Sức sống của "vương quốc đồ gỗ"

06:30 | 19/04/2018

5,777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhắc đến “thủ phủ nghề mộc”, “vương quốc đồ gỗ”… nhiều người liên tưởng đến ngay làng nghề mộc Hố Nai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trải qua bao biến cố, thăng trầm, đến nay làng nghề này vẫn luôn nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao, đậm chất nghệ thuật dân tộc. 

Một làng mộc nổi tiếng

Không giống như các làng nghề khác chỉ khoảng vài chục hộ, “vương quốc đồ gỗ” Hố Nai trải rộng với bán kính hơn chục kilômét từ phường Tân Biên, phường Long Bình sang phường Tân Hòa, TP Biên Hòa.

suc song cua vuong quoc do go
Ông Bùi Ngọc Lai - một trong những lão làng của “thủ phủ nghề mộc”

Sau những câu chuyện cùng những người thợ lành nghề tại đây, chúng tôi được biết, nghề mộc ở đây hình thành, phát triển từ rất lâu, nhưng cụ thể năm nào thì không mấy ai biết rõ. Mọi người chỉ biết, nhờ nghề mộc, mà người trong làng ít phải mua sắm các vật dụng gia đình. Khi đã đủ đầy, họ lại làm ra sản phẩm đi bán khắp mọi nơi. Cuộc sống của họ dần ổn định, rồi khấm khá lên. Làng nghề cũng nhờ đó mà hình thành và phát triển bền vững đến nay. Cứ thế, nhà nhà, người người trong khu vực đều sản xuất đồ gỗ, rồi chẳng ai bảo ai, các cửa hàng lớn, nhỏ thi nhau mọc lên như “nấm sau mưa”. Làng nghề mộc Hố Nai nổi tiếng đến mức khách hàng từ các tỉnh thành lân cận như: TP HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… thậm chí khách hàng từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên cũng tìm đến chiêm ngưỡng, lựa chọn, mua bán.

Theo các nghệ nhân ở làng nghề mộc Hố Nai, hiện nay thị trường đồ gỗ mỗi nơi mỗi giá, thật giả khó phân biệt. Đặc biệt, công nghệ sơn rất tinh xảo nên người ta có thể tẩy trắng gỗ, vẽ và sơn được vân các loại gỗ quý (cẩm lai, nu, gõ đỏ, hương…) nhìn như thật, nên nếu không am hiểu, người tiêu dùng có thể mua nhầm hàng dởm, không đúng chủng loại gỗ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực làng nghề mộc Hố Nai có trên 1.000 hộ tham gia sản xuất cùng nhiều cửa hàng, showroom trưng bày sản phẩm khá hoành tráng. “Nói về đồ gỗ thì không đâu bằng Hố Nai. Từ trước đến nay, khu vực này vẫn là “địa chỉ đỏ” giúp khách hàng có thể lựa chọn và mua sắm sản phẩm ưng ý” - ông Nguyễn Văn Tiến chủ một cửa hàng giới thiệu. Chỉ tay vào hàng loạt sản phẩm đang bày bán, chủ cửa hàng cho biết thêm, ở đây đồ gỗ loại nào, mẫu mã nào cũng có. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, sản phẩm gỗ Hố Nai còn xuất khẩu sang nhiều nước, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Chia sẻ với chúng tôi về làng nghề mộc Hố Nai, nhiều người cho hay, mặc dù không khí sản xuất, kinh doanh rất tất bật và nhộn nhịp, song điều đáng chú ý là “thủ phủ nghề mộc” hoạt động khá trật tự. Sự phân công sản xuất trong nghề mộc ở khu vực này thể hiện khá rõ nét. Thay vì sản xuất đại trà như trước, hiện nay mỗi cơ sở chuyên sâu một vài mặt hàng. Có hộ gia đình chuyên sản xuất tủ thờ theo thiết kế cổ điển, có gia đình chuyên sản xuất bàn ghế, tủ, giường dựa trên thiết kế hiện đại. Chính vì phát triển lâu năm cùng sự chuyên môn hóa cao, sản phẩm gỗ ở “thủ phủ nghề mộc” này được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, độ tinh tế trên từng hoa văn...

Dày dạn về kinh nghiệm với nghề mộc, ông Bùi Ngọc Lai, 68 tuổi (quê Nam Định) cho biết: Trước năm 1988, ông ở ngoài Bắc và thường xuyên lên Tuyên Quang làm nhà cổ như: nhà rường, nhà kẻ… Sau đó, cả gia đình di cư vào Nam. Vào đây ông dễ dàng bắt mạch nhịp nhàng với nghề mộc của Hố Nai. Miệt mài với nghề mới, cho nên tay nghề càng ngày càng điêu luyện hơn, kỹ thuật cao hơn. Từ việc chế tác thủ công các sản phẩm đơn giản, thông thường như: giường, bàn ghế, tủ đồ, hiện nay một mình ông chuyên sản xuất mặt hàng cao cấp như: tủ thờ, kiệu với hoa văn uốn lượn tinh xảo, sơn son thiếp vàng.

Ông Lai tâm sự: “Giờ già rồi nên tôi không đủ sức làm việc cật lực như ngày xưa. Hiện tôi vẫn làm khoảng 10 tiếng một ngày và tập trung sản xuất những sản phẩm đòi hỏi sự kỹ càng, tỉ mỉ và hoa văn tinh xảo”. Ông Lai cho hay, là người độc nhất vô nhị sản xuất mặt hàng kiệu thờ, năm 2017, một mình ông làm ra 6 cái kiệu sơn son thiếp vàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Canada.

Chia sẻ về nghề mộc truyền thống, không ít lão làng của nghề mộc ở Hố Nai khẳng định, gắn bó với nghề mộc mấy chục năm nay nhiều khi muốn cất hết đồ nghề để chuyển sang ngành khác vì sản xuất sản phẩm mộc mất nhiều thời gian, lợi nhuận không cao, bụi gỗ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không làm được. Một lão làng tâm sự: “Hơn 40 năm trong nghề, có hai lần tôi cố tình dứt áo ra đi, thế nhưng chẳng hiểu sao cứ hì hục mãi với nghề này. Cái nghề gắn với cái nghiệp, nghề mộc ăn sâu vào máu thịt nên không thể dứt ra được”.

Không tạo ra những giá trị to lớn, tức thời, tuy nhiên nghề mộc lại đem đến niềm vui trong cuộc sống cho nhiều người. Các yêu cầu cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết của sản phẩm đã và đang đào tạo ra những người “nghệ sĩ” lành nghề, chuyên nghiệp trong lao động.

“Cần mẫn và miệt mài với công việc, mỗi lần hoàn thành sản phẩm theo đơn hàng, được khách gật đầu hài lòng về chất lượng, mẫu mã càng tăng thêm động lực để tôi hăng say hơn với nghề” - ông Bùi Ngọc Lai tâm sự.

suc song cua vuong quoc do go
Các sản phẩm đồ gỗ đa dạng, tinh xảo

Trẻ hóa làng nghề

Khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, cực khổ trong chế tác, đau đầu tìm thị trường cho sản phẩm nhiều lúc tưởng như làng nghề mộc Hố Nai lâm vào tình trạng bế tắc, ế ẩm, thế nhưng gian khó biết mấy những người thợ yêu nghề cũng vượt qua. Các thế hệ nghệ nhân nghề mộc Hố Nai không chùn bước mà còn đam mê với nghề theo hình thức cha truyền con nối.

Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, đồ gỗ Hố Nai đang xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Những bộ sản phẩm với thiết kế mẫu mã đơn giản nhưng giữ nguyên khối gỗ tự nhiên và hoa văn sẵn có đã làm tăng thêm giá trị sản phẩm.

Những ai đến làng mộc Hố Nai hôm nay ít nhìn thấy hình ảnh những ông cụ lớn tuối ngồi bào, đục như trước đây. Thay vào đó là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đang ngày đêm phát triển nghề. Họ là thế hệ thứ hai, thứ ba đang nối tiếp cha chú trong làng nghề để duy trì và phát triển theo hình thức sản xuất hiện đại hơn. Có người chỉ khoảng 35 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề suốt 20 năm qua, có không ít các chàng trai chỉ khoảng 20-25 tuổi nhưng cũng đã 10 năm trong nghề.

Hiện một số thợ trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trở thành những tay thợ “cừ khôi”, thậm chí nhiều người thành ông chủ nhỏ với thu nhập “khủng” hằng năm. Nhiều thanh niên chia sẻ, họ tìm đến với nghề này từ lúc nào không hay. Ban đầu chỉ làm việc phụ giúp cha mẹ khiêng gỗ, chà nhám, đánh bóng…, lâu dần họ thành thợ cả. Nghề mộc chọn các thợ cả không đơn giản, nhỏ tuổi cũng không sao, nhưng cần sự khéo léo, xử lý tỉ mỉ từng chi tiết, hoa văn. Bởi, chỉ một sơ suất nhỏ, bộ bàn ghế cả trăm triệu đồng xuống giá một nửa hoặc thấp hơn thế.

Bên cạnh sự độc đáo, tinh xảo của hoa văn thủ công, vấn đề hiện đại hóa sản xuất nghề mộc được người trẻ rất quan tâm. Anh Bùi Văn Hướng (con ông Bùi Ngọc Lai) nối gót nghề nghiệp của cha, phát triển nghề mộc bằng cách đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.

“Ban đầu tôi chỉ làm những việc đơn giản, dần rồi thành quen, lên tay nghề và mở xưởng mộc. Tuy nhiên, với mong muốn nghề mộc phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, tôi chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về thị trường tiêu thụ, chúng tôi sớm áp dụng công nghệ để sản phẩm tiếp cận thị trường thông qua Facebook, Zalo… Nhờ đó, khách hàng biết, tìm đến và lựa chọn nhiều hơn. Nhiều khách hàng chỉ cần đến xưởng xem sản phẩm lần đầu, những lần sau chỉ cần thông tin qua điện thoại mẫu mã, kích thước, số lượng, hàng sẽ được chuyển đến tận nơi” - anh Bùi Văn Hướng chia sẻ.

suc song cua vuong quoc do go
Chủ một xưởng mộc khu phố 3, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa

Cũng là một người trẻ gắn bó với nghề mộc từ nhỏ với mô hình sản xuất truyền thống hộ gia đình, đến nay, anh Trần Ngọc Phương đã lập doanh nghiệp tư nhân Phương Sinh chuyên sản xuất đồ gỗ. Ngoài việc gia tăng về quy mô, anh Phương không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ việc phát triển thị trường trong nội tỉnh, sản phẩm nội thất của doanh nghiệp được các tỉnh miền Tây Nam Bộ tin dùng. Xuất sắc hơn, vài năm trở lại đây, đồ gỗ Phương Sinh chính thức thâm nhập thị trường Australia, Hoa Kỳ… Hiện đồ gỗ xuất khẩu Phương Sinh đang tìm đường vào những thị trường khó tính như Nhật Bản.

Anh Trần Ngọc Phương nhận định: “Người trẻ có rất nhiều cơ hội thành công với nghề truyền thống. Song, muốn thành công đòi hỏi phải nhanh nhạy về mẫu mã, chủ động nắm bắt thời cơ, không ngừng tìm kiếm thị trường”. Theo anh Phương, mặt hàng nội thất sản xuất tại làng mộc Hố Nai đã có nhiều thay đổi theo nhu cầu của khách hàng. Từ những bộ bàn ghế với hoa văn được chạm trổ cầu kỳ, thay vào đó là những bộ với thiết kế mẫu mã đơn giản nhưng giữ nguyên khối gỗ tự nhiên và hoa văn sẵn có làm tăng thêm giá trị sản phẩm.

