Tác động của suy giảm kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam
Ngày 20/11, tại toạ đàm “Kinh tế Trung Quốc 2015, nhìn về 2016 và tác động đến Việt Nam” TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đã nhận định những nét cơ bản của kinh tế Trung Quốc. Theo đó, không phải là tăng trưởng mà chính nợ và giảm phát đang là hai bóng ma đe doạ kinh tế nước này.
Từ tháng 11/2014 đến nay, Trung Quốc đã 8 lần hạ lãi suất, đưa lãi suất huy động từ 3% về 1,5%, và lãi suất cho vay xuống dưới 4% từ mức 6%. Tuy nhiên, dù lãi suất được giảm mạnh nhưng hầu như doanh nghiệp không mặn mà vay vốn.
Nguyên nhân, của tình trạng trên được đánh giá do khu vực hấp thụ vốn nhiều nhất ở Trung Quốc là khu vực công nghiệp đã sụt giảm rất mạnh trong thời gian qua. Tăng trưởng nửa đầu năm nay ở khu vực này khoảng 2,5%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6 – 7% mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thực tế mà các doanh nghiệp phải gánh cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay danh nghĩa mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đặt ra, nên chênh lệch giữa tăng trưởng với lãi suất bị thu hẹp. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu rơi vào tình trạng sản xuất không có lãi do tăng trưởng và lãi vay gần như cân bằng. Và từ năm 2014 chi phí vay có khuynh hướng vượt mức tăng trưởng. Đây là lý do doanh nghiệp cảm thấy không nên vay vốn để sản xuất kinh doanh.
|
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (ảnh: nguồn Internet) |
Sự sụt giảm của khu vực công nghiệp cũng làm tăng gánh nặng nợ của ngân hàng Trung Quốc ở khu vực sản xuất. Song song đó, thị trường bất động sản là nơi mà chiếm 14% đầu tư của toàn bộ hệ thống kinh tế Trung Quốc, giải quyết 20% việc làm cho lao động thành thị và tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp liên quan khác như: sắt, thép, xi măng, gạch đá… cũng đang đóng băng. Diện tích nhà tồn kho Trung Quốc khoảng 2,5 tỷ m2, tương đương với việc 5 năm nữa Trung Quốc không cần xây thêm nhà. Sự đóng băng của thị trường bất động sản với một diện tích lớn như vậy tạo ra khoản nợ rất lớn lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc và khiến các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn.
Bên cạnh nợ công nghiệp, nợ bất động sản còn nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc cũng rất lớn, khoảng 17.000 – 20.000 tỷ USD và có nguy cơ mất năng lực trả nợ.
Tuy nhiên, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, “núi nợ” trên sẽ không gây ra khủng hoảng tài chính Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có đủ nguồn lực và thời gian để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên để xử lý được, Trung Quốc cũng phải trả giá rất đắt, phải hy sinh khoảng 30% GDP (khoảng 30.000 tỷ USD) để giải quyết. Điều này tác động đến quá trình tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc, cũng như khu vực bất động sản.
Đi kèm với nợ là rủi ro ám ảnh của bóng ma giảm phát, sẽ khiến cho thị trường tài sản, đặc biệt là bất động sản giảm giá mạnh, tạo ra vòng xoáy giảm phát, dẫn đến vỡ nợ, làm gia tăng nợ. Nếu thật sự không giải quyết được vấn đề giữa giảm phát và nợ thì tương lai 10 năm mất mác hoặc hơn nữa của kinh tế Trung Quốc có thể lường trước được.
Đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc 2016, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, suy giảm tăng trưởng sẽ tiếp tục. Và với sự suy giảm như vậy, cầu nội địa của Trung Quốc sẽ rất thấp. Điều này cộng với tình trạng dư thừa sản lượng sản xuất ở Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Cụ thể, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra tác động kép với hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta sang thị trường này. Vì cầu của thị trường giảm sẽ khiến cho nhu cầu nhập khẩu của nước này cũng giảm, cộng thêm áp lực giảm giá sẽ tạo ra tác động kép, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu sang đây.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu thì làn sóng hàng dư thừa của hàng hoá Trung Quốc được đưa sang các nước Đông Nam Á cũng như Việt Nam đã và đang hiện hữu khi rất nhiều mặt hàng được Trung Quốc xuất khẩu đi với giá rất rẻ không ai có thể cạnh tranh được.
Như vậy, kết hợp của việc các doanh nghiệp nước ta giảm giá trị, quy mô xuất khẩu, tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc sẽ khiến cho thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong những lĩnh vực có cơ cấu cạnh tranh tương tự với Trung Quốc sẽ rất khó khăn.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 19/1: Ngân hàng “nới lỏng” cho vay với khách cá nhân
-
Tin tức kinh tế ngày 13/8: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 2 con số tháng thứ 3 liên tiếp
-
Bài 3 - Để thương mại biên giới được trả về đúng bản chất
-
Bài 2: Áp lực buộc doanh nghiệp chuyển đổi thích ứng
-
Bài 1: Khi tiêu chuẩn thị trường thay đổi
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng