Sự thật về ông Dũng “lò vôi” buôn lậu gỗ trị giá 500 triệu đồng (?!)

20:59 | 31/12/2014

30,355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 31/12/2014, một số báo đã đưa tin, cơ quan điều tra Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang tiến hành mở rộng điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép đối với Công ty CP Đại Nam (số 1765A, Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một). Vậy sự thật về lô gỗ này là thế nào? Liệu một người như ông Dũng "lò vôi" có "thần kinh" hay không mà đi "buôn lậu" lô gỗ trị giá khoảng 500 triệu đó?

>> "Chuyển kiếp luân hồi" của ông Dũng "lò vôi" bất ngờ gây sốt

>> Thủ tướng chỉ đạo xử lý đơn thư tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng

>> Ông Huỳnh Uy Dũng được gì, mất gì?

 

“Đại gia” chục ngàn tỉ đi buôn lậu gỗ 500 triệu đồng?

Nội dung thông tin được một số cơ quan báo chí đưa ra là: Ngày 2/10/2014, Trạm tuần tra kiểm soát Quốc lộ 13, Phòng CSGT tỉnh Bình Dương kiểm tra xe container mang biển số 51E-012.49, rơ-moóc mang BS 51R- 013.45 do tài xế Nguyễn Thanh Hoàng (SN 1980, ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM) điều khiển.

Xe container đang lưu thông trên tuyến đường ĐT 743 thuộc địa bàn Khu phố Bình Đáng (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) có dấu hiệu vi phạm giao thông đường bộ nên bị tạm giữ. Đến 19h30 phút cùng ngày, qua phối hợp cùng Đội kiểm lâm cơ động, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra và phát hiện trên xe có 77 hộp gỗ xẻ trắc (9,173 m3) của Công ty cổ phần Đại Nam xuất bán với hồ sơ lâm sản không hợp pháp.

Sự thật về ông Dũng “lò vôi” buôn lậu gỗ trị giá 500 triệu đồng (?!)

Ông Huỳnh Uy Dũng.

Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Thuận An đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Đây là việc làm bình thường và đúng pháp luật.

Nhưng sự thật về lô gỗ này cũng khá dễ hiểu.

Hơn 10 năm về trước, ông Dũng làm đền thờ Đại Nam và các công trình nên cần khoảng 10.000 m3 các loại. Đây là đền thờ rất quan trọng với ông Dũng "lò vôi" nên vị “đại gia” này đã sử dụng gỗ tốt và không tiếc tiền nên mua về.

Sau khi xây dựng Khu du lịch Đại Nam xong, 10 m3 gỗ trên thuộc dạng tồn kho, sai quy cách nên không còn dùng đến. Cách đây 1 năm, nhân viên quản lý kho của Đại Nam xin ý kiến những đồ vật không còn sử dụng được đang lưu kho, đem đi thanh lý và cho người khác thuê lại kho.

Thời điểm này, ông Dũng đang ở nước ngoài nên có trao đổi với nhân viên Đại Nam qua điện thoại và đồng ý cho mang đi thanh lý. Cũng cần nói thêm, 3 năm trở lại đây, ông Dũng “lò vôi” ít ở Việt Nam và phần lớn thời gian sống ở nước ngoài. Trong quá trình đưa đi thanh lý, số gỗ trắc trên được xác định có giá trị 500 triệu đồng.

Gỗ “lậu” có nguồn gốc hợp pháp!

Nói về nguồn gốc gỗ, ông Dũng "lò vôi" đã cung cấp cho báo chí là mua của Công ty Hoàng Gia Cát Tường để mang về làm đền thờ Đại Nam. Công ty Hoàng Gia Cát Tường lại mua của một đơn vị khác ở tỉnh Đồng Tháp có đầy đủ hồ sơ, lý lịch, kể cả nguồn gốc nhập khẩu đầy đủ.

Cách đây hơn 2 tháng, nhân viên Đại Nam đưa số gỗ trên đi thanh lý, có xuất hóa đơn của Bộ Tài chính trị giá khoảng 500 triệu đồng và có kèm theo hợp đồng. Trên đường vận chuyển, tài xế xe bị Công an huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương) bắt giữ và niêm phong số gỗ nói trên.

Sự thật về ông Dũng “lò vôi” buôn lậu gỗ trị giá 500 triệu đồng (?!)

Bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam trong một chuyến thăm hơn 20 trẻ em đang được mổ tim tại Bệnh viện Đại học Y dược.

Sau này, lực lượng Công an huyện Thuận An đã kết hợp với lực lượng kiểm lâm đến Công ty Đại Nam để xác minh. Công an huyện Thuận An cho rằng, số gỗ của Công ty Đại Nam đưa đi vận chuyển thiếu giấy xác nhận của kiểm lâm. Theo luật, có lúc, vận chuyển có giấy phép và có lúc vận chuyển không giấy phép của kiểm lâm. Số gỗ bị tạm giữ nói trên cũng có khúc lớn, khúc nhỏ.    

Tại buổi làm việc để làm rõ nguồn gốc số gỗ trên, Công ty Đại Nam đưa đầy đủ giấy phép nguồn gốc gỗ và khui container  gỗ để kiểm tra dấu búa đóng trên khúc gỗ. Tất cả dấu búa trên gỗ đều phù hợp với hồ sơ gốc và lý lịch của những khúc gỗ trắc.

“Tôi khẳng định, gỗ này là gỗ hợp pháp và từ trước đến giờ. Công ty Đại Nam không phải là công ty mua bán gỗ mà chỉ mua gỗ về xây dựng công trình còn thừa. Số gỗ trên chỉ là những khúc gỗ sai quy cách và mang đi thanh lý”, ông Huỳnh Uy Dũng nhấn mạnh.

Lúc cần, ông Dũng vẫn hay mua các loại gỗ của châu Phi có thân cây to về làm cửa cho phù hợp. Ông Huỳnh Uy Dũng rất ngạc nhiên khi bị “ngờ vực” buôn lậu 10 m3 gỗ trắc. Bản thân ông Dũng sẵn sàng dành 16 năm lợi nhuận của Công ty cho việc mổ tim các bé bị tật bẩm sinh, mỗi ca mổ hơn 50 triệu đồng. Đến nay, hơn 120 trường hợp được phẩu thuật và cứu sống. Với chỉ gần 10 m3 gỗ trắc, trị giá 500 triệu đồng lẽ nào ông Dũng “lò vôi” lại tự đi… “bán rẻ” danh dự.

Ngày 1/1/2015, ông Huỳnh Uy Dũng sẽ công bố “lý lịch” 10 m3 gỗ trắc nói trên.

Hưng Long (tổng hợp)