Đồ gỗ nội thất Hố Nai không phải dễ dàng được thị trường trong và ngoài nước lựa chọn, đón nhận. Thành quả phát triển thời gian qua của làng nghề mộc Hố Nai nhờ vào sự nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để làng nghề tồn tại, phát triển mạnh. Làm thế nào để đồ gỗ nội thất Hố Nai phát triển vững mạnh hơn trong tương lai, đó chính là trăn trở của các lão làng, thợ trẻ tại “vương quốc đồ gỗ” Hố Nai nổi tiếng cả nước.

suc song cua vuong quoc do go
Chuẩn bị vận chuyển hàng giao cho khách

Tìm đến làng nghề mộc Hố Nai không phải những ngày mùa vụ cuối năm, song không khí sản xuất ở đây vẫn rất nhộn nhịp, tất bật. Sự rộn ràng của làng nghề thể hiện qua âm thanh máy cưa, máy cắt, tiếng đục đẽo… của những người thợ. Chưa hết, hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ và ngây ngất của các loại gỗ hòa quyện vào mùi tinh dầu, nước sơn càng thôi thúc người lạ tìm đến với làng mộc.

Hy vọng rằng, chất lượng, sự độc đáo của sản phẩm cùng với nhiệt huyết lao động sáng tạo sẽ tạo điều kiện để làng nghề mộc Hố Nai không ngừng phát triển, vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Và khi nhắc đến làng nghề mộc Hố Nai là nhắc đến một thương hiệu Việt nổi tiếng sống mãi với thời gian.

Nghề mộc truyền thống và hiện đại

Nói đến nghề mộc ngày nay thì chắc ai cũng nghĩ đến thợ làm đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên để hiểu đúng về nghề mộc chúng ta cần phải chia làm 2 ngành nghề khác nhau:

Mộc mỹ nghệ

Nhiều dân tộc ở vùng núi phía Tây Bắc - Việt Bắc nước ta từ lâu đã ở trong những căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ và tre nứa đan ghép. Các dân tộc Tây Nguyên cũng sống trên các loại nhà rông bằng những cây gỗ to nguyên khối và cao lớn. Dân tộc Kinh ở miền Trung, miền Bắc có kiểu nhà gỗ ba gian với nhiều đồ dùng hằng ngày bằng gỗ như phản gỗ để nằm nghỉ, khung cửi, chày cối, đũa, bát gỗ… Nghề mộc nước ta bắt đầu tựu hình vào thế kỷ thứ X, bắt đầu từ thời nhà Đinh, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nước Đại Cồ Việt.

Theo sử sách còn ghi lại, ông tổ của nghề mộc là Ninh Hữu Hưng. Ninh Hữu Hưng (936-1020), quê ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khi vua Đinh Tiên Hoàng tuyển thợ giỏi về giúp triều đình, ông được vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh thành và được phong cho chức Công tượng lục phủ Giám sát tướng quân.

Đến nhà Tiền Lê, Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Một lần nhà vua Lê Đại Hành đi qua vùng Cái Nành (Nam Định ngày nay), vua đã cho ông ở lại đất này. Từ đó, Ninh Hữu Hưng đem con cháu tới đây an cư lạc nghiệp. Ngày nay, vùng đất này là thôn La Xuyên, của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định. Ninh Hữu Hưng còn là ông tổ của nghề chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, khảm trai lên đồ gỗ. Nghệ nhân nghề mộc mỹ nghệ phải là những người có tính tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo. Bên cạnh đó thì sự sáng tạo và tính thẩm mỹ rất được đề cao, cho nên để trở thành một nghệ nhân nghề mộc phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài và không phải ai cũng làm được.

Đồ gỗ nội thất

Đồ gỗ nội thất là những vật dụng được bố trí, trang trí bên trong một không gian nội thất như căn nhà, căn phòng hay cả tòa nhà nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động khác nhau của con người trong công việc, học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí phục vụ thuận tiện cho công việc, hoặc để lưu trữ, cất giữ tài sản… có thể kể đến một số hàng nội thất như ghế ngồi, bàn, giường, tủ đựng áo quần, tủ sách, tủ chè, chạn, đồng hồ treo tường…

Thợ mộc ngày nay tại các xưởng gỗ làm việc chuyên nghiệp hơn và theo dây chuyền sản xuất nên còn gọi là công nhân mộc. Những người thợ này cần có đức tính kỷ luật, làm việc với độ chính xác cao và thường sử dụng rất nhiều máy móc hạng nặng để thay thế cho sức lao động.

Thanh Hồ