Sự sẻ chia mang tên Nụ Cười
Quán cơm mang tên Nụ Cười 1, do ông Nam Đồng (nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM) thành lập vào tháng 10 năm 2012. Sau ba năm đi vào hoạt động, quán cơm đã chẳng còn xa lạ với hầu hết người lao động nghèo mưu sinh nơi thành phố. Khi chúng tôi có mặt ở quán đã thấy một hàng dài những người lao động nghèo hành nghề bán vé số dạo, chạy xe ôm, công nhân, bảo vệ, và không ít sinh viên ngoại tỉnh xếp hàng trật tự mua vé vào ăn.
![]() |
Cứ 11h trưa, những người lao động nghèo trên khắp các nẻo đường TP HCM lại tìm đến quán |
Bên trong quán là một bầu không khí khá tấp nập. Các tình nguyện viên nhanh chóng xếp từng suất cơm ngay ngắn. Bốn hàng ghế chật kín người ngồi đang khẩn trương dùng bữa để nhường chỗ cho người khác. Vài ba cánh quạt không thể xua đi cái nóng trưa nhưng điểm trên những gương mặt lấm tấm mồ hôi lại là hình ảnh của nụ cười.
Người dùng cơm ở đây đa số là sinh viên, lao động bình dân nghèo hay những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tìm đến. Đối với họ, một suất cơm bình thường mười mấy hai mươi ngàn đã là cả một vấn đề, nay chỉ tốn 2.000 đồng đã được bữa ăn no đủ, đối với họ như vậy là đã đủ niềm vui cho một ngày dài.
![]() |
Bên trong quán chật kín chỗ ngồi nhưng rất ngay ngắn, trật tự |
Khách ở quán cơm Nụ Cười đa phần là người nghèo, mà người nghèo đâu đâu cũng mang những số phận buồn.
Như trường hợp một cụ già tai nghe đã không còn rõ nữa, cụ kể hàng ngày đi bán vé số ở khu vực chợ cầu Ông Lãnh, trưa nào cũng tìm đến đây. Mỗi ngày cụ bán vé số chỉ lời lắm cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng, lại còn phải nuôi một đứa cháu nhỏ mới vừa vào lớp 1. Hay như một bác lượm ve chai đã đứng tuổi, bị tật ở chân, ngày ngày cố lắm cũng chỉ kiếm được dăm bảy chục ngàn. Đối với họ, một bữa cơm 2.000 là đủ để tiết kiệm được một khoản hàng tháng lo cho cuộc sống hàng ngày.
"Xếp hàng giữa nắng cũng cực, nhưng đi nhặt ve chai cũng quen rồi, không sao. Tiết kiệm được mười mấy ngàn ăn bữa tối kể ra cũng đỡ được một chút cháu ạ" – bác ve chai nói với tôi, rồi tươi cười xòe ra hai tờ 1.000 đồng để nhận phiếu lấy cơm khi vừa đến lượt.
![]() |
Người dùng cơm ở đây đa số là sinh viên, lao động bình dân nghèo hay những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn |
Ở quán, mỗi ngày sẽ có khoảng 500 suất ăn được phục vụ. Món ăn ở đây được chế biến đảm bảo vệ sinh và cũng đầy đủ dinh dưỡng như các quán cơm bình dân khác. Một phần cơm có ba món: mặn, xào, canh, thêm món tráng miệng và trà đá. Tuy thường gặp khó khăn về kinh phí nhưng quán vẫn thu xếp đổi món để mọi người có được một bữa nước trong tuần. Đó có thể là phở, bánh canh hay hủ tíu... và giá mỗi một tô chỉ bán 1.000 đồng.
Giá bán mỗi suất cơm là 2.000 đồng, trong khi giá thành cao gấp nhiều lần nên mỗi tháng quán phải bù lỗ 50 triệu đồng. Khoản chênh lệch được bù đắp từ nguồn tài trợ bằng tiền và hiện vật của các nhà hảo tâm. Hỏi ra mới biết, các nhà hảo tâm lui tới nơi đây không chỉ là những doanh nhân, trí thức với số tiền ủng hộ nhiều triệu đồng, mà còn có cả sinh viên, người lao động, hay cả những người buôn bán, khi thì chai dầu ăn, chai nước mắm, khi thì lọ nước tương, vài ký thịt, vài ký rau hay dăm ba chục ngàn.
Một tình nguyện viên của quán chia sẻ: “Có nhiều nhóm nhân viên văn phòng tới ăn rồi lặng lẽ về, ít ngày sau thấy họ cho xe chở đến nào sách, xà bông, đồ đạc cho quán như một thông điệp bày tỏ sự ủng hộ và cám ơn vì bữa ăn đầy ý nghĩa”.
“Ở Sài Gòn thiệt không sợ đói cháu à” - một vị khách của quán đã nói như vậy với chúng tôi. Quả vậy, quán cơm 2.000 giờ đã rải rác khắp Sài Gòn, chùa chiền mỗi ngày rằm, mùng một âm lịch, ngày lễ vía Phật lớn luôn có cơm chay miễn phí, bệnh viện nào cũng có bếp cơm từ thiện… Mà hơn hết, những hoạt động thiện nguyện đó không chỉ dừng lại ở những đồng tiền đóng góp, mà qua đó còn gắn kết những tấm lòng, lan toả tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng. Người nghèo ở Sài Gòn, không sợ đói, không sợ thiếu tình thương là vậy.
Một số hình ảnh khác tại quán cơm Nụ Cười 1:
![]() |
Đến 12h trưa, dòng người vẫn tiếp tục đổ về, trong đó có rất nhiều sinh viên nghèo tìm đến sau giờ tan học. |
![]() |
Trên tay mỗi người đều là những tờ 1.000 đồng, 2000 đồng được vuốt gấp phẳng phiu |
![]() |
Các tình nguyên viên nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn người dân cách lấy phiếu cơm, xếp hàng chờ đến lượt |
![]() |
Mỗi ngày đều có rất nhiều tình nguyện viên đến phụ giúp quán cơm |
![]() |
Mỗi phần cơm của quán tương đương với một suất cơm bình dân 20.000 đồng |
![]() |
Các món ăn được chế biến vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng |
![]() |
Khách đến quán đều cố gắng ăn xong sớm để nhường chỗ cho người đến sau |
![]() |
Người dùng cơm ở đây đa số là lao động bình dân nghèo hoặc người già có hoàn cảnh khó khăn |
Nguyên Phương
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025