Tái cấu trúc nền kinh tế: Chờ tín hiệu từ hệ thống ngân hàng

08:50 | 09/04/2012

562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Tái cấu trúc (TCT) nền kinh tế giờ đã là mệnh lệnh, là yêu cầu sống còn mà Đảng và Chính phủ đặt ra cho các thành phần kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế thì để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, TCT hệ thống ngân hàng chính là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vì sức mạnh của hệ thống này ổn định sẽ là sự đảm bảo nguồn lực tài chính trong việc thực hiện TCT nền kinh tế.

Bên lề Hội thảo Banking 2010

“Đầu voi đuôi chuột”

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết năm 2011, toàn hệ thống có 62 ngân hàng (NH) đang hoạt động, trong đó, có 5 NH thương mại Nhà nước, 37 NH thương mại cổ phần, 6 NH liên doanh và 14 NH có 100% vốn nước ngoài. Cùng với 18 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, tính đến tháng 6/2011, tỉ lệ tiền gửi tại các Tổ chức tín dụng trên GDP là 106%, trong khi đó dư nợ tín dụng trên GDP là 110%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước những biến động của nền kinh tế thế giới nói chung, hệ thống NH Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất ổn.

TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống NH Việt Nam đã phát triển quá “nóng” về số lượng nhưng hiệu quả, chất lượng hoạt động lại phát triển chưa tương xứng.

"Nếu xét về góc độ tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp thì thiếu, nhưng nếu xét về những nhiễu nhương mà các NH gây ra cho nền kinh tế thì quá nhiều”, TS Thành chia sẻ quan điểm.

Hệ số an toàn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam cũng là một vấn đề lớn được nhiều chuyên gia tài chính đề cập đến khi mà tính đến tháng 6/2011, chỉ số này vào khoảng 11,5% thấp hơn so với mức CAR bình quân 13,1% của các ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thấp hơn mức CAR bình quân 12,3% của một số nước Đông Nam Á (CAR của Thái Lan là 16%, CAR của Malaysia là 14,6%).

Ngoài ra, tỉ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ của hệ thống NH tuy vẫn ở mức thấp, nhưng có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là nợ trong cơ cấu nợ xấu của toàn ngành NH lên tới 53% vào tháng 6/2011, cao hơn hẳn con số 42,63% vào cùng kỳ năm 2010. Nợ xấu của nhóm NHTM Nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỉ lệ nợ xấu chung từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,3% vào cuối năm 2011.

Khơi thông huyết mạch nền kinh tế

Một buổi giới thiệu dịch vụ ngân hàng Công thương Việt Nam.

Lý giải cho những vấn đề trên, TS Nguyễn Đại Lai – Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NH, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Không gian” hoạt động của các NH hiện đang rất "ôm đồm”, bao sân quá rộng khi mà các NH thương mại đang nắm giữ vai trò là đội quân tiên phong trong các mặt trận chống lạm phát, chống suy thoái, chống đổ vỡ "Domino”, tham gia các chương trình tín dụng chỉ định, tín dụng hỗ trợ lãi suất, tín dụng chính sách, xoá đói giảm nghèo và luôn luôn phải là nhà tài trợ vốn chủ lực, chủ đạo cả ngắn hạn, trung và dài hạn cho nền kinh tế ngay cả khi đã có đầy đủ các thiết chế thị trường trên thị trường tài chính. Ngoài ra, cơ chế hoạt động kinh doanh của hệ thống NH còn rất nhiều bất cập bởi là đối tượng bị điều chỉnh giữa Luật và lệnh. Thậm chí có khi phải hoạt động theo lệnh nhiều hơn theo Luật.

Chính vì vậy, trong những nhiệm vụ cấp bách cần tái cấu trúc lại nền kinh tế có vấn đề tái cấu trúc lại hệ thống NH bởi hiện hệ thống NH đang kiểm soát tổng dư nợ của nền kinh tế lên tới 125% GDP và can thiệp vào hết các lĩnh vực, các ngành của nền kinh tế quốc dân. Và để công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH thành công thì:

Phải cơ cấu lại hệ thống NH thương mại theo hướng minh bạch hoá: Nội hàm của vấn đề này chủ yếu là làm rõ thực chất sức mạnh hiện nay của các NH thương mại trên các lĩnh vực thể hiện qua bảng cân đối tài sản: Từng NH thương mại phải báo cáo chi tiết cho cơ quan Thanh tra giám sát NH toàn bộ giá trị sổ sách các bên tài sản nợ và tài sản có cũng như các khoản đầu tư liên doanh, liên kết, lập các Công ty con và các loại quỹ…để phân biệt minh bạch và định giá lại giá trị tài sản ròng trên sổ sách một cách rõ ràng, dễ hiểu.

Trên cơ sở đó sẽ tiên lượng giá trị thị trường của từng NH. Trong đó cần một bản thuyết minh về các nguồn đã có cũng như các nguồn dự kiến khả thi để xử lý các khoản nợ xấu theo các mức độ, kể cả phương án nguồn cho các khoản nợ ở mức độ mất vốn. Giá trị còn lại C = giá trị tài sản cố định sau khấu hao + (các khoản phải thu – các khoản phải trả) + các khoản đầu tư liên danh, lập công ty con + các Quỹ chưa chia. Đây được xem là vốn tự có ròng trên sổ sách tại thời điểm sau khi kết thúc việc đánh giá lại giá trị sổ sách. Thông thường một NH thương mại yếu, kém thì con số này mang dấu âm/hoặc dương dưới mức chuẩn so với qui định.Trên cơ sở đó, cần có các “kịch bản” TCT cụ thể cho sự tồn tại hay không và/hoặc hình thức tồn tại cụ thể của từng NH.

Phải cơ cấu lại NH thương mại theo hướng lành mạnh hoá: Đây là nội hàm các vấn đề về làm sạch bảng tổng kết tài sản của từng NH thương mại sau khi đã minh bạch hoá thực chất mức độ mạnh, yếu của từng NH thương mại. Căn cứ các tiêu chí xác định độ an toàn theo Basel 1 hoặc basel 2 về các tiêu chí: hệ số an toàn vốn tự có CAR>/=9% dư nợ rủi ro, tỉ lê nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 </=3% dư nợ, cơ cấu dư nợ từng lĩnh vực theo quy định của NH Nhà nước, ỉỷ lệ lợi nhuận trên tài sản có (ROA) và tỉ lệ lợi nhuận trên vốn tự có (ROE) trong 3 năm liên tục đạt mức nào để tiếp tục công bố các giải pháp lành mạnh hoá toàn bộ các NH thương mại.

Từ đây, những NH thương mại nào không chứng minh được hoặc đã đưa ra giải pháp nhưng sau một khoảng thời gian xác định theo lộ trình chung nếu vẫn không thể thực hiện được chương trình lành mạnh hoá bằng cách tự mình hoặc tự nguyện thay đổi cấu trúc sở hữu, không tìm được các bên thứ 3 bảo lãnh…thì nhất thiết sẽ phải có sự can thiệp của bên thứ 2 là NH Nhà nước bằng các cách: Thay đổi cơ cấu Hội Đồng lãnh đạo; Chuyển sang đối tượng bị quản lý theo tình trạng đặc biệt; Chuyển đổi cơ cấu thành phần sở hữu ngoài NH Nhà nước; Chuyển đổi danh mục dịch vụ được phép cung ứng theo hướng phù hợp với năng lực quản trị kinh doanh của NH thương mại; Dàn xếp các cuộc mua bán (M&A) giữa các định chế tài chính (ĐCTC) trong nước; Dàn xếp các thương vụ M&A giữa các ĐCTC trong nước với ĐCTC nước ngoài…

Quá trình cơ cấu lại phải tôn trọng qui luật thị trường và dựa vào thị trường. Theo đó mọi thương vụ mua bán NH thương mại phải tuân thủ các thủ tục phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện thị trường tài chính Việt Nam. Các thủ tục này cần phải công khai hoá bằng văn bản Nhà nước có thẩm quyền làm dẫn chiếu thống nhất cho các bên tham gia thị trường M&A các NH thương mại. Những nội dung chính thể hiện trong văn bản này phải hướng tới sự minh bạch mang tính thị trường và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, quyền lợi chính đáng của các bên liên quan khác trong quá trình cơ cấu lại NH thương mại.

Nói như vậy để thấy rằng, hệ thống NH hiện đang đóng vai trò huyết mạch lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế. Và để có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, tạo sức mạnh bền vững cho nền kinh tế thì tái cấu trúc hệ thống NH đang là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Nhà nước và ngay với chính bản thân mỗi NH nhằm đảm bảo dòng “máu tiền tệ” lưu thông thuận lợi trên thị trường.

Thanh Ngọc