quốc gia này đơn giản là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới về GDP tính theo sức mua tương đương (PPP). Và các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao của Syria và Trung Quốc đã diễn ra thường xuyên trong suốt vài năm qua. Một số quốc gia Arab cũng đang thể hiện sự quan tâm, mặc dù động cơ thực sự của họ vẫn chưa được xác nhận.

Bây giờ trở lại với những sai lầm của phương Tây. Đặc biệt về niềm tin cao cả của giới tinh hoa phương Tây, họ lo ngại rằng nếu không có sự tham gia của họ, thì Syria không thể làm được gì, hoặc là làm được ít. Cuộc chiến ở Syria cho thấy về mặt quân sự, ngân sách quân sự không phải là quá nhiều - mà là quyết tâm tiêu diệt tận gốc ổ khủng bố. Tất cả điều này kết hợp với vũ khí và thiết bị hiệu quả, nhân viên có trình độ và năng lực phân tích nhất định đã làm nên chiến thắng. Điều quan trọng khác là tính đến các thực tế văn hóa và tôn giáo trên thực địa, bằng cách tôn trọng và thích ứng với họ.

Nhưng ngoài nghệ thuật quân sự và chính trị - ngoại giao, kinh tế chắc chắn không còn là công cụ thống trị của phương Tây. Bao gồm cả thực tế là trong số 10 cường quốc kinh tế thế giới hiện nay tính theo GDP-PPP, ngày nay có 4 nước là các nước phương Tây, như vậy chưa bằng một nửa. Có nghĩa là trong thế giới đa cực, luôn có thể tìm ra một giải pháp thay thế.

Lấy ví dụ về Iran là đủ cho điều này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Cộng hòa Hồi giáo được cho là để quét sạch nền kinh tế Iran. Đây là mục tiêu mà chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai. Cuối cùng, sự phản kháng của Iran không những được giữ vững, mà triển vọng hợp tác kinh tế giữa Tehran và Bắc Kinh khiến nhiều nhà quan sát phương Tây không nói nên lời. Cụ thể là hàng trăm tỷ đô la tương đương với các khoản đầu tư của Trung Quốc đã đổ vào Iran trong suốt một phần tư thế kỷ qua.

Nhìn chung, khuôn khổ hợp tác đa cực củng cố ý tưởng về năng lực giải quyết các vấn đề quốc tế lớn với sự tham gia của các cường quốc không phải phương Tây. Trường hợp gần đây của Nagorno - Karabakh là một minh chứng nữa. Một mình Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể dàn xếp được cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Đó có lẽ là điều không tưởng vào năm 1995 hay 2000. Nhưng đó là hiện thực ngày nay.

Mỹ bắt đầu rút quân khỏi SyriaMỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria
Nga phân bổ 1 tỷ USD để tái thiết SyriaNga phân bổ 1 tỷ USD để tái thiết Syria
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên ngành dầu mỏ SyriaMỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên ngành dầu mỏ Syria
Nga tiêu diệt chỉ huy IS, báo thù cho cái chết của một tướng NgaNga tiêu diệt chỉ huy IS, báo thù cho cái chết của một tướng Nga

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